Xã Lạc An (Tân Uyên): Hướng nào để giữ lại một làng nghề?!

Cập nhật: 09-08-2011 | 00:00:00

Xã Lạc An (Tân Uyên) từ lâu đã nổi tiếng với làng nghề truyền thống đan lát, đặc biệt là các sản phẩm như quạt, thúng, mẹt... Vào thời điểm cực thịnh của làng nghề, hơn một nửa số hộ dân ở đây đều làm nghề này. Tuy nhiên, cái nghề đã từng nuôi sống nhiều thế hệ người dân ở địa phương nay đang dần mai một trước sự phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa của xã hội.

Sắp mai một vì nhiều lý do...

Là một xã thuần nông, người dân Lạc An chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp là chính, nghề đan lát là phụ mà nhiều gia đình tranh thủ lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập cải thiện đời sống hàng ngày. Xuất hiện từ hơn 50 năm về trước, từ lâu các sản phẩm đan lát của Lạc An như quạt, thúng, mẹt... đã trở nên quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của người dân trong tỉnh cũng như với các tỉnh lân cận.

 Nghề vót nan tre

Ông Phạm Văn Thịnh ở ấp 4, xã Lạc An, người có hơn 15 năm theo nghề đan quạt cho biết: “Nhà tôi có 6 người, đều có thể làm được nghề này. Việc học nghề thì khá nhanh chỉ mất khoảng từ 1 - 3 ngày là thạo việc, nhưng làm ra sản phẩm đẹp hay không còn do “hoa tay” của mỗi người. Trong nghề làm quạt, công đoạn khó khăn nhất chính là việc chọn nguyên liệu. Lá dùng để làm quạt thường là lá gồi, lá nón phải không giập nát, úa màu hay quá khô thì mới cho ra được sản phẩm đẹp. Nguyên liệu thì được thu mua từ 2 vùng khác nhau, với lá trắng cho sản phẩm đẹp thì được đưa từ Ninh Thuận - Bình Thuận, trong khi lá xanh thì tận dụng ở rừng bản địa. Ngoài công cán, nguyên liệu ra, mỗi ngày làm được gần 100 quạt có thể kiếm khoảng 50.000 đồng, đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày”.

Tuy nhiên, ông Thịnh cho biết thêm: Hiện trong xã không còn được mấy người theo nghề truyền thống này, những hộ gắn bó chủ yếu là những lao động nhàn rỗi, điều kiện kinh tế không đủ để kinh doanh ở lĩnh vực khác, hoặc là không đủ điều kiện sức khỏe... Lý do là việc làm này không mang lại nhiều lợi nhuận, đồng thời việc tìm nguồn nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm cũng đang hết sức khó khăn. Hiện nay, sản phẩm chủ yếu làm ra cung cấp cho các vựa hàng mây tre lá tại Hố Nai (Đồng Nai).

Vào những năm trước đây, giai đoạn mà nghề đan lát còn ăn nên làm ra, các sản phẩm thường được các vựa thu mua về và đem đi bỏ mối ở khắp nơi. Thế nhưng hiện nay, do khách hàng ngày càng kén chọn sản phẩm nên chỉ sau khi tìm được mối, chủ vựa mới dám cho triển khai đan lát theo đơn đặt hàng, tránh tồn hàng, đọng vốn. Điều này đã khiến cho các gia đình không còn chủ động trong công việc của mình, vì vậy nên họ thu nhập rất bấp bênh. Bên cạnh đó, cùng với sự đô thị hóa và phát triển nhanh của xã hội cũng làm cho làng nghề đi xuống. Do các sản phẩm nhựa ngày càng phổ biến, với mẫu mã đa dạng, gọn nhẹ, tiện lợi đã khiến cho nhu cầu về sản phẩm từ tre, trúc... giảm xuống, nghề đan lát bước vào giai đoạn thoái trào. Ngoài ra, việc nhiều KCN trên địa bàn ra đời đã khiến thanh niên trong vùng chuyển sang làm công nhân vì đồng lương trong các công ty, xí nghiệp cao hơn và ổn định hơn. Hiện toàn xã có hơn 80% lớp trẻ đi làm công ty, xí nghiệp. Do đó, từ một làng nghề sôi động, nghề đan lát tại Lạc An bỗng chốc gần như đã chìm vào quên lãng. Hiện nay, còn rất ít thanh niên trong xã biết làm nghề này. Nghề đan lát hiện chỉ còn là công việc của người già và trẻ con, những người không làm được các việc nặng nhọc khác.

Anh Hà Duy Tinh, cán bộ tài chính - kinh tế xã Lạc An tâm sự: Gần đây, số hộ còn theo nghề đan lát truyền thống của xã đã giảm đi rất nhiều. Hiện nay, ở Lạc An chỉ còn khoảng 60 hộ bám trụ lại. Tuy nhiên, về lâu dài, số này nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm xuống do gặp rất nhiều khó khăn. Hiện gần như toàn bộ số thanh niên của xã đều đi làm công nhân ở các xí nghiệp trên địa bàn, bây giờ có được mấy em chịu theo nghề, trong tương lai không biết rồi làng nghề sẽ ra sao?

Làm gì để vực dậy làng nghề?

Hai lý do chính khiến nghề đan lát truyền thống của xã đang ngày càng mai một chính là nguồn nguyên liệu và đầu ra của sản phẩm. Vì vậy, điều kiện cần thiết để có thể khôi phục làng nghề chính là phải ổn định được nguồn nguyên liệu lẫn đầu ra của sản phẩm, lúc đó mới có thể giúp người dân an tâm quay lại với nghề truyền thống. Ngoài sản phẩm quạt nan dần mai một vì sự phát triển của quạt điện thì các sản phẩm khác như thúng, mẹt... vẫn có thể thu hút khách hàng.

Cô Nguyễn Thị Minh Tân, Chủ tịch Hội LHPN xã Lạc An cho biết: Điều khiến người dân nơi đây quay lưng với nghề đan lát truyền thống chính là do không thể tìm ra được nguồn nguyên liệu để sản xuất, nếu có thì phải nhập tận miền Trung với giá rất cao, do đó sản phẩm rất khó có lãi. Vì vậy, trong tương lai cần phải quy hoạch được vùng để trồng cây nguyên liệu hay ít nhất là tìm được nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, giá phải chăng; đồng thời phải tìm được những đầu mối lớn có khả năng thu mua những sản phẩm làm ra một cách ổn định, với giá hợp lý là những vấn đề hết sức quan trọng.

Ngoài hai lý do nêu trên, để làng nghề có thể phát triển bền lâu thì việc đào tạo nghề cũng cần được quan tâm. Từ trước tới nay, hầu như việc truyền nghề đều là người nọ truyền cho người kia, vẫn chưa có được lớp dạy nghề một cách bài bản, đúng kỹ thuật, vì vậy nên các sản phẩm làm ra thường có chất lượng không đồng đều, mẫu mã đơn giản, chưa đa dạng, phong phú, thiếu sáng tạo dẫn đến khó khăn trong quá trình tiêu thụ. Một số nguyên nhân khác khiến cho làng nghề hoạt động chưa thực sự hiệu quả như: thiếu tính chuyên nghiệp, chỉ làm các đồ thô sơ, giá trị kinh tế không cao; không sáng tạo các mặt hàng mới; khó tìm thị trường mới... cũng cần được nghiên cứu tìm hướng khắc phục, qua đó giúp người dân nơi đây an tâm sản xuất, tiếp tục gắn bó với nghề truyền thống này.

Ông Trịnh Văn Tuế, ấp 4, xã Lạc An, cho biết: “Cả gia đình đều theo nghề đan lát truyền thống đã lâu. Khó khăn, nhiều lúc muốn bỏ nghề để tìm cách khác sinh nhai nhưng không thể, bởi công việc dường như đã ăn sâu vào máu thịt của từng thành viên trong gia đình. Hy vọng trong thời gian tới, chính quyền địa phương cùng ngành chức năng có những biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi vượt qua những khó khăn này. Đặc biệt là vấn đề về nguyên liệu và đầu ra của sản phẩm, để chúng tôi có thể an tâm sản xuất, phát triển góp phần gìn giữ giá trị truyền thống lâu đời của làng nghề đan lát Lạc An”.

BÌNH MINH - TỐ TÂM

Hiện cả nước có hơn 720 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số làng nghề. Các sản phẩm mây tre đan của Việt Nam đã có mặt tại hơn 100 nước trên thế giới. Với các sản phẩm vô cùng độc đáo, từ các sản phẩm truyền thống như rổ, rá, thúng, sọt, nón lá... đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như túi xách, lọ hoa, giá đựng... rất được thị trường quốc tế ưa chuộng.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên