Về xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo những ngày đầu năm 2023, chúng tôi nhận thấy bộ mặt nông thôn nơi đây ngày một khởi sắc, hiện đại hơn. Việc tập trung phát triển đa dạng các loại hình sản xuất, kinh doanh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương khá hài hòa. Theo đó, thương mại - dịch vụ chiếm tỷ lệ 34,8%, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chiếm 34% và nông nghiệp chiếm 31,2%.
Giao thông nông thôn là “đòn bẩy” tạo sức bật cho kinh tế nông thôn. Trong ảnh: Đường Gò Nà, ấp 1A được đầu tư bê tông nhựa nóng khang trang, sạch đẹp
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Phát huy tiềm năng, thế mạnh về tự nhiên và thổ nhưỡng, những năm qua xã luôn vận động nhân dân xóa bỏ những phương thức sản xuất lạc hậu, thuần nông thụ động để tập trung phát triển sản xuất kinh tế theo phương thức mới, hiệu quả. Theo đó, xã tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây cao su giống mới có năng suất cao hơn; đồng thời, từng bước phát triển các vườn cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao, tạo đà cho phát triển kinh tế bền vững tại địa phương và đổi mới loại hình tổ chức sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng trang trại, doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao; phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.
Hiện nay, trên địa bàn xã có Hợp tác xã Dịch vụ - nông nghiệp Bông Trang, Hợp tác xã Nông nghiệp ổi Thanh Kiên và 5 tổ liên kết nông nghiệp hoạt động ổn định, góp phần phát triển ngành nông nghiệp địa phương. Bên cạnh đó, Khu công nghiệp Tân Bình nằm giáp ranh với địa bàn xã đã thu hút một lượng khá lớn lao động, qua đó đã giải quyết việc làm cho lao động địa phương và ngành thương mại - dịch vụ cũng phát triển nhanh chóng. Với 2 chợ truyền thống, 2 cửa hàng tiện ích và các tiệm tạp hóa, điểm bán hàng hoạt động tại các ấp cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã cho biết Phước Hòa được ưu đãi với địa hình địa thế tương đối bằng phẳng, tiềm năng tự nhiên khá đa dạng. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó việc bố trí đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phù hợp đã tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và khu dân cư. Thời gian tới, xã tiếp tục quan tâm phát triển nền nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại, phát triển công nghiệp bền vững, thương mại - dịch vụ chất lượng cao nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Sức bật giao thông nông thôn
Đối với địa bàn nông thôn, hệ thống đường giao thông được đầu tư nâng cấp là “đòn bẩy” cho kinh tế phát triển. Theo bà Võ Thị Bích Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã, hệ thống giao thông tại địa phương được đầu tư nâng cấp tạo thuận lợi cho việc giao thương. Cùng với đó, thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây công nghiệp đã góp phần thu hút các doanh nghiệp về đầu tư sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân trên địa bàn.
Bà Võ Thị Bích Thảo cho biết thêm xã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình nâng cấp đường Chợ 1, ấp 1A (đoạn từ đường Chợ đến đường xóm Chùa), dài 160m, duy tu đường sỏi đỏ ấp Suối Con dài 400m và ấp Bàu Cỏ dài 200m; vận động xã hội hóa đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng bê tông nhựa đường Gò Nà, ấp 1A, dài 112m với tổng mức đầu tư hơn 345 triệu đồng…
Có mặt tại đường Gò Nà, ấp 1A vừa được xây dựng, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của bà con nơi đây. “Tôi sinh sống tại tuyến đường này đã được 20 năm, trước đây là đường đất, sau đó được rải sỏi nhưng vẫn rất bụi bặm, đi lại khó khăn. Từ khi được nâng cấp bê tông nhựa nóng đến nay bà con đi lại dễ dàng hơn. Đường sá sạch sẽ, khang trang là điều mong đợi bao nhiêu năm của người dân”, chị Trương Thu Hương, người dân sống trên tuyến đường này cho biết. Ông Nguyễn Thanh Phong, Trưởng ấp 1A, chia sẻ: “Đường Gò Na được Nhà nước đầu tư, đã tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho hơn 100 hộ dân sinh sống nơi đây”.
Những năm qua, xã Phước Hòa nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, phục vụ cho nhu cầu địa phương như các ngành chế biến gỗ, vật liệu xây dựng, sơ chế sản phẩm nông sản. Năm 2022, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 71 triệu đồng, năm 2023 phấn đấu đạt trên 80 triệu đồng/người. |
TIẾN HẠNH