Xã Tam Lập: Không để phát sinh số hộ nghèo

Cập nhật: 25-10-2022 | 08:39:51

Những năm gần đây, kinh tế xã Tam Lập không ngừng phát triển. Vùng đất thuần nông ngày nào nay đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn các nhà máy, xí nghiệp... khiến Tam Lập đã mang dáng dấp của một xã công nghiệp. Phát huy lợi thế của địa phương, chính quyền xã Tam Lập đẩy mạnh các giải pháp tạo việc làm, tạo vốn sản xuất, giúp người dân thoát nghèo, không để phát sinh hộ nghèo.


Xã Tam Lập tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho con em hộ nghèo, cận nghèo

Hiện nay, đi từ trung tâm xã Tam Lập đến trung tâm huyện Phú Giáo chỉ mất 10 phút đi xe gắn máy. Ông Nguyễn Trường Lê Hùng Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lập, chia sẻ: “Giao thông thuận lợi mở ra nhiều cơ hội cho người dân về trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất; đồng thời cũng tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương, giúp họ nâng cao thu nhập. Hiện xã chỉ còn 9 hộ nghèo, 32 hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh”.

Theo lời ông Phương, những năm qua, để giúp người dân thoát nghèo, địa phương đã áp dụng nhiều cách làm hiệu quả. Đó là phải làm tốt công tác rà soát, nắm rõ hoàn cảnh, công việc từng hộ dân. Kế đến là tạo điều kiện giúp các hộ vay vốn trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh tạp hóa, nước giải khát... Với những hộ không có đất canh tác hay không muốn kinh doanh, địa phương liên hệ với các nhà máy, cơ sở sản xuất xin việc làm để họ có thu nhập ổn định. Chưa hết, địa phương còn vận động xây tặng nhà ở kiên cố, nên không có hộ nào phải ở nhà tạm bợ, rách nát. Con em hộ nghèo được miễn học phí, được địa phương chăm lo từ quần áo, tập sách, xe đạp, máy tính. Cách làm này đã mang lại hiệu quả cao khi trên địa bàn không có bất kỳ hộ nghèo nào để con cái thất học, không được cắp sách đến trường.

Hàng năm, địa phương kết hợp với các ban ngành huyện mở ít nhất 2 lớp đào đạo nghề ngắn hạn cho người dân. Ông Phương cho biết thêm, mỗi lớp đào tạo nghề luôn thu hút hàng chục người tham gia, gồm đủ thành phần. Đó là các lớp trồng trọt, chăn nuôi, nấu ăn, trang điểm... Địa phương luôn ưu tiên cho các hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Qua lớp đào tạo nghề, một số thanh niên là con em các hộ nghèo, cận nghèo được học nghề lái xe nâng, sau đó địa phương giới thiệu xin việc làm ở các nhà may, đạt mức lương trung bình 10 triệu đồng/tháng.

Một điểm sáng khác tại xã Tam Lập khi địa phương có đến 78 hộ dân tộc thiểu số nhưng không có hộ nào rơi vào diện hộ nghèo. Ông Phương chia sẻ: “Hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều có đất canh tác nên có điều kiện để phát triển kinh tế về trồng trọt, chăn nuôi, tạo thu nhập cao. Cùng với đó, những năm qua, địa phương luôn nỗ lực trong công tác chăm lo cho các hộ dân tộc thiểu số về các chính sách và tạo điều kiện để họ tiếp cận các lớp đào tạo nghề, học hỏi kiến thức sản xuất để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”.

Nhờ kết hợp nhiều cách chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo hiệu quả, chính quyền xã Tam Lập không chỉ đẩy lùi mà còn hướng đến xóa nghèo bền vững cho các hộ dân trong những năm tới.

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=297
Quay lên trên