Xã Tân Hiệp: Điểm sáng xây dựng nông thôn mới

Thứ bảy, ngày 22/03/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Xã Tân Hiệp là một trong những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Giáo. Từ những đổi thay mạnh mẽ trong đời sống của người dân đến những cách làm hay trong xây dựng cộng đồng, Tân Hiệp đang dần khẳng định vị thế, tạo nên một vùng quê đáng sống.

 Tiên phong ứng dụng công nghệ số

Là 1 trong những ấp tiên phong ứng dụng công nghệ, ấp 2, xã Tân Hiệp đã hoàn thiện hạ tầng internet, với 93,41% người dân sử dụng điện thoại thông minh và 51,2% hộ sử dụng thanh toán trực tuyến. Ông Mai Văn Việt, Trưởng ban điều hành ấp 2, cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống của người dân thông qua việc đầu tư hạ tầng và ứng dụng công nghệ số. Nhờ vậy, người dân đã quen dần với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và tiện ích công nghệ”. Anh Lâm Hoài Linh, người dân trong ấp, chia sẻ: “Từ khi ấp được trang bị hạ tầng công nghệ, gia đình tôi rất thuận tiện trong việc thanh toán hóa đơn điện, nước, thậm chí là mua sắm trực tuyến. Các con của tôi cũng dễ dàng học tập và truy cập thông tin hơn”.

Lãnh đạo xã Tân Hiệp khẳng định việc triển khai mô hình “Ấp thông minh” là nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trong thời gian tới, xã sẽ nhân rộng mô hình này ra 5 ấp còn lại của xã, đồng thời xây dựng nhóm Zalo kết nối người dân với cấp ủy chi bộ, trưởng ấp và Ban điều hành ấp, tạo kênh trao đổi, chia sẻ thông tin hiệu quả. Bên cạnh đó, xã sẽ trang bị máy vi tính cho Ban điều hành ấp, tổ chức bồi dưỡng kỹ năng tin học cho cán bộ ấp và thành viên tổ công nghệ số cộng đồng nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và cải cách hành chính hiện nay. Xã cũng sẽ thiết lập hệ thống SOS (thông điệp cấp cứu trong các tình huống khẩn cấp) và phòng cháy chữa cháy, vận động người dân tham gia thông qua nguồn xã hội hóa. Những giải pháp này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và cải thiện đời sống người dân, góp phần hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.

 Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tạo nên diện mạo nông thôn xã Tân Hiệp khang trang, đổi mới. Trong ảnh: Đường Tân Hiệp 02 (ấp 2) được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả

Một trong những thành công của xã Tân Hiệp là chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Địa phương đã khuyến khích người dân phát triển các mô hình kinh tế mới như trồng cây ăn trái, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, cho biết trước đây, người dân trong xã chủ yếu trồng cao su, còn hiện nay nhiều hộ chuyển sang trồng bưởi da xanh, mít Thái, sầu riêng, dưa lưới... kết hợp chăn nuôi bò, gà theo mô hình hữu cơ. Thu nhập của người dân nhờ đó tăng lên đáng kể. Nhiều gia đình đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu tác động đến môi trường. Những thay đổi này không chỉ giúp nâng cao thu nhập mà còn góp phần vào mục tiêu phát triển xanh và bền vững của xã.

 “Quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là một chặng đường dài, với nhiều thử thách. Chúng tôi xác định lấy người dân làm trung tâm, mọi công trình đều hướng tới nâng cao chất lượng sống cho người dân. Kết quả thẩm tra, đánh giá các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa cho thấy, xã Tân Hiệp đạt 3/3 nhóm tiêu chí. UBND huyện Phú Giáo đang đề nghị UBND tỉnh xem xét, công nhận xã Tân Hiệp đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024”.

(Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp)

Hiện nay, mô hình dưa lưới của gia đình ông Nguyễn Ngọc Minh ở ấp 2 đang ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thiết lập hệ thống điện tử truy xuất nguồn gốc in mã QR nhằm bảo đảm các yêu cầu lưu trữ, truy xuất nguồn gốc, địa điểm của nơi sản xuất. Trong khi đó, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Đặng Văn Xuân, gia đình bà Vy Thị Mừng ở ấp 5 áp dụng hệ thống tưới tự động và phân bón hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Đặng Văn Xuân chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng cây cao su. Đến thời kỳ thanh lý, gia đình tôi cải tạo lại đất chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Hiện gia đình có 650 gốc sầu riêng trên diện tích đất 4 ha đang cho thu hoạch. Ước tính mỗi năm, gia đình khai thác gần 40 tấn sầu riêng, doanh thu hơn 1 tỷ đồng”.

Lãnh đạo xã Tân Hiệp cho biết những năm qua xãđã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và mang lại giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, xã luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân tiếp cận vay vốn phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, xã còn giới thiệu người lao động vào làm việc tại các công ty, trang trại trong và ngoài địa phương giúp người dân có việc làm và thu nhập ổn định. Kết quả nổi bật, năm 2024 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 93,425 triệu đồng, vượt 11,1% so với mức thu nhập bình quân đầu người của bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao năm 2024 (84 triệu đồng/năm).

HẠNH NHI - LÝ HUY