Là một trong 5 xã được chọn thí điểm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh, qua 2 năm thực hiện, nhờ vào sự đồng thuận của người dân và phát huy nội lực nên Thanh An đã thực hiện được nhiều tiêu chí và trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM của tỉnh.
Phát huy sức mạnh toàn dân
Ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình này, Đảng ủy xã Thanh An đã xác định xây dựng thành công mô hình NTM là một trong những nhiệm vụ quan trọng mang tính đột phá để địa phương phát triển, trong đó người dân đóng vai trò chủ thể, nên lãnh đạo chính quyền xã đã hạ quyết tâm từng bước thực hiện các tiêu chí đề ra. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Thanh An, cho biết: “Xây dựng NTM chính là xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Để có thể xây dựng thành công chương trình này, chúng tôi xác định cần có sự đồng thuận của người dân. Vì vậy, chúng tôi đã ra sức tuyên truyền nhằm làm chuyển biến nhận thức của cán bộ và nhân dân, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân về sự thay đổi theo hướng tích cực trong tương lai. Thành công của công tác tuyên truyền sẽ là điểm tựa giúp Thanh An thực hiện thành công chương trình này”.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng của Thanh An
Thông qua tuyên truyền, vận động phong trào xây dựng NTM đã được người dân ủng hộ, từ đó họ tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí đề ra. Ông Nguyễn Văn Ân, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: “Nhờ được tuyên truyền, vấn đề giáo dục con cái của các gia đình đã được quan tâm hơn. Mỗi hộ gia đình đều bám các quy chuẩn gia đình văn hóa để xây dựng và giữ vững nếp sống gia đình văn hóa; tham gia tố giác tội phạm, hăng hái lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất”. Nói về kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình này, ông Hoàng Văn Tấn cho biết nhiều tiêu chí không chỉ được người dân địa phương thực hiện tốt mà còn được thực hiện rất nhanh. Nhờ vậy mà tính đến thời điểm này, Thanh An đã được tỉnh công nhận thực hiện đạt 15/19 tiêu chí.
Tập trung phát triển xản xuất
Để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, bên cạnh phương châm phát huy sức mạnh toàn dân, Đảng ủy xã Thanh An cũng tiến hành thực hiện cùng lúc mục tiêu tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người dân. Ông Nguyễn Văn Ân, cho biết: “Nông dân xã Thanh An hiện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ để tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, đồng thời tính toán chi li để giảm chi phí sản xuất. Để hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân liên tục mở các lớp đào tạo nghề, hội thảo kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi bò sinh sản, gà thả vườn… Nhờ được tập huấn mà trong vụ sản xuất lúa hè thu vừa qua, bà con nông dân đã thực hiện mô hình sản xuất giống lúa mới 5451 theo hướng VietGAP, năng suất bình quân của mô hình đạt từ 5,2 đến 5,4 tấn/ha, hộ đạt năng suất thấp nhất là 5 tấn/ha. Đối với vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi 60 - 70 ha diện tích đất ruộng trồng lúa năng suất thấp, sang trồng cây dài ngày, chủ yếu là cây cao su. Nhiều hộ đã có thu nhập từ những vườn cây này, ước tính thu nhập tăng 40 - 50% so với trồng lúa”.
Cùng với đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, Thanh An còn tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ, tạo điều kiện khuyến khích phát triển các ngành nghề mới. Trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Thanh An còn chú trọng việc xây dựng các hợp tác xã (HTX) làm nòng cốt để tập trung phát triển sản xuất, tạo ra các điểm dịch vụ phục vụ đời sống, sản xuất của người dân, hướng đến hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Ông Hoàng Văn Tấn cho biết thêm, trên địa bàn xã hiện có 3 HTX hoạt động hiệu quả, gồm: HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Tân, HTX dịch vụ nông nghiệp Quý Phát và HTX bánh tráng Danh Lễ. HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Tân hiện có 15 xã viên, thực lãi năm 2011 là 121,5 triệu đồng, nộp thuế 40 triệu đồng, thu nhập bình quân mỗi xã viên là 4,5 triệu đồng/ tháng. HTX dịch vụ nông nghiệp Quý Phát có 7 xã viên, thu nhập bình quân mỗi xã viên là 4 triệu đồng/tháng. HTX bánh tráng Danh Lễ có 11 xã viên, thu nhập bình quân mỗi xã viên là 3,2 triệu đồng/tháng. Các HTX này đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 150 lao động ở địa phương. “Nhờ đó mà tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất Thanh An đã hoàn thành”, ông Tấn nói.
Có thể nói chương trình xây dựng NTM ở Thanh An đã bước đầu phát huy hiệu quả và đang mang lại cho Thanh An một diện mạo mới. Bộ mặt nông thôn Thanh An cũng theo đó mà thêm phần khởi sắc.
Để thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, lãnh đạo xã Thanh An xác định trước hết phải làm tốt khâu thủy lợi, cải tạo lại đồng rộng phục vụ sản xuất. Hiện Thanh An có hơn 2.000 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa hơn 160 ha. Qua 2 năm vận động, từ nguồn đóng góp của xã viên, thủy lợi phí và sự hỗ trợ thêm của Nhà nước, Thanh An đã huy động hàng ngàn nhân công đào đắp, nạo vét được 1.500m kênh mương nội đồng; bê tông hóa toàn bộ kênh mương với tổng kinh phí lên đến gần 3 tỷ đồng.
PHƯƠNG AN