Xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng:Thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp

Cập nhật: 18-07-2023 | 08:32:48

Thanh An là xã có thế mạnh về nông nghiệp với đa số người dân sống chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi nông hộ. Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó chú trọng khuyến khích người dân phát triển mô hình cây ăn quả theo hướng công nghệ cao, chăn nuôi quy mô trang trại.

 Mô hình trồng bơ của gia đình anh Võ Văn Thành, ấp Cà Tong, xã Thanh An cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định

So với giai đoạn trước đây, hiện nay xã Thanh An đã phát triển thêm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đa số người dân đã ứng dụng mạnh kỹ thuật công nghệ trong tưới tiêu, chăm sóc và thu hoạch, cho hiệu quả kinh tế cao.

Với diện tích 4,3 ha trồng các loại bơ booth, bơ tứ quý và bơ 034, anh Võ Văn Thành, ấp Cà Tong, xã Thanh An đã ứng dụng hệ thống tưới tiêu theo công nghệ Israel để vận hành hệ thống tưới và chăm sóc cây theo hướng hữu cơ. Anh Thành cho biết, gia đình mới trồng bơ từ năm 2018, trước đó trồng cây cao su. Tuy nhiên do mủ cao su mất giá và đến thời kỳ thanh lý, thuê nhân công khó nên gia đình mạnh dạn chuyển đổi sang trồng bơ. Ban đầu anh Thành thí điểm trồng trước 3 ha và trồng xen canh với cây ổi để lấy ngắn nuôi dài. Đến năm 2020 thấy hiệu quả kinh tế nên trồng thêm 1,3 ha.

“Trồng bơ cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây cao su. Nếu trúng vụ với diện tích 3 ha, thu hoạch khoảng 100 tấn/ vụ, doanh thu đạt 600 triệu đồng. Để bơ đạt năng suất, hiệu quả cao phụ thuộc vào các yếu tố như giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thời tiết, đặc biệt quan trọng là giá cả, thị trường đầu ra. Sản lượng cao, giá tốt là niềm mong mỏi của bà con nông dân”, anh Thành cho biết thêm.

Mô hình trồng bưởi da xanh xen măng cụt của hộ ông Huỳnh Trung Đông, ấp Bến Tranh, xã Thanh An nhờ áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và chăm sóc theo hướng hữu cơ cũng cho hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí nhân công và tăng giá trị sản phẩm. Ông Đông cho biết, gia đình canh tác trên diện tích 1,5 ha, chăm sóc bằng phân hữu cơ, cho sản lượng đạt 1,5 tấn/ha/vụ, doanh thu đạt 100 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, măng cụt cũng cho thu hoạch sản lượng 2 tấn/ha, doanh thu đạt 50 triệu đồng/vụ.

Trên địa bàn xã Thanh An còn có mô hình chuối thương phẩm do Công ty Cổ phần nông nghiệp U&I đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong cấy giống và chăm sóc. Công ty chuyên trồng và sản xuất nông sản chuối cấy mô, liên kết xuất khẩu ra nước ngoài. Tổng diện tích vườn chuối hiện tại là 117 ha, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động trên địa bàn xã với thu nhập ổn định.

Hiện nay, huyện Dầu Tiếng khuyến khích chăn nuôi trang trại theo hướng công nghệ cao. Với điều kiện thực tế tại địa phương, hiện xã Thanh An chủ yếu phát triển các mô hình chăn nuôi nông hộ với quy mô nhỏ, chú trọng phát triển đàn bò sinh sản. Tuy vậy, các hộ chăn nuôi đều có hệ thống xử lý chất thải theo quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Hiện trên địa bàn xã có Tổ nghề nghiệp chăn nuôi bò lai 3B với hơn 10 hội viên đang cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Gia đình anh Nguyễn Tuấn Vũ, ấp Cà Tong có truyền thống nuôi bò thịt, bò sinh sản đã 20 năm. Nhận thấy bò lai 3B cho hiệu quả kinh tế cao, dễ bán nên từ năm 2013, gia đình anh chuyển hoàn toàn sang nuôi bò lai 3B. Anh Vũ cho rằng: “Nuôi bò lai chỉ 12 tháng là có thể xuất bán, một cặp bán được hơn 100 triệu đồng, trung bình một con bò lai nuôi có lãi 15 triệu đồng. Thời điểm giá thức ăn chăn nuôi chưa tăng, 1 con bò lai có khi lãi tới 17-20 triệu đồng”.

Có thể nhận thấy, việc người dân tại xã Thanh An tích cực khai thác tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Đặc biệt, việc mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, sản xuất theo hướng hữu cơ đối với những mô hình kinh tế hộ có quy mô nhỏ hay với doanh nghiệp sẽ giúp tiết kiệm chi phí nhân công, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

 Theo ông Nguyễn Tấn Lai, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh An, với diện tích đất nông nghiệp chiếm tới 86,6% là điều kiện thuận lợi để nông dân trên địa bàn xã phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Về trồng trọt, cây cao su vẫn là cây trồng chủ lực, cây ăn quả chỉ chiếm 65 ha. Hiện nông dân trên địa bàn xã đang phát triển đàn bò lai quy mô nhỏ nhưng có hiệu quả kinh tế khả quan. Để hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống, xã thường xuyên hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ, đồng thời hỗ trợ nguồn vốn vay.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=483
Quay lên trên