Những ngày cuối năm Canh Tý, chúng tôi có dịp trở lại xã Thanh Tuyền - địa phương cửa ngõ của huyện Dầu Tiếng. Vùng quê anh hùng ngày càng thay da đổi thịt nhanh chóng, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả xuất hiện góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội ngày một đi lên.
Ông Nguyễn Văn Tỵ chài cá lên để kiểm tra sức tăng trưởng
Cây đặc sản phát triển
Cùng với việc cải tạo và gia tăng hiệu quả canh tác đối với các loại cây trồng truyền thống như cao su, lúa, những năm gần đây xã Thanh Tuyền đã tích cực gầy dựng và phát triển những vườn cây ăn trái đặc sản kết hợp du lịch sinh thái. Theo đó, tính đến đầu năm 2021, xã Thanh Tuyền có khoảng 215 ha diện tích chuyên canh cây ăn trái, chủ yếu các loại cây măng cụt, sầu riêng, bưởi… Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền, cho biết so với các loại cây trồng truyền thống, cây ăn trái đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, khi trồng các loại cây ăn trái, chủ vườn còn dễ dàng kết hợp thả cá, nuôi gà… để tạo nên hệ sinh thái khép kín và tăng thu nhập.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những vườn cây ăn trái ở Thanh Tuyền đã được tỉnh đầu tư dự án phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản với thương hiệu tập thể “Măng cụt Dầu Tiếng”, kết hợp với du lịch sinh thái. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 37 hộ với tổng diện tịch 22 ha tại các ấp Lê Danh Cát, Xóm Bưng, Đường Long và Suối Cát chuyên canh măng cụt trên địa bàn xã được chọn tham gia dự án.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Vĩnh Quốc, Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền, cho biết thời gian qua, xã đã phối hợp các ngành chức năng tuyên truyền, vận động người dân tham gia các dự án phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó tiêu biểu nhất là dự án phát triển vườn cây ăn trái đặc sản kết hợp du lịch sinh thái. Ông Quốc cho biết sau khi tham gia dự án, người dân sẽ được tỉnh cử kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn phương pháp trồng, chăm sóc và phát triển vườn cây theo hướng ứng dụng kỹ thuật theo quy trình VietGAP.
Hiện hầu hết những vườn cây măng cụt của các nông hộ trên địa bàn xã đã được trồng, chăm sóc theo hướng kỹ thuật chuẩn GAP kết hợp ứng dụng tự động hóa trong việc tưới, bón phân, phun thuốc… nên chất lượng và trọng lượng trái được khách hàng đánh giá khá cao, tạo nên thương hiệu “Măng cụt Dầu Tiếng” nức tiếng gần xa.
Bội thu từ cá rô đồng
Tận dụng lợi thế ven sông Sài Gòn, bên cạnh những vườn cây ăn trái, nhiều nông hộ ở xã Thanh Tuyền thường đào ao cá để nuôi cá. Tuy nhiên, để những ao cá này tạo ra hiệu quả kinh tế nổi bật thì ở xã Thanh Tuyền có hai hộ Huỳnh Văn Đường và Nguyễn Văn Tỵ. Cụ thể, ngoài việc có vườn măng cụt rộng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao thì hai nông hộ này còn có một điểm chung nữa là cùng tham gia dự án phát triển mô hình nuôi cá rô đồng lai do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Dầu Tiếng triển khai.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Dầu Tiếng cho biết sau khi ký thỏa thuận tham gia dự án, hai nông hộ Nguyễn Văn Tỵ và Huỳnh Văn Đường đã được tài trợ 200kg cá giống, tiền mua thức ăn và hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá. Kết quả kiểm tra sức khỏe và tăng trưởng của đàn cá sau 4 tháng thả cá giống, hiện trọng lượng trung bình của hai ao đạt từ 200 - 250g/con, sẵn sàng bán ra thị trường.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tỵ cho biết cùng với việc gầy dựng vườn măng cụt, những năm gầy đây ông đã thử nuôi nhiều loại cá nhưng hiệu quả kinh nhất có lẽ là loại cá rô đồng lai. Theo ông, giống cá rô đồng lai khá dễ nuôi, ít bệnh tật và có tốc độ tăng trưởng nhanh, tiện cho việc thu hồi vốn và xoay vụ, qua đó giúp gia đình ông tăng thu nhập đáng kể.
Do có mùi vị thơm ngon, thịt dai, phù hợp cho chế biến nhiều món ăn nên cá rô đồng lai đang được mua với giá sỉ tại ao từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, giá bán lẻ tại chợ khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg. Theo ước tính của ông Tỵ, nếu bán cho thương lái với giá sỉ tại ao gia đình ông sẽ thu về khoảng 80 triệu đồng mỗi vụ. Sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận còn lại đạt khoảng 40 đến 50 triệu đồng, một nguồn thu nhập đáng mơ ước của nhiều nông hộ.
ĐÌNH THẮNG