Xã Thuận Giao (Thuận An): Tích cực phòng chống bạo hành gia đình

Cập nhật: 25-01-2010 | 00:00:00

Các cán bộ hội thường xuyên xuống nhà chị em để nắm bắt tình hình, kịp thời can thiệp nếu bị bạo hành

Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ, ngay từ khi Luật Phòng chống bạo hành gia đình (BHGĐ) có hiệu lực, các cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Thuận Giao, Thuận An đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ. Từ đó hạn chế và từng bước đẩy lùi được nạn BHGĐ xảy ra.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Lật từng lá đơn kêu cứu của các chị em phụ nữ bị BHGĐ, chị Mai Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Thuận Giao nói, chỉ tính riêng trong năm 2009, trên địa bàn xã đã xảy ra 4 vụ BHGĐ. Nguyên nhân là do người chồng cờ bạc, không có việc làm ổn định, thường xuyên say xỉn, có quan hệ bất chính với phụ nữ khác... về nhà kiếm cớ đánh đập, chửi mắng vợ con. Ban đầu, nhiều chị cam chịu đánh đập, xúc phạm vì đâu đó trong chị em vẫn còn quan niệm “chồng chúa vợ tôi” hoặc sợ chòm xóm dị nghị là tố cáo chồng... do đó dẫn đến hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Nhiều chị sức khỏe, tinh thần suy sụp, con cái ảnh hưởng đến chuyện học hành... Trước tình cảnh này, các cán bộ hội phối hợp cùng tổ hòa giải đã xuống tận nhà để giải thích, tuyên truyền. Nhờ đó, nhiều người chồng đã nhận thức được thế nào là BHGĐ, vợ chồng hàn gắn lại với nhau. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trường hợp người chồng ngoan cố, hội đã nhờ đến công an và chính quyền địa phương can thiệp. Bằng hình thức mời làm việc trực tiếp, xử phạt hành chính đã mang tính răn đe nên hạn chế tình trạng BHGĐ xảy ra trên địa bàn.

Chúng tôi tìm đến nhà chị L.T.Q ở ấp Hòa Lân II, trước đây chị từng kêu cứu đến Hội LHPN xã vì bị chồng bạo hành. Trên khuôn mặt tỏ rõ niềm vui chị kể, trước đây vợ chồng chị rất hạnh phúc nhưng do chuyện làm ăn thua lỗ, anh đâm ra cộc cằn, thường xuyên kiếm chuyện với chị. Ban đầu, chị cũng ráng nhịn nhục vì biết rằng không phải bản tính anh vậy. Lâu dần, bạo hành như trở thành thói quen, chị không chịu nổi đã làm đơn gửi lên hội nhờ can thiệp. Khi các cán bộ hội, tổ hòa giải xuống thuyết phục anh nhận ra vấn đề, từ đó trở lại như xưa. Giờ đây, gia đình chị rất hạnh phúc. Anh mở tiệm sửa xe ở nhà. Trên khuôn mặt bẽn lẽn anh cho biết, do làm ăn thua lỗ đâm ra bất mãn nên làm chuyện quấy, giờ nghĩ lại thấy hối hận.

Hay trường hợp của chị P., từ miền Tây lên ở trọ. Hai vợ chồng đã lớn tuổi nhưng tối ngày cự cãi. Có lúc nóng giận anh đánh chị chấn thương tay. Nguyên nhân chẳng có gì sâu xa, chỉ bởi anh có tính gia trưởng, ngoài công việc bên ngoài anh không hề giúp việc nhà cho chị. Nhiều lúc vừa nấu cơm, vừa chạy lên chạy xuống giao nhận hàng (chị mở tiệm sửa quần áo tại nhà), nên cáu gắt và nảy sinh xung đột với nhau. Thấy hoàn cảnh này, các cán bộ hội đã xuống hòa giải, tuy nhiên anh vẫn ngoan cố, thậm chí chửi lại những người... ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Để bảo vệ chị P., hội đã báo công an đến làm việc... Cuối cùng anh phải xin lỗi và cam kết không tái phạm.

Chị Mai Thị Phượng cho biết, để công tác phòng chống BHGĐ có hiệu quả thì công tác tuyên truyền rất quan trọng. Trong năm 2009, hội đã lồng ghép với các buổi sinh hoạt hội tuyên truyền được 42 cuộc, với trên 2.300 lượt người dự. Ngoài ra, phát nhiều tài liệu về phòng chống BHGĐ xuống các khu nhà trọ...

Cán bộ cơ sở đóng vai trò quan trọng

Chị Mai Thị Phượng chia sẻ, cái khó để thực hiện phòng chống BHGĐ hiệu quả chính là chị em phụ nữ chưa dám lên tiếng khi bị bạo hành. Vì vậy để phát hiện và kịp thời ngăn chặn nạn BHGĐ thì vai trò của cán bộ cơ sở rất quan trọng. Các chị sẽ phát hiện và tiếp cận đối tượng để hòa giải. Hiện tại Chủ tịch Hội LHPN xã và 5 chi hội trưởng ở 5 ấp đều là thành viên của Ban hòa giải từ xã đến ấp.

Để cán bộ cơ sở nắm bắt tình hình, năm 2009, hội đã tổ chức hội thi Cán bộ chi, tổ hội làm công tác dân vận khéo với nội dung “Luật Phòng chống BHGĐ”. Có 18 thí sinh của 5/5 chi hội tham gia. Thông qua hình thức thi tiểu phẩm, các cán bộ chi, tổ đã thể hiện được vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Từ đó, các chị mới mạnh dạn lên tiếng bảo vệ chị em khi bị bạo hành.

Phòng chống BHGĐ không phải tối ngày kêu riêu hay lên án chồng mà tìm ra giải pháp để hạn chế nạn bạo hành, bảo đảm hạnh phúc vững bền giữa hai người để cùng chăm lo cho con cái. Vì vậy, chị em phụ nữ phải mạnh dạn lên tiếng để bảo vệ mình và gia đình.

THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên