Xã Thường Tân (Tân Uyên): Xứng danh vùng đất anh hùng

Cập nhật: 25-08-2011 | 00:00:00

Nếu ai về lại xã Thường Tân (Tân Uyên) hôm nay, chắc chắn không chỉ tự hào là vùng căn cứ kháng chiến năm xưa mà còn tự hào về tinh thần vượt khó, quyết tâm xây dựng kinh tế ngày càng phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã...

Phát huy truyền thống cha ông

Thời chiến tranh, xã Thường Tân từng là khu căn cứ địa cách mạng, bị Mỹ dồn dân lập ấp chiến lược, trở thành vùng trắng. Nhưng với tinh thần yêu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã kiên cường vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. Từ em nhỏ cho đến các cụ già, ai ai cũng bí mật tham gia hoạt động cách mạng, nuôi giấu cán bộ. Khắp nơi rộ lên phong trào thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ, nhiều người mẹ, người vợ tích cực động viên chồng, con lên đường tòng quân giết giặc cứu nước.

 Nông dân Thường Tân đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thường Tân bắt tay khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 26% tổng số dân, giờ đây bộ mặt kinh tế - xã hội của Thường Tân ngày càng phát triển. Ông Nguyễn Văn Tiếng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thường Tân, cho biết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã luôn coi trọng việc xây dựng tinh thần đoàn kết thống nhất, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhằm nâng cao đời sống nhân dân, Đảng bộ xã đã lãnh đạo các đoàn thể, tổ chức phong trào thi đua phát triển kinh tế giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn, cây trồng, con giống và tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.

Cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

Trong phát triển kinh tế, xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ giới hóa sản xuất. Để chủ động, đảm bảo nước tưới cho gần 226 ha diện tích lúa, xã đã tập trung đầu tư tu sửa hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất. Công trình giao thông nông thôn liên ấp 4,5,6 có chiều dài 2.612m, tổng kinh phí đầu tư hơn 3,9 tỷ đồng; mặt đường rộng 4m được trải thảm bằng bê tông nhựa nóng dày 5cm, hệ thống cống thoát nước được tận dụng từ một số cống thủy lợi có sẵn và xây dựng mới một số cống hộp. Đây là tuyến đường giao thông nông thôn đầu tiên của huyện Tân Uyên được nâng cấp từ rải sỏi đỏ lên nhựa nóng. Tuyến đường hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con nông dân trên cánh đồng 100 ha đất sản xuất. Bác Nguyễn Văn Bảy ở ấp 4, phấn khởi nói: “Tôi đã sống gần hết đời người nhưng hôm nay mới thật sự cảm thấy mãn nguyện vì quê hương đang đổi thay từng ngày. Đường sá khang trang, sạch đẹp, người dân đi lại dễ dàng, các cháu học sinh tung tăng đạp xe đến trường mà không sợ trơn trượt”.

 Công trình chợ Bà Miêu vừa được đưa vào sử dụng năm 2010 đã đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần thay đổi bộ mặt của xã nông nghiệp

Nhờ đầu tư máy móc sản xuất, thâm canh tăng vụ (3 vụ/năm) nên năng suất lúa bình quân đạt từ 5.000- 5.500kg/ha. Trong ấp đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao như gia đình ông Nguyễn Hữu Thọ ở ấp 4. Áp dụng mô hình kinh tế tổng hợp, năm 2002, ông Thọ đầu tư nuôi 100 con gà, 20 con vịt đẻ trứng, với phương châm vốn đến đâu, đầu tư đến đó, khi chăn nuôi có lời ông tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại. Đến nay, đàn gà của ông có hơn 200 con, 100 con vịt và 3 ha lúa, trừ chi phí mỗi năm ông Thọ thu về hàng chục triệu đồng.

Kinh tế phát triển, đời sống của người dân ngày càng nâng lên rõ rệt. Hơn 90% hộ trong xã có đầy đủ các phương tiện phục vụ sinh hoạt trong gia đình như: xe máy, tivi, điện thoại... Năm 2010, xã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” và với nhiều thành tích nối tiếp, Thường Tân ngày nay xứng danh danh hiệu anh hùng.

KIM HÀ - KIM VÂN

* Cựu chiến binh, thương binh 2/4 Nguyễn Chiến Đấu (ấp 3, xã Thường Tân) kể: Thời chiến tranh, địa phương chiến khu Đ này là vùng không dân. Năm 1968, quân ta chịu trách nhiệm mũi thọc sâu vào nội bộ lính Mỹ, cùng với Sư đoàn 7 đánh Mỹ và Anh cả đỏ 2 đêm liền, tiêu diệt khoảng 1.100 tên lính Mỹ ở ngã ba Sở Hội (nay thuộc xã Hội Nghĩa), 57 xe tăng, 8 máy ủi, cuộc chiến diễn biến hết sức ác liệt. Đại đội của ta cũng bị thương rất nhiều, chỉ 13 anh em chiến đấu, nhưng không vì vậy mà lùi bước, quân ta được lệnh còn bao nhiêu thì chiến đấu bấy nhiêu. Năm 1961-1962, khi đó tôi là Chính trị viên Đại đội C2-303, ta đánh Mỹ ở cầu Rạch Rớ, tiêu diệt được 1 đại đội và bắt sống 62 tên lính ngụy. Trong khoảng thời gian này, quân ta tiêu diệt được bót Hiếu Liêm, tinh thần anh em được quán triệt, tất cả vì Tổ quốc dù có hy sinh.

* Nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tân Uyên Đoàn Quang Trung: Cuối 1961 đầu 1962, được lệnh Quân khu, Tiểu đoàn 800 triển khai đánh trận Lò gạch (nay thuộc xã Đất Cuốc). Lúc ấy vào 7 giờ sáng, đoàn trực thăng của địch quần khắp bầu trời chiến khu Đ, địch án ngữ tại cầu suối Sâu để bí mật đánh quân ta. Nắm vững ý đồ bọn chúng, quân ta bám sát quân địch thành lưới bao vây. Quân ta phục kích địch trên đường với khí thế hừng hực, áp đảo, dồn giặc, tiêu diệt được gần nửa trung đoàn lính ngụy. Mặc dù lúc đó, ta không làm chủ trận địa nhưng với tinh thần sẵn sàng, toàn quân, toàn dân dũng cảm chiến đấu, quyết tâm đuổi giặc, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên