Xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng: Phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp

Cập nhật: 18-04-2023 | 09:31:47

Nhằm phát huy thế mạnh về đất đai, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích người dân lựa chọn các mô hình nông nghiệp phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao.

Đến thăm mô hình kinh tế của anh Trần Văn Tính tại tổ 1, ấp 4, chúng tôi khá ấn tượng bởi không gian rộng rãi, kết hợp vừa để ở vừa phát triển kinh tế. Trong khuôn viên của trang trại là vườn cây sầu riêng được trồng thẳng lối tạo không gian xanh, thoáng đãng, một phần diện tích được sử dụng để xây dựng trang trại nuôi vịt.


Mô hình trang trại vịt lạnh khép kín của anh Trần Văn Tính giúp bảo vệ môi trường, cho hiệu quả kinh tế cao

Anh Tính cho biết trước đây gia đình nuôi gà trại hở, năm 2015 chuyển sang thực hiện quy trình nuôi vịt lạnh khép kín với quy mô hơn 11.000 con vịt, trại lớn 1.000m2, trại nhỏ 600m2. Ngoài đầu tư trang bị hệ thống máng ăn, nước uống tự động, gia đình anh đầu tư xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải, vịt ít dịch bệnh, phát triển tốt. “Khác với nuôi gà, nuôi vịt lạnh chỉ 45 ngày là có thể xuất bán, mỗi lứa xuất khoảng 10.000 con. Lợi nhuận thu được tùy theo giá cả thị trường, tại thời điểm được giá nhất, gia đình có lợi nhuận khoảng hơn 1 tỷ đồng/ năm”, anh Tính cho biết.

Cũng theo anh Tính, ban đầu khi quyết tâm phát triển kinh tế trang trại, ngoài nguồn vốn gia đình tích góp được, anh mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng để đầu tư. Đồng thời, tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, thường xuyên trao đổi, tham khảo ý kiến cán bộ nông nghiệp về kinh nghiệm chăn nuôi và cách phòng một số loại bệnh thường gặp. Nguồn thức ăn cũng được anh lựa chọn cẩn thận từ những công ty có uy tín. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Đến nay, gia đình anh đã trả được hết các khoản vay, kinh tế gia đình ổn định.

Đối với mô hình kinh tế trồng trọt phải kể đến gia đình chị Nguyễn Thị Hải, tổ 3, ấp 4. Trước năm 2014, gia đình chị thuộc hộ nghèo, hai vợ chồng phải làm thuê làm mướn khắp nơi. Bằng ý chí, nghị lực vượt khó, năm 2014 gia đình chị đã tích cóp để mua được mảnh đất để trồng bưởi. Tuy nhiên, sau 2 vụ thu hoạch do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật còn yếu nên vườn suy kiệt, cây chết dần. Chị Hải quyết định mua giống cây chôm chôm về trồng xen canh trên mảnh vườn rộng 4 . 0 0 0 m 2 . Cây chôm chôm hợp đất, lại có thêm kinh nghiệm nhờ chịu khó học hỏi người trồng trước nên phát triển rất tốt. Chị Hà dần chặt bỏ những cây bưởi kém hiệu quả để hoàn thiện vườn chôm chôm với hơn 70 cây.

Hiện nay, mỗi vụ thu hoạch vườn chị Hà đạt hơn 2 tấn, với giá đầu vụ là 35.000-40.000 đồng/kg, vào chính vụ giá khoảng 20.000-25.000 đồng/ kg. Chị Hà cho biết: “Tại địa phương phần lớn người dân trồng sầu riêng. Gia đình tôi quyết định trồng cây chôm chôm bởi chi phí đầu tư ít, dễ chăm sóc hơn, vòng đời thu hoạch lâu hơn. Ngoài ra, tận dụng đất vườn trồng cỏ gia đình còn nuôi được 6 con bò, mỗi năm xuất bán 4 con thu được khoảng 80 triệu đồng. Nhờ đó kinh tế gia đình được cải thiện, không còn khó khăn như trước đây nữa”.

Đánh giá về hiệu quả của việc phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn xã, ông Trần Quang Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: “Xã có cơ cấu kinh tế nông nghiệp - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp; trong đó ngành trồng trọt, chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn. Hiện trên địa bàn xã có 42 trang trại chăn nuôi, 1 hợp tác xã vận tải, 1 tổ hợp tác rau an toàn, 1 tổ hợp tác trồng ổi, lê Đài Loan, 2 tổ liên kết chăn nuôi bò và tổ liên kết trồng cây ăn trái với các loại như sầu riêng, chôm chôm...”.

Theo ông Trần Quang Sỹ, để bảo đảm phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, xã khuyến khích các hộ chăn nuôi xây dựng mô hình VAC, cam kết có hầm biogas. Địa phương cũng phối hợp với các đơn vị tư vấn, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường cho người dân.

Ông Trần Xuân Trà, Chủ tịch UBND xã trừ Văn Thố, cho biết: “Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm, xã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế trên địa bàn. Trong đó, tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư, nhân rộng các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả”.

Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội xã Trừ Văn Thố phát triển ổn định, số hộ khá, giàu được nâng lên, số hộ nghèo giảm còn 0,61% (14/2.101 hộ). Thời gian tới xã nỗ lực triển khai các giải pháp, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng có cơ chế hỗ trợ tiêu thụ nông sản để người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả các mô hình kinh tế, nhất là mô hình trồng cây ăn trái; xây dựng chuỗi sản phẩm, xây dựng sản phẩm của địa phương theo chương trình mỗi xã một sản phẩm đặc trưng.

TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1402
Quay lên trên