Người lao động nhận tiền hỗ trợ tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)
Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 116/2021/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết có một số vướng mắc trong việc xác định đối tượng hưởng hỗ trợ.
Cơ quan này đã có văn bản đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sớm nghiên cứu, hướng dẫn nhóm đối tượng có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thực chất là được bảo lưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 (thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam) đến 30/9/2021, nhưng không có trong danh sách đóng bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 để có cơ sở thực hiện.
Liên quan đến ý kiến của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm, người lao động được xác định là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi thực hiện giao kết một trong các loại hợp đồng: hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp có nêu, trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian này.
Theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, đối tượng được hỗ trợ là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (có tên trong danh sách đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội).
Mặt khác, nội dung này đã được nêu trong Báo cáo thẩm định số 139/BCTĐ-BTP của Bộ Tư pháp về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giải trình tại Báo cáo số 138/BC-LĐXHXH kèm theo Tờ trình số 84/TTr-LĐTBXH trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg.
Như vậy, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc đã giao kết với người sử dụng lao động.
Tại thời điểm ngày 30/9/2021, người lao động chưa chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội nên vẫn được coi là đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và được hỗ trợ trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp (bao gồm cả các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, việc hưởng chế độ thai sản,... trong thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2021, cũng như trước ngày 1/1/2020).
Ngay sau khi có ý kiến trả lời của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ngày 13/10, Ban Chỉ đạo hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã hướng dẫn Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định đối tượng hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg.
Người lao động được hướng dẫn các thủ tục hưởng hỗ trợ tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện ngay việc tiếp nhận hồ sơ để giải quyết và chi trả hỗ trợ kịp thời đối với các trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc đã giao kết với người sử dụng lao động.
Tại thời điểm ngày 30/9/2021, người lao động chưa chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan Bảo hiểm Xã hội nên vẫn được coi là đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và được hỗ trợ trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan quản lý tài chính địa phương (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý); các bộ, ngành (đối với đơn vị thuộc bộ, ngành quản lý) để xác định đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định pháp luật hiện hành về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 và khoản 2 Điều 4 Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg.
Đối với các vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố cần chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp để tháo gỡ.
Như tin đã đưa, khi xác định đối tượng được hỗ trợ, đối chiếu với quy định tại Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan Bảo hiểm Xã hội cho biết chưa có căn cứ rõ ràng để áp dụng đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, chưa có căn cứ để áp dụng với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật; người nghỉ việc không hưởng lương hay đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc trái pháp luật (tự ý bỏ việc).
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, tại thời điểm 30/9/2021, những trường hợp nêu trên không đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhưng cũng chưa phải đã ra khỏi “danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp” của đơn vị sử dụng lao động và thực chất là có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, tương đồng với đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg.
Hồ sơ của các cơ quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền chưa đề cập rõ các tình huống bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cụ thể ở trên. Vì vậy, Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chưa quy định chi tiết về nội dung này, dẫn đến vướng mắc khi xác định đối tượng hưởng hỗ trợ.
Theo thông tin từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, toàn ngành đã và đang huy động tổng lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện, để đảm bảo tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến với người lao động một cách nhanh nhất.
Tính đến hết ngày 13/10, toàn ngành đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho gần 311 nghìn người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 87.600 người đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ là 920,6 tỷ đồng./.
Theo TTXVN