Xâm nhập sòng bạc ở Campuchia

Cập nhật: 14-06-2011 | 00:00:00

Mặc dù đã được cảnh báo, nhưng mỗi ngày hàng ngàn con bạc từ các tỉnh Bình Dương, TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai... vẫn nườm nượp đổ qua biên giới đến các sòng bạc trên đất Campuchia để đánh đổi cả gia tài, số phận của mình với những trò may rủi. Được ít, thua nhiều, biết là thế nhưng con số người Việt Nam đi qua Campuchia đánh bạc chưa dừng lại mà ngày càng tiếp tục tăng.

Qua cửa khẩu

Cửa khẩu Xa Mát (huyện Tân Biên, Tây Ninh) là biên giới giữa Việt Nam - Campuchia, cách trung tâm TP.HCM hơn 200km và cách thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) cũng khoảng 200km. Tưởng rằng ở một vùng xa xôi hẻo lánh ít người qua lại, thế nhưng khi có mặt ở nơi đây, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ bởi sự tấp nập của xe cộ và dòng người qua lại cửa khẩu. Tấp vào một tụ điểm của những người chạy xe ôm, vờ để hỏi cách thức qua Campuchia, một tay “cò” cho biết: “Có giấy chứng minh nhân dân thì 80.000 đồng/người, không có giấy chứng minh thì 100.000 đồng, qua đó chơi lúc nào về cũng được. Có muốn mang cả xe hơi qua đó không? Đưa thêm 200.000 đồng nữa, nếu bị cảnh sát Campuchia bắt, mỗi lần đưa cho họ 20.000 đồng Việt Nam là đi thoải mái”.

Cách đi lại cửa khẩu dễ dàng như vậy đang làm chúng tôi hết sức bất ngờ thì một người tên Phong (người gốc Việt, quốc tịch Campuchia, chuyên môi giới hải quan qua cửa khẩu) cùng đi với chúng tôi lại lên tiếng: “Để em lo hết vụ này cho”. Nói xong, Phong chỉ chúng tôi chia nhau ra lên 3 xe du lịch (do Phong bố trí sẵn để đưa đón chúng tôi). Khi qua các trạm kiểm soát, Phong xuống xe nói mấy câu bằng tiếng Campuchia là cả đoàn xe ung dung đi qua cửa khẩu. Trên đường đi, Phong cho biết trong dòng người hàng ngày tấp nập đổ qua biên giới đa số là những người đi đánh bạc, một số người chạy xe ôm và buôn bán bên Campuchia.

Đối diện chủ sổ

Qua cửa khẩu, sòng bạc đầu tiên mà Phong đưa chúng tôi đến có tên Grand Golden (quốc lộ 72, huyện Ponhea Krek, tỉnh Kompongcham, Campuchia). Vừa bước xuống xe, tôi đã tranh thủ lấy điện thoại ra để chụp hình thì ngay lập tức, mấy bảo vệ người Campuchia mặc áo đen, mặt mày dữ tợn chạy đến nói bằng tiếng Việt: “Không chụp, không chụp”. Vậy là đã hiểu - họ không cho chụp hình, nhưng tôi đã nhanh tay bấm máy trước khi bảo vệ tiến lại gần. Vào đến cửa sòng bạc, chúng tôi thấy khoảng 30 cô gái ngồi ngay ở các dãy ghế. Phong cho tôi biết nếu muốn bao một cô gái nào đó đi chơi hết tour thì cứ việc ra đó để chọn. Phía trong sòng bạc Grand Golden, tầng trệt là nơi để các con bạc sát phạt nhau bằng rất nhiều các hình thức như bài cào, xì dách và cả chơi 1 lá ăn ngay. Các tầng lầu khác là các khu phòng khách sạn, vũ trường, karaoke, massage sauna...

 

Phong đổi tiền ngay tại sòng để đánh bạc tại sòng bài HengHeng

Rời Grand Golden, chúng tôi đến sòng bạc HengHeng nằm cách đó không xa. Phong cho biết có quen một số người làm quản lý và chủ sổ ở đây và sẽ giới thiệu cho chúng tôi. Tại đây, Phong dẫn chúng tôi đến 2 loại sòng bạc khác nhau. Một là nơi đánh bạc bằng tiền Việt và một là đánh bằng đô-la Mỹ. Vừa nói, phong vừa móc trong bóp ra tờ 100 đô rồi ngoắt tay gọi người đổi tiền đổi lấy 2.200.000 đồng rồi tiếp tục đổi lấy 4 phỉnh mỗi phỉnh có giá trị 500.000 đồng để đánh bạc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ sổ là những người đứng ở sòng bài để đổi tiền và cho vay tiền nếu con bạc có nhu cầu. Mỗi chủ sổ đều có nhiều nhân viên đứng để đổi tiền và cũng để thu hồi nợ hoặc xiết nợ bằng cách giam giữ con bạc và điện thoại về Việt Nam để người nhà mang tiền qua chuộc. Sau khi tham quan một vòng, Phong dẫn chúng tôi vào phòng VIP 1, để ăn nhậu và gặp người chủ sổ theo sự giới thiệu của Phong. Qua vài chầu bia ABC đắng ngắt, tôi được biết người ta thường gọi tên người này là chị Hai. Chị Hai là người ở Tân Biên (Tây Ninh) đã hơn 40 tuổi, chị tâm sự với chúng tôi: “Ngoài việc làm chủ sổ, chị còn kinh doanh nhiều mặt hàng khác qua biên giới nên tiền thì có nhiều nhưng tình duyên lại hết sức éo le”. Khi men bia đã thấm, làm cho người chếnh choáng, gặp chúng tôi, chị Hai như gặp được người trải lòng, dốc bầu tâm sự. Thế nhưng chúng tôi bỗng giật mình bởi chị Hai tuyên bố có một vài con nợ đang ở Bình Dương còn nợ trên 150 triệu đồng và chị Hai đang tính phải cho giang hồ đến đòi nợ. Phong cho chúng tôi biết các sòng bạc ở cửa khẩu Xa Mát bên đất Campuchia đa số đều do những ông chủ người Hải Phòng, Hà Nội làm chủ. Cách thức tổ chức quản lý trong sòng bài là rất rõ nét của hoạt động xã hội đen.

Gia tăng nạn vượt biên đánh bạc

Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay, Chính phủ Campuchia đã cho xây dựng 32 sòng bạc và tổ chức 26 trường gà dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Riêng tại biên giới tỉnh Tây Ninh có 16 casino và 5 trường gà, tập trung ở các cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát, Tràng Diệc... Còn lại các tỉnh Đồng Tháp, Bình Phước, Kiên Giang, Long An, Gia Lai, An Giang mỗi nơi thấp nhất có từ 1 đến 6 sòng bạc và từ 2 đến 7 trường gà.

Trong những năm gần đây, tình hình người Việt Nam vượt biên qua Campuchia đánh bạc ngày càng gia tăng, tỷ lệ thuận với việc số lượng các sòng bài và tụ điểm đá gà được triển khai, đưa vào hoạt động ngày một nhiều dọc tuyến biên giới từ tỉnh An Giang đến tỉnh Gia Lai. Số lượng con bạc không chỉ dừng lại ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ mà còn lan rộng đến Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Việc đa số người Việt Nam sang Campuchia đánh bạc đều bị thua lỗ dẫn đến thất thoát một số lượng lớn ngoại tệ của đất nước. Nhiều người thua bạc đã phải cầm cố nhà cửa, tài sản, gia đình ly tán, qua đó tiềm ẩn một số loại tội phạm phát sinh như cướp tài sản, giết người, trộm cắp, cưỡng đoạt, lừa đảo, mại dâm... để có tiền thỏa mãn nhu cầu đánh bạc.

ĐỖ TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1766
Quay lên trên