Hiện nay rất nhiều cây xăng ở các tỉnh thành ĐBSCL chỉ bán “nhỏ giọt” hoặc không bán khiến việc sản xuất, đi lại, vận chuyển hàng hóa… của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Chiều 2-5, ông Huỳnh Thôn, chủ 5 bến đò ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết: Mỗi ngày cần khoảng 300 lít dầu để 5 bến đò hoạt động đưa khách sang sông. Bản thân ông là khách thân quen đã nhiều năm của một cây xăng ở gần nhà, trước đây mua bao nhiều dầu cũng được - tiền bạc trả sau. Vậy mà nay chủ cây xăng chỉ cung cấp dầu cho 2 bến đò ở gần là Vàm Xáng (thuộc thị trấn Phong Điền) và bến Voi (thuộc xã Nhơn Ái); 3 bến đò còn lại chủ cây xăng viện lý do ở xa, chuyên chở không đảm bảo an toàn… nên ngưng không bán dầu.
Để bảo đảm cho 3 bến đò hoạt động, ông Thôn mang giấy phép kinh doanh trình cho chủ cây xăng xem nhưng họ lắc đầu không bán. “Nếu tình hình này kéo dài sẽ dẫn đến không có dầu để chạy và các bến đò phải ngưng hoạt động, lúc đó chẳng biết người dân qua sông bằng cách nào?” - ông Thôn lo ngại.
Cũng trên địa bàn TP Cần Thơ, ông Hai Lộc - thương lái lúa gạo ở xã Vĩnh Thới (Lai Vung, Đồng Tháp), bức xúc: “Chiều 2-5, ghe lúa từ huyện Cờ Đỏ trên đường về Đồng Tháp đến Ô Môn thì hết dầu. Tôi ghé 3 - 4 cây xăng ở Ô Môn họ đều bảo không còn dầu, cúp điện hoặc tạm ngưng sửa chữa… không bán. Cuối cùng phải bơi ghe cả chục cây số ra tận sông Hậu mới mua được dầu với giá 21.500 đồng/lít”.
Nhiều thương lái mua lúa ở huyện Lai Vung, Lấp Vò (Đồng Tháp) và Cái Bè (Tiền Giang), cho biết: Mấy ngày nay dọc theo vàm Cái Côn (Kế Sách, Sóc Trăng) đi về huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) rất nhiều cây xăng cũng đóng cửa không bán, ai quen thì bán nhỏ giọt.
Tại Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau… người dân mua xăng dầu rất khó khăn. Những tàu cá đi biển phải chờ mấy ngày liền vẫn chưa mua đủ số dầu để ra khơi.
Tại các huyện biên giới ở Long An, người dân cũng khổ sở vì tình trạng bán xăng dầu nhỏ giọt. Một số cây xăng ở huyện Tân Hưng chỉ bán cho người dân từ 1 - 2 lít xăng chứ không bán nhiều. Theo ông Trần Minh Đô, cán bộ khuyến nông xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, cho biết: “Ngoài hàng loạt cây xăng đóng cửa, một số cây xăng khác chỉ bán cho mỗi chiếc xe máy là 20.000 đồng, đổ thêm bao nhiêu cũng không bán?”.
Chiều 2-5, ông Huỳnh Ngọc Cảnh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết đã có văn bản chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Theo phản ánh của người dân tại các huyện Đơn Dương, Lâm Hà và Đức Trọng, những ngày qua nhiều cây xăng trên địa bàn các huyện này đã đóng cửa với lý do hết xăng, bảo dưỡng thiết bị, trạm bơm bị hỏng hoặc đang “nghỉ lễ”. Một số cây xăng có mở cửa nhưng chỉ bán cầm chừng. Trong khi đó, ngay cạnh các cây xăng này, người dân phải mua xăng lẻ với giá 26.000 - 28.000 đồng/lít.
Đây là lần thứ 2 tại Lâm Đồng xảy ra tình trạng cây xăng “ghim” hàng. Vào tháng 2-2011, hàng loạt cây xăng trên địa bàn tỉnh này cũng đã nghỉ bán để chờ tăng giá.
Theo SGGP