Xăng E5 “ế” vì thiếu chính sách phù hợp
Mặc dù xăng sinh học E5 do Tập đoàn dầu khí Việt Nam sản xuất đã được tung ra thị trường một thời gian dài, tuy nhiên hiện loại xăng này vẫn còn khó xa lạ đối với người tiêu dùng. Nguyên nhân là do mặt hàng này chưa có những chính sách phù hợp để kích thích thị trường.
Tận dụng nguồn nguyên liệu rẻ
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Công Thương, sau 3 năm thực hiện Đề án, đến năm 2009, ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học đã chính thức ra đời. Nhờ nguồn nguyên liệu sẵn có (sắn, mía), các doanh nghiệp đã tích cực khởi động chương trình sản xuất nhiên liệu sinh học, trong đó có Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Theo giới thiệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, xăng sinh học E5 là hỗn hợp của 95% xăng không chì A92 với 5% ethanol, nồng độ 99,7%, được sử dụng làm nhiên liệu cho các loại động cơ đốt trong như xe gắn máy, ô tô.
Trong đó, thành phần 5% Etanol có trong xăng sinh học thực chất là cồn công nghiệp, nhưng nó khác với cồn thực phẩm. Loại Etanol này chủ yếu được chiết xuất từ các sản phẩm sinh học như ngô, sắn… Sau quá trình sản xuất sẽ thu được Etanol 99,5% trở lên (gần được coi là cồn nguyên chất).
Ông Phạm Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, sắn là cây có sản lượng lớn trong các cây lương thực của nước ta. Nhu cầu về sắn trong thời gian tới sẽ tăng đột biến cho chăn nuôi và sản xuất ethanol. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, năng suất cây sắn đến 2015 sẽ đạt 19 tấn/ha, về cơ bản sẽ đáp ứng nhu cầu cho chế biến chăn nuôi và các cơ sở sản xuất ethanol hiện nay.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2011, cả nước sẽ có 4 cơ sở sản xuất ethanol đi vào hoạt động và cung ứng sản phẩm ra thị trường với tổng công suất gần 300.000 tấn/năm (gần 400 triệu lít/năm).
Đó là các nhà máy: Nhà máy sản xuất ethanol của Công ty cổ phần đồng Xanh tại tỉnh Quảng Ngãi, vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng, công suất 100.000 tấn/năm (tương đương 130 triệu lít/năm); Nhà máy của Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) tại tỉnh Phú Thọ, tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD, công suất 100 triệu lít/năm; nhà máy của Công ty Tùng Lâm ở Đồng Nai công suất 70 triệu lít/năm; nhà máy sản xuất ethanol Dung Quất của Petrovietnam với tổng mức đầu tư 80 triệu USD, công suất 100 triệu lít/năm.
Người tiêu dùng vẫn thờ ơ
Mặc dù được bán ra thấp hơn so với xăng A92 ngoài thị trường đến vài trăm đồng, nhưng hiện mặt hàng này vẫn chưa thể thu hút được người tiêu dùng.
Theo quan sát của PV tại một số địa điểm bán xăng E5 trên địa bàn Hà Nội, lượng khách đến và lựa chọn loại xăng này vẫn khá ít và chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Một khách hàng mua xăng tại Thái Thịnh cho biết, thông tin về sản phẩm xăng E5 được cung cấp ra thị trường đã được anh biết từ khá lâu. Tuy nhiên, trong khoảng gần 1 năm nay (từ khi mặt hàng này được bán rộng ra thị trường) thì anh vẫn chưa một lần sử dụng. Nguyên nhân là, do lâu nay đã khá quen với việc sử dụng xăng A92, nên không muốn chuyển đổi sang dùng một loại xăng khác. Ngoài ra, việc sử dụng loại xăng E5 này cũng chưa thực sự thuận lợi cho người tiêu dùng, do số lượng địa điểm bán loại xăng này vẫn còn khá hạn chế.
Ông Lê Xuân Trình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam cho biết, hiện kinh doanh xăng E5 đang gặp khó khăn và thua lỗ, do người tiêu dùng chưa quen với sản phẩm nhiên liệu sinh học. Ngoài ra, việc đưa sản phẩm này đến với người tiêu dùng cũng chưa thực hiệu quả, khi các doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực này chưa có hệ thống phân phối.
Còn theo ông Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa đầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (Ethanol Phú Thọ), để loại xăng này có thể đứng vững trên thị trường, vấn đề quan trọng nhất là phải tạo ra một cơ chế giá cả tốt để người tiêu dùng quen với sản phẩm nhiên liệu sinh không phải là giá cả và quảng bá sản phẩm, mà quan trọng nhất vẫn là tạo ra một cơ chế để người tiêu dùng quen với sản phẩm nhiên liệu sinh học và xăng E5. Bởi vì, tại nhiều nước trên thế giới, các sản phẩm xăng E5, E10 được bán trên cùng một cột với các sản phẩm xăng khác với giá bán chỉ thấp hơn rất ít so với giá xăng thông thường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Sinh Khang, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lại kiến nghị, Chính phủ cần sớm ban hành Lộ trình bắt buộc sử dụng xăng E5 trong phạm vi toàn quốc và xem xét lộ trình đưa xăng E10 vào thị trường tiêu thụ để các doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu sinh học đủ thời gian, chủ động đầu tư cải tạo hệ thống tồn trữ, vận chuyển, phân phối và quản cáo tiếp thị… đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Ngoài ra, Chính phủ cũng nên miễn phí 100% phí xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5 trong năm 2011, trong khi thị trường nhiên liệu sinh học ở Việt Nam chưa được hình thành, Chính phủ chưa ban hành lộ trình bắt buộc sử dụng xăng E5.
Theo VnMedia