Xây dựng Bình Dương trở thành động lực phát triển của vùng

Thứ sáu, ngày 05/01/2024
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Sáng 4-1, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổng Công ty Becamex IDC, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) tổ chức hội thảo lấy ý kiến Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp góp ý Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xây dựng trung tâm công nghiệp - dịch vụ hiện đại

Báo cáo nội dung lấy ý kiến tại hội thảo, Ths-KTS Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội thuộc VIUP cho biết quy hoạch đề ra 6 đột phá giai đoạn 2021-2030, gồm: Hoàn thành các hạ tầng giao thông kết nối vùng; triển khai đồng bộ đô thị thông minh; xây dựng vùng đổi mới sáng tạo; thiết lập chính sách và phương án tái định cư doanh nghiệp; xây dựng chiến lược thương mại điện tử xuyên biên giới và xây dựng tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PHƯƠNG AN

Ths-KTS Lê Hoàng Phương cũng nêu ra 5 chiến lược tích hợp, 36 chương trình hành động, trong đó 8 chương trình chiến lược được xếp vào nhóm “đặc biệt ưu tiên” trong quy hoạch, như: Chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển mạng lưới không gian xanh, phát triển khu đô thị thông minh, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế... Theo Ths-KTS Lê Hoàng Phương, 8 chương trình chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để Bình Dương vượt qua thách thức, đạt mục tiêu phát triển cao và bền vững, trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng, tỉnh cần tập trung nguồn lực, triển khai sớm. Nhóm nội dung này được gọi tên chung là các “Hành động Bình Dương”.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xây dựng, phát triển Bình Dương cùng với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ thành vùng động lực tăng trưởng quan trọng của quốc gia, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, khu vực vững chắc về quốc phòng - an ninh và hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế… Đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung những ý kiến phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển của Bình Dương trong giai đoạn tới.

Theo quy hoạch tỉnh, tầm nhìn đến năm 2050 Bình Dương là vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao, người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển, có nền kinh tế phát triển bao trùm, hài hòa giữa các khu vực.

Chuyển đổi hệ sinh thái phát triển

Theo quy hoạch tỉnh, giai đoạn tới Bình Dương cần chuyển đổi hệ sinh thái phát triển. Cụ thể, cần chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu của nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong sản xuất, điều hành, nâng cao chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng. Nền kinh tế Bình Dương sẽ hướng vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng khoa học cao, trên cơ sở khai thác triệt để các tiềm năng, lợi thế.

Bình Dương cần hệ thống giải pháp đồng bộ và toàn diện, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu, bao gồm: Tháo gỡ khó khăn về thể chế, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với kinh tế tri thức; thúc đẩy tăng trưởng xanh. Chuyển đổi từ mô hình “khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ” quy mô cục bộ sang mô hình “đô thị - dịch vụ - công nghiệp” trên quy mô tổng thể toàn tỉnh. Trong đó, các khu công nghiệp được kết nối với hạ tầng lớn, liên kết chặt chẽ với các đô thị, song song với hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo có vị trí và kết cấu hạ tầng, thượng tầng phù hợp với lực lượng lao động chất lượng cao của vùng.

Theo bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, chiến lược phát triển trong quy hoạch cần có giải pháp quy hoạch các công trình vui chơi giải trí cho người lao động, chiến lược về môi trường xanh, chính sách tăng trưởng xanh, không gian phát triển động lực, không gian định cư nhà ở xã hội cho người lao động, đồng thời quan tâm đến vấn đề khi di dời các doanh nghiệp ở phía nam lên phía bắc.

Bình Dương phát huy các lợi thế, chú trọng phát triển công nghiệp, đô thị theo mô hình tăng trưởng xanh. Trong ảnh: Hạ tầng Khu công nghiệp VSIP II xanh, hiện đại

Theo đánh giá của ông Võ Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoáng sản Bình Dương, tỉnh có vị trí đắc địa về cảng, đường bộ, đất đai, trong đó có tài nguyên khoáng sản. Ông cho rằng trong quy hoạch tỉnh cần quan tâm đến việc phát triển các vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ cho xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch gạch, đất, ngói, cát cần xem xét lại hoặc quy hoạch vừa phải để phù hợp với tình hình thực tế.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Hội Kiến trúc sư tỉnh Bình Dương, đã đánh giá cao bản quy hoạch tỉnh, tuy nhiên cần đánh giá lại hệ thống giao thông. Sự khác biệt của Bình Dương với các địa phương khác là có 2 con sông thuận tiện cho phát triển đường sông. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị đơn vị tư vấn quan tâm hơn đến vấn đề biến đổi khí hậu, net zero, đánh giá lại hiệu quả các khu công nghiệp, năng lượng sạch.

Các hành động chiến lược, tích hợp, đột phá với cách hành động riêng của Bình Dương tiếp tục là động lực cơ bản để Bình Dương phát huy các lợi thế, vượt qua thách thức, kết hợp với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ trở thành hình mẫu phát triển về đô thị hóa và công nghiệp hóa của quốc gia, điểm đến hấp dẫn, uy tín của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, người lao động trong nước và quốc tế.

PHƯƠNG LÊ

Từ khóa: