Xây dựng chính quyền số là một trong những mục tiêu quan trọng mà huyện Dầu Tiếng hướng tới nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Qua quá trình triển khai thực hiện, huyện Dầu Tiếng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thanh niên huyện Dầu Tiếng giúp người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Phát triển hạ tầng số
Để xây dựng, phát triển chính quyền số, huyện Dầu Tiếng tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan, đoàn thể. Trước tiên, huyện tạo lập dữ liệu mở để dễ dàng truy cập, sử dụng và thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế. Huyện chủ động cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả thiết bị di động thông minh để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ với tiêu chí nhanh, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí. Trong các nhóm nội dung này đều có các mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện.
Cụ thể, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công việc; 100% các cơ quan thuộc UBND cấp huyện, xã có hệ thống mạng nội bộ. Hệ thống truyền hình trực tuyến phủ từ cấp huyện tới cấp xã với 2 điểm truy cập cấp huyện và 12 điểm ở các xã, thị trấn được kết nối 4 cấp, bảo đảm tiêu chí phòng họp không giấy, nâng cao hiệu quả công việc của các cơ quan Nhà nước. Cổng thông tin điện tử của huyện đã liên kết, phục vụ người dân trong việc nộp hồ sơ trực tuyến. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh được triển khai đồng bộ, phần mềm quản lý văn bản và điều hành được liên thông 4 cấp và tích hợp ký số trên hệ thống. Đến nay, 100% các cơ quan Nhà nước của huyện đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế văn bản giấy, trừ văn bản mật theo quy định.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp trên môi trường mạng, xây dựng website quảng bá, giới thiệu, quản lý, buôn bán sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Huyện cũng đưa vào sử dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thông qua các phần mềm hỗ trợ trồng trọt, hệ thống tưới tự động.
Đặc biệt, Phòng Kinh tế huyện chủ động phát triển các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truy xuất nguồn gốc… trong nông nghiệp, nông thôn. Phòng cũng ứng dụng cảm biến cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai, nguồn nước để người dân chủ động triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất, nuôi trồng qua các nền tảng số. Hoạt động này giúp người nông dân chủ động ứng dụng công nghệ số, tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, giám sát chuỗi cung ứng sản phẩm...
Cùng với đó, các cơ quan Nhà nước trong huyện tiếp tục sử dụng hiệu quả các hệ thống dùng chung của tỉnh, như: Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thư điện tử công vụ… để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành thông suốt.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Qua các kết quả đã đạt được cho thấy hiện công tác xây dựng chính quyền số được lãnh đạo huyện Dầu Tiếng rất quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các “đầu việc”, huyện gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ công nghệ thông tin còn thiếu, nhất là đối với cấp xã, dẫn đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan Nhà nước nói chung và công tác cải cách hành chính nói riêng của huyện còn gặp nhiều khó khăn. Việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia với các hệ thống thông tin của tỉnh còn chậm, hệ thống dịch vụ công thường hay bị lỗi. Trong khi người dân, doanh nghiệp chưa có thói quen tiếp cận với dịch vụ nộp hồ sơ trực tuyến, người cao tuổi không thành thạo máy vi tính thì phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ của các tình nguyện viên tại bộ phận một cửa để hoàn thành hồ sơ theo yêu cầu, nên đôi khi phải làm thay dẫn đến thời gian nộp hồ sơ trực tuyến kéo dài.
“Việc triển khai tình nguyện viên nhận hồ sơ trực tuyến tại bộ phận một cửa vô tình tạo thêm áp lực cho người dân khi đến nộp hồ sơ phải thực hiện 2 lần (vừa trực tuyến, vừa trực tiếp). Đề án camera giám sát an ninh, an toàn giao thông và việc thành lập Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) cấp huyện chưa có hướng dẫn, quy định, quy chuẩn để triển khai thực hiện”, ông Nguyễn Phương Linh nói.
Theo ông Nguyễn Phương Linh, thời gian tới các ngành, địa phương trong huyện tiếp tục học tập, tham khảo, rút kinh nghiệm việc triển khai của các địa phương khác để có phương án xây dựng chính quyền số phù hợp với tình hình thực tế của huyện, bảo đảm đúng các quy định pháp luật, an toàn an ninh mạng… Trước mắt, các ngành, địa phương cần tập trung xử lý những vấn đề cấp thiết liên quan đến chính quyền điện tử theo kế hoạch đề ra, khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số một cách chính xác, kỹ lưỡng nhất.
UBND tỉnh cần xem xét bổ sung thêm nguồn nhân lực để triển khai ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn huyện, đặc biệt ở các xã, thị trấn. Tỉnh nhanh chóng hoàn thiện các phần mềm dùng chung của tỉnh để sử dụng và cần có hướng dẫn, quy định, quy chuẩn chung về triển khai thực hiện Đề án camera giám sát an ninh, an toàn giao thông và Trung tâm Điều hành thông minh cấp huyện cũng như việc hướng dẫn, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh nhằm đạt hiệu quả cao”. (Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng) |
KIM HÀ - TÚ BÌNH