Nông sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Trong bối cảnh khó khăn, 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 7,1%, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn đạt 21,94 tỷ đô la Mỹ, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hầu hết các khu vực kinh tế phát triển. Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng phát triển thị trường, khẳng định vị thế, tiềm năng, thế mạnh ngành hàng nông, lâm, thủy sản nói chung và nông sản nói riêng. Hiện nay, Việt Nam có hơn 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ, chủ yếu là rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu... Nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Dù đạt được kết quả khả quan nhưng thực tế đang cho thấy sản xuất và kinh doanh nông sản của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết sản xuất theo chuỗi, trình độ áp dụng khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp. Xuất khẩu chủ yếu là xuất thô do thiếu công nghệ chế biến, bảo quản, hay chưa bảo đảm đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.
Để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh các cơ chế, chính sách, cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, chế biến để bảo đảm được các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm; đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa trong sản xuất, chế biến nông sản; xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh.
PHƯƠNG ANH