Đây là tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung tại Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) năm 2010 và kế hoạch điều chỉnh nguồn vốn đầu tư trong quá trình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ trong lĩnh vực đầu tư công. Theo đó, Bình Dương sẽ cắt giảm 330 tỷ đồng vốn đầu tư XDCB nhưng sẽ không cắt giảm đầu tư đối với những dự án bức thiết...
Phân cấp đầu tư mang lại hiệu quả
Theo đánh giá từ UBND tỉnh, trong năm 2010, tổng giá trị cấp phát vốn đầu tư XDCB thực hiện 3.016 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch so với nghị quyết HĐND giao. Trong đó, vốn tỉnh trực tiếp quản lý đạt 1.060,163 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch; vốn phân cấp cho huyện, thị quản lý đạt giá trị cấp phát 1.956,590 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch. Cũng trong năm 2010, trong lĩnh vực đầu tư XDCB, đã có 291 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công trình trường tiểu học Tân Hiệp (Phú Giáo) mới hoàn thành và đưa vào sử dụng
Đánh giá công tác thực hiện đầu tư XDCB năm 2010, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho rằng, so với các năm trước, khối lượng thực hiện, giá trị cấp phát trong năm 2010 là rất tốt. Kế hoạch XDCB được xây dựng, triển khai, đánh giá, quản lý được tình hình. Các huyện, thị cũng đã kế hoạch hóa được công tác XDCB. Trong năm 2010, mặc dù tình hình biến động giá vật liệu xây dựng, kinh tế tăng trưởng chậm lại nhưng công tác điều hành quản lý XDCB đã được quán triệt thực hiện khá tốt. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho rằng, việc phân cấp quản lý đầu tư cho các địa phương đã mang lại hiệu quả cao và cần tiếp tục phát huy yếu tố này trong quá trình thực hiện đầu tư XDCB năm 2011.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung: Việc cắt giảm 10% đầu tư công phải thực hiện linh hoạt
“Việc cắt giảm 10% đầu tư công phải được thực hiện một cách linh hoạt. Chính phủ cho phép sử dụng vốn ngân sách để xử lý đối với những vấn đề bức xúc phát sinh. Do vậy, cần phải linh hoạt trong điều hành, không nên máy móc... Những dự án đầu tư XDCB bức thiết về giáo dục, giao thông, những công trình, dự án có khả năng đưa vào sử dụng trong năm 2011, UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện, không cắt giảm đầu tư đối với các dự án này. Kế hoạch điều chỉnh cắt giảm 10% đầu tư công sẽ được thực hiện quyết liệt trong 6 tháng đầu năm. Nếu 6 tháng cuối năm, tình hình kiềm chế lạm phát đạt kết quả tốt, Chính phủ có chỉ đạo, điều hành linh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tế, UBND tỉnh cũng sẽ có những điều chỉnh phù hợp”.
Kiên quyết cắt giảm 10% đầu tư công
Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, cắt giảm 10% trong chi đầu tư công. Theo đó, kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2011 cũng sẽ cắt giảm 10% trong tổng vốn 3.300 tỷ đồng đã được thông qua (xuống còn 2.970 tỷ đồng, giảm 330 tỷ đồng). Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho rằng, với Bình Dương, việc cắt giảm khoảng 330 tỷ đồng là không nhiều, nhưng phải kiên quyết chấp hành nghiêm Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung chỉ đạo, để bảo đảm thực hiện cắt giảm 10% vốn đầu tư XDCB trong năm 2011, tỉnh sẽ thực hiện cắt giảm, không bố trí vốn cho những dự án, công trình chưa đủ điều kiện khởi công mới và không có khả năng hoàn thành trong năm 2011. Cùng với đó, sẽ tiến hành giãn tiến độ thực hiện, qua đó giãn bố trí vốn đối với các dự án, công trình chưa thực sự cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, việc cắt giảm 10% vốn đầu tư XDCB sẽ được thực hiện ở tất cả các huyện, thị để bảo đảm công bằng.
Tuy nhiên, trong khi thực hiện cắt giảm 10% đầu tư công, có ý kiến cho rằng, có một số dự án thuộc ngành giáo dục, giao thông, y tế đang là những dự án giải quyết các vấn đề bức xúc của Bình Dương. Đơn cử như lĩnh vực giáo dục - đào tạo, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm, mỗi năm thị xã Thuận An, Dĩ An phải xây thêm từ 1 - 2 trường học mới mong giảm quá tải về phòng học. Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Dương Thế Phương cũng cho rằng, đối với các dự án, công trình xây dựng trường học trọng điểm đang thực hiện để giải quyết tình trạng học sinh đi học nhờ trường, lớp phải xem xét khi bố trí nguồn vốn. Bên cạnh đó là các dự án, công trình đối với giáo dục mầm non cần được ưu tiên khi xem xét cắt giảm nguồn vốn...
THÀNH SƠN