Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định chủ trương: “Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2050 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”. Để hoàn thành mục tiêu này, bước sang giai đoạn mới, Bình Dương đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo động lực mới, tiếp tục vững bước tiến lên.
Bình Dương đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Trong ảnh: Một góc VSIP I, TP.Thuận an
Đột phá từ hạ tầng
Để tạo đột phá cho sự phát triển, Bình Dương đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông với quan điểm “giao thông đi trước mở đường”. Đến nay, hạ tầng kết nối của Bình Dương đã phát triển cơ bản đồng bộ, diện mạo toàn tỉnh đã “thay da, đổi thịt” theo hướng đô thị hiện đại, nông thôn văn minh.
Từ một tỉnh nông nghiệp, Bình Dương đã trở thành tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh thứ hai cả nước, với tỷ lệ đạt tới 84%. Năm 2019, 100% xã trong toàn tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2023, Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp lọt vào Top 7 và trở thành Top 1 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới. Cùng với quỹ đất được quy hoạch dài hạn, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, cơ bản hiện đại đã giúp Bình Dương trở thành điểm đến của các nhà đầu tư lớn.
Phát biểu tại hội thảo khoa học“Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: “Với những nỗ lực đầu tư cho hạ tầng số, hạ tầng đô thị sinh thái và thông minh, có các dịch vụ y tế, giáo dục, môi trường… đạt tiêu chuẩn cao, kết nối đồng bộ với TP.Hồ Chí Minh và những tỉnh lân cận, Bình Dương tiếp tục chứng tỏ là nơi hội tụ của các nhà đầu tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc”.
Chuyển đổi số toàn diện
Ngoài việc xác định chủ trương phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, Bình Dương phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2050 là đô thị thông minh của vùng và cả nước. Để hoàn thành mục tiêu này, bước sang giai đoạn mới, Bình Dương đang thực hiện đồng bộ các giải pháp một cách mạnh mẽ để tạo ra động lực mới, tiếp tục thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển hạ tầng, đô thị, phát triển công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển công nghiệp 4.0 bằng tất cả quyết tâm và mọi nguồn lực của mình.
Trong năm 2023, Sở Xây dựng đã tập trung thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể, sở tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trọng tâm là các dự án công nghệ thông tin đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương và phê duyệt dự toán (gồm dự án cập nhật cơ sở dữ liệu Gis; Gis Quy trình nghiệp vụ - phần mềm thẩm định và cấp phép). Đồng thời, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức mời UBND cấp huyện họp triển khai nội dung về công tác định danh số nhà, số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm cấp số nhà.
Trong kỳ báo cáo trên phần mềm quản lý văn bản, Sở Xây dựng đã tiếp nhận và triển khai thực hiện 11.376 văn bản đến, phát hành 3.986 văn bản đi. Trong đó phát hành 3.944 văn bản chữ ký số điện tử thực hiện theo Chỉ thị số 11/ CT-UBND ngày 24-5-2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện ký số đối với các văn bản điện tử gửi, nhận trên hệ thống quản lý văn bản điều hành của
tỉnh, các văn bản còn lại phát hành theo chế độ mật. Ngoài ra, sở tiếp tục triển khai việc tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức qua Hệ thống đường dây nóng 1022 trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện công tác định danh số nhà và xây dựng phần mềm cấp số nhà áp dụng chung cho toàn tỉnh, xây dựng các cơ sở dữ liệu ngành xây dựng.
Chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh, đô thị thông minh không chỉ là xu thế, quy luật tất yếu khách quan trong sự phát triển của các địa phương mà còn là nhu cầu, nguyện vọng thiết tha của nhân dân. Tin tưởng rằng, trên con đường đổi mới, Bình Dương sẽ tiếp tục vững bước đi lên, phát triển bền vững.
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG