Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở: Vì cuộc sống văn minh và phát triển ở các khu dân cư

Cập nhật: 20-09-2011 | 00:00:00

Cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (TDĐKXDĐSVHƠKDC) và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”(TDĐKXDĐSVH) là CVĐ chính trị xã hội có quy mô rộng lớn, nhiều nội dung phong phú, thiết thực, liên quan đến nhiệm vụ quản lý kinh tế, xã hội của các ngành, các cấp chính quyền. Sau thời gian triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh (từ năm 1995 đến nay), CVĐ TDĐKXDĐSVHƠKDC và phong trào TDĐKXDĐSVH đã không ngừng phát triển và nâng cao chất lượng, đạt được nhiều thành tích góp phần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực và giữ vững  quốc phòng an ninh của địa phương.

  Bằng nguồn vốn xã hội hóa, nhiều khu vui chơi cho trẻ em ra đời

Thành quả của CVĐ: Nâng cao chất lượng phong trào và phát triển trên diện rộng

  Hơn 10 năm thực hiện, Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả trên cả 2 lĩnh vực là nâng cao chất lượng phong trào và triển khai phát động trên diện rộng với nhiều địa phương, đơn vị, địa bàn dân cư hưởng ứng tham gia. Hiệu quả lớn nhất của phong trào là đã huy động được sức dân và hệ thống chính trị cùng tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc của khu dân cư. Có thể nói, toàn bộ phong trào của CVĐ thể hiện sự kết hợp giữa bồi dưỡng sức dân, vì lợi ích của dân, bằng sức dân và do dân tự quản, đã góp phần phát huy nội lực, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh. Đời sống của người dân ở các địa phương trong tỉnh, từ thành thị đến nông thôn đã có nhiều mặt chuyển biến rõ rệt. Thể hiện rõ nhất là tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm được tăng cường, động viên nhân dân cùng giúp nhau xóa đói giảm nghèo, cùng hợp tác trong sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Thông qua phong trào, hệ thống chính trị ở cơ sở được kiện toàn, cán bộ sâu sát với dân, hạn chế tình trạng quan liêu, mệnh lệnh. Người dân phát huy được quyền làm chủ của mình trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Những khu phố, ấp, cơ quan, đơn vị đăng ký thực hiện theo tiêu chuẩn văn hóa đã từng bước tiến bộ về giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp của dân tộc, đời sống kinh tế ngày càng phát triển, bộ mặt cảnh quan ngày càng khởi sắc, các loại tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, người dân có ý thức tự quản thông qua thực hiện các quy ước, tiêu chuẩn đã quy định. Cũng từ phong trào mà xuất hiện nhiều khu phố, ấp, đơn vị điển hình như phường Hiệp An, phường Phú Hòa (TX.TDM), phường An Phú, phường Vĩnh Phú (TX.Thuận An), Hội Cựu chiến binh và Hội Nông dân TX.TDM...

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lê Hữu Phước: Thực hiện có hiệu quả phong trào gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Để phong trào “TDĐKXDĐSVH” trong thời gian tới đạt hiệu quả, gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào trên cơ sở bổ sung nội dung, tiêu chí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huy động mọi nguồn lực nhằm bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đi đôi với không ngừng đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ các cấp, cùng chính quyền chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Cần nhân rộng bài học kinh nghiệm về kiên trì đưa công tác Mặt trận đến khu dân cư, đến với từng gia đình, tiếp xúc với từng người, bám sát cuộc sống của nhân dân. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ sở tăng cường công tác vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 1869/CT-TTg ngày 10-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phối hợp với Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đẩy mạnh CVĐ “TDĐKXDĐSVHƠKDC” trong giai đoạn mới. Song song đó là tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bảo vệ môi trường, văn minh đô thị, văn hóa công sở, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở cộng đồng dân cư; đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên cốt cán ở cơ sở. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, vận động sự tham gia đóng góp của nhân dân, của doanh nghiệp xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn dân cư còn nhiều khó khăn.

 

Kinh nghiệm thành công: Phải có sự hợp tác của các ngành, đoàn thể...

Từ khi phát động đến nay, CVĐ có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy và UBND tỉnh thông qua nhiều văn bản chỉ đạo định hướng nội dung, củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, hỗ trợ một phần kinh phí, tạo điều kiện giúp cho phong trào triển khai sâu rộng. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương về vai trò, vị trí của văn hóa đã được nâng lên, nhiều địa phương đã thấy rõ hiệu quả, mục tiêu của CVĐ nên đã tập trung đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng phong trào.

Sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các ngành, đoàn thể, các thành viên trong Ban chỉ đạo nhất là ở cấp cơ sở và Ban vận động khu phố, ấp đã tích cực làm tốt công tác tuyên truyền vận động  hiệu quả hơn, được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Trên cơ sở đó đã huy động được sức mạnh tổng hợp giúp cho phong trào triển khai nhanh và đạt kết quả trên nhiều mặt. Các ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn; ban vận động ở các khu, ấp được tập huấn nghiệp vụ, đã nắm bắt các nội dung cơ bản, giúp cho việc vận động đi vào nề nếp. Ban vận động ở các khu dân cư gồm Mặt trận và các tổ chức đoàn thể là lực lượng nòng cốt nhiệt tình, tích cực vận động quần chúng tham gia các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu phố, ấp văn hóa. Các nội dung tiêu chuẩn, biểu mẫu đăng ký, quy trình xét công nhận các danh hiệu được sửa đổi bổ sung hoàn thiện, góp phần bảo đảm chất lượng phong trào...

Kinh nghiệm động viên khích lệ phong trào, ngoài việc khen thưởng về vật chất đã chú trọng đến các hình thức tuyên dương, công nhận các danh hiệu văn hóa, quy trình bình xét chặt chẽ và đúng thực chất tạo sự đồng tình và tự hào đối với các danh hiệu văn hóa được công nhận. Nhằm nuôi dưỡng phong trào, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, các địa phương còn vận dụng tốt phương châm “lấy sức dân để chăm lo cuộc sống mới cho dân”, bởi vì biết dựa vào sức dân, tinh thần tự quản của cộng đồng dân cư  phong trào sẽ phát triển bền vững. Đồng thời, ban vận động ở khu phố, ấp; công đoàn ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã năng động xây dựng kế hoạch cụ thể, sáng tạo các mô hình mới, mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với thực tế tại cộng đồng, cơ sở...

- Tính từ khi phát động CVĐ “Ngày vì người nghèo” (năm 2000) đến năm 2010, Quỹ vì người nghèo các cấp trong tỉnh đã nhận được 58 tỷ đồng và vận động tương trợ bằng các hình thức linh hoạt khác ở  khu dân cư; đã xây dựng 6.846 căn nhà đại đoàn kết (tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng); hỗ trợ 123 ca mổ tim cho trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh.

- 15 năm qua, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp vào quỹ đền ơn đáp nghĩa được 52 tỷ đồng, xây dựng và sửa chữa 1.532 căn nhà tình nghĩa, tặng 4.215 sổ tiết kiệm, xây 8 nhà bia ghi danh các liệt sĩ...

- Trong 10 năm qua (2000-2010), toàn tỉnh có trên 1.600.000 lượt hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa và trên 2.900 khu phố, ấp đạt danh hiệu khu phố, ấp văn hóa...

- Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, toàn tỉnh phấn đấu hàng năm có trên 95% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 70% khu phố, ấp đạt danh hiệu “Khu phố, ấp văn hóa và tiên tiến” và 95% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị văn hóa”.

BÌNH MINH - PHI LONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên