Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

Cập nhật: 24-09-2022 | 08:48:32

Trong chặng đường mới, Bình Dương tiếp tục hướng tới mô hình đô thị thông minh, hiện đại, công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp hướng đến chất lượng cao, bền vững. Mục tiêu đó đòi hỏi sức mạnh tổng lực của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân. Một trong những bước đi quan trọng là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST), tạo tiền đề vững chắc để phát triển đúng hướng.


Dây chuyền vận chuyển, đóng gói hàng hóa tự động phát triển bởi sinh viên trường Đại học Quốc tế Miền Đông được đánh giá là giải pháp triển vọng

Quyết sách đúng đắn, hiệu quả

Với những quyết sách đột phá, sáng tạo, nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà đã phát triển mạnh mẽ, gặt hái nhiều thành tựu. Bình Dương cũng trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, DN, chuyên gia, người lao động trong và ngoài nước.

Đúc kết lại chặng đường phát triển của tỉnh vừa qua, nhiều chuyên gia khẳng định rằng sự thành công của Bình Dương là kết quả của sự chung tay, nỗ lực không ngừng của toàn thể hệ thống chính trị, cộng đồng DN và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Sự hào sảng mang đậm chất miền Đông của người dân, sự thông thoáng và cởi mở trong việc hoạch định, tạo dựng các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế hội nhập của chính quyền đã tạo nên một hình ảnh đẹp về Bình Dương trong mắt các chính khách và nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hơn 25 năm kiên định tập trung phát triển kinh tế theo định hướng, trọng tâm là xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung, Bình Dương luôn quán triệt tinh thần cởi mở, tạo điều kiện để nhà đầu tư, DN đến đặt bản doanh phát triển sản xuất, kinh doanh. Thống kê của ngành chức năng, tính đến cuối tháng 8 năm 2022, toàn tỉnh có hơn 58.000 DN trong nước với tổng vốn điều lệ đăng ký gần 600.000 tỷ đồng. Cùng với đó, tổng số dự án đầu tư FDI vào Bình Dương vượt con số 4.000 với tổng vốn đăng ký ước tính đạt gần 40 tỷ đô la Mỹ. Số lượng DN và mức vốn đầu tư mà các DN “rót” vào Bình Dương là con số biết nói, phản ánh chủ trương, chính sách phù hợp, đúng đắn mà tỉnh kiên trì thực hiện bấy lâu nay. Đây cũng là thước đo chính xác, khẳng định sự quan tâm, gắn bó của cộng đồng DN đối với tỉnh nhà.

Trong các chương trình làm việc với Bình Dương mới đây, lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đánh giá cao sự nỗ lực và đường lối phát triển đầy sáng tạo của tỉnh. Theo đó, Bình Dương hiện là một đô thị công nghiệp có tốc độ phát triển nhanh và nhiều triển vọng, vươn tầm ở khu vực kinh tế trọng điểm phía nam. Để có được thành quả này là nhờ vào sự quyết tâm, nỗ lực và kiên trì của toàn thể hệ thống chính trị, cộng đồng DN và khối đại đoàn kết toàn dân trong nhiều năm trời.

Phát huy tinh thần tiên phong của mình, những năm gần đây tỉnh tiếp tục hoạch định, xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng đô thị thông minh, phát triển bền vững. Và Đề án Thành phố thông minh Bình Dương gắn liền Vùng Đổi mới sáng tạo sẽ là tâm điểm, là khởi đầu của hành trình mới. Dù chỉ mới thực hiện được 6 năm, nhưng đến nay đề án này đang tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao vị thế Bình Dương trong mắt các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế, đặc biệt là Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF).

Khởi nghiệp, sáng tạo

Là địa phương có tư duy đổi mới sáng tạo, sau khi thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng khu, cụm công nghiệp tập trung, từ năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Thành phố thông minh Bình Dương. Đề án này hướng tới mục tiêu tạo ra những điều kiện mới để nâng tầm các chương trình hành động của tỉnh, tạo thêm động lực để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng thông minh, hiện đại, phát triển bền vững. Đặt con người làm trung tâm của sự phát triển và khoa học, công nghệ là công cụ chủ lực giúp tỉnh hoàn thành các mục tiêu.

Để phát triển bền vững, ngay trong Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, tỉnh đã ban hành một số quy định, hành lang pháp lý đầy đủ để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái KNST. Cụ thể, từ giai đoạn 2017-2020, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản như: Nghị quyết số 22/ NQ-HĐND; Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND; Nghị quyết số 49/NQ-HĐND quy định về việc giao Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh thực hiện đầu tư vào DN nhỏ và vừa KNST và chính sách hỗ trợ KNST trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025.

Song song, UBND tỉnh cũng ban hành các văn bản như: Quyết định số 2513/ QĐ-UBND, Quyết định số 826/QĐ-UBND về việc thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và phê duyệt Đề án “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa KNST trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025”. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng ban hành đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” với mục tiêu nâng cao nhận thức, khơi dậy tiềm năng, giúp phụ nữ Bình Dương tự tin thể hiện bản lĩnh của mình trong hoạt động KNST.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết việc kịp thời ban hành các chính sách mới liên quan KNST là động lực, tiền đề quan trọng giúp thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh. Đây đồng thời cũng là nơi đào tạo, rèn luyện ra những doanh nhân, DN tiên phong, bản lĩnh, sẵn sàng tham gia các cuộc đua dài hơi trên thương trường để mang thương hiệu, sản phẩm Bình Dương đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định, tỉnh luôn theo dõi và có sự quan tâm sâu sắc đối với tiến trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh và xây dựng hệ sinh thái DN KNST.

Để hỗ trợ, kết nối, giúp người trẻ hiện thực hóa các ý tưởng, giải pháp kinh doanh và tạo dựng DN KNST, thời gian qua tỉnh đã đưa vào hoạt động Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp (BIIC) trực thuộc sự quản lý của Sở Khoa học & Công nghệ. Thông qua các hoạt động mang tính thường xuyên, thời gian qua ngành chức năng, địa phương đã phối hợp các tổ chức, nhà trường, DN thành lập các trung tâm KNST mang ý nghĩa thiết thực, như: Vườn ươm DN tại trường Đại học Quốc tế miền Đông; Câu lạc bộ Khởi nghiệp tại trường Đại học Thủ Dầu Một; tổ chức hỗ trợ thành lập DN tại trường Đại học Bình Dương; đồng thời hỗ trợ các đơn vị xây dựng phòng thí nghiệm, thực nghiệm (fablab) tập trung vào những lĩnh vực thuộc thế mạnh, như: Fablab cơ khí chế tạo tại trường Cao đẳng Việt Nam - Singapore; Fablab công nghệ sinh học tại trường Đại học Thủ Dầu Một; Fablab đa ngành tại BIIC; Phòng thí nghiệm chế tạo Becamex IDC; Phòng thí nghiệm chiếu sáng Philips EIU tại Đại học Quốc tế Miền Đông; Viện nghiên cứu và Phát triển Becamex ICD; Phòng nghiên cứu và Phát triển chung của VNTT và Wustech.

Với sự vào cuộc quyết liệt của toàn thể hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng DN và sự tham gia nhiệt tình của người dân - đặc biệt là người trẻ - hệ sinh thái KNST trên địa bàn tỉnh đang được hình thành và phát triển nhanh chóng. Tin rằng, đây sẽ là bước đệm, tiền đề quan trọng giúp tỉnh hoàn thành các tiêu chí đề ra tại đề án thành phố thông minh và những mục tiêu về kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Thực hiện chính sách chung của tỉnh, thời gian qua công tác đầu tư cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển công nghệ ở từng khối DN trên địa bàn cũng được chú trọng thực hiện khá bài bản. Đến nay, toàn tỉnh đã có 29 tổ chức khoa học công nghệ, 4 DN khoa học công nghệ; 3 DN thành lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ của DN phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, đầu tư cải tiến phát triển sản phẩm mới tại DN với tổng số tiền trích từ quỹhơn 100 tỷ đồng. Đơn vị tiên phong, đóng vai trò quan trọng cho hoạt động đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh là Tổng Công ty Becamex IDC.

ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=376
Quay lên trên