Xây dựng huyện Phú Giáo trở thành thị xã vào năm 2040

Thứ bảy, ngày 21/12/2024
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Bước vào chặng đường mới, huyện Phú Giáo đang mang trong mình nhiều hoài bão, khát vọng trở thành một điểm sáng trong xây dựng và phát triển ở cửa ngõ đông bắc của tỉnh Bình Dương. Theo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phú Giáo đến năm 2040, huyện phát triển theo hướng công nghiệp - đô thị, dịch vụ - nông nghiệp, xây dựng huyện Phú Giáo trở thành thị xã.


Trong những năm tiếp theo, huyện Phú Giáo đẩy mạnh đô thị hóa, xây dựng huyện trở thành thị xã Phú Giáo vào năm 2040

Đẩy mạnh đô thị hóa

Được tái lập từ năm 1999, đến nay sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, bằng tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Phú Giáo đã chung sức đồng lòng, xây dựng quê hương ngày càng đổi thay và phát triển.

Nhằm đưa huyện nhà chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, Phú Giáo đã xác định lộ trình phát triển vùng huyện đến năm 2040 theo hướng phát triển toàn diện, bền vững, với sự cân bằng giữa kinh tế - xã hội và môi trường; đẩy mạnh đô thị hóa, xây dựng hạ tầng đô thị hiện đại.

Phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn mới; giữa các vùng sản xuất công nghiệp và nông nghiệp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng TP.Hồ Chí Minh. Không gian phát triển huyện Phú Giáo được chia thành 3 vùng, gồm: Vùng công nghiệp - đô thị trung tâm; vùng nông nghiệp ven sông Bé và vùng bảo tồn thiên nhiên.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh nói chung, tại huyện Phú Giáo nói riêng tuân thủ theo định hướng Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên địa bàn huyện Phú Giáo định hướng phát triển 4 đô thị, gồm: Thị trấn Phước Vĩnh là đô thị loại IV, đóng vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện và 3 đô thị mới (Phước Hòa, Tân Long, An Long) phát triển theo các tiêu chí của đô thị loại V, là khu đô thị dịch vụ hỗn hợp dọc với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; nâng cao các tiêu chí của đô thị Phú Giáo, đạt đô thị loại IV và thành lập thị xã Phú Giáo.

Đối với định hướng phát triển các điểm dân cư nông thôn, huyện Phú Giáo quy hoạch xây dựng xã theo mô hình nông thôn mới tập trung gắn với hệ thống giao thông liên huyện, liên xã. Điểm dân cư mới hình thành gắn với các vùng chuyên canh lớn, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; xây dựng hệ thống các điểm dân cư có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thương mại - dịch vụ gắn với điểm dân cư tập trung, với mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân, giảm dần khoảng cách với cuộc sống đô thị.

Bên cạnh đó, huyện Phú Giáo sẽ bố trí 11 khu tái định cư trên địa bàn 10 xã để phục vụ cho việc giải tỏa, đền bù thực hiện các công trình thiết yếu và hạ tầng giao thông trên địa bàn, tổng diện tích hơn 123 ha và 4 vị trí đất bán đấu giá, phục vụ cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng với tổng diện tích khoảng 86,55 ha.

Huyện cũng bố trí quỹ đất nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phục vụ cho các khu công nghiệp dự kiến hình thành trên địa bàn huyện, cụ thể: Khu nhà ở xã hội An Bình (96,01 ha), Khu nhà ở xã hội Tam Lập (49,4 ha), Khu nhà ở xã hội Phước Hòa (35 ha); các khu nhà ở theo chương trình phát triển nhà ở và đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân của tỉnh.


Trong thời gian tới, huyện Phú Giáo tập trung phát triển hệ thống giao thông kết nối

Phát biểu tại hội nghị công bố Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phú Giáo đến năm 2040, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh: Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phú Giáo đến năm 2040 không chỉ là bước đi chiến lược trong việc khai thác và phát triển tiềm năng của địa phương mà còn góp phần tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi hấp dẫn. Huyện Phú Giáo cần tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông, điện, nước, các dịch vụ công cộng khác để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư; cải cách thủ tục hành chính thông thoáng, minh bạch và dễ tiếp cận cho các nhà đầu tư; chú trọng quy hoạch các KCN, khu dân cư và các công trình dịch vụ để tạo môi trường sống và làm việc tốt nhất cho nhân dân và doanh nghiệp.

Hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Nhiều năm qua, huyện đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng về giao thông. Địa phương đã huy động tối đa các nguồn lực tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. 

Hàng năm, huyện ưu tiên dành nguồn kinh phí duy tu, dặm vá các tuyến đường huyện, đường giao thông nông thôn; tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, liên hoàn, kết nối, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế của người dân.  

Cụ thể, từ năm 2000 đến nay, huyện đã chi hơn 6.600 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều tuyến đường trọng yếu của huyện đã được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, có tính kết nối giữa các xã, thị trấn; kết nối các tuyến đường của tỉnh, các địa phương lân cận. 

Bên cạnh đó, huyện ưu tiên đầu tư mới, nâng cấp mở rộng các tuyến đường giao thông trọng điểm, kết nối vùng và tạo sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Theo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn huyện Phú Giáo có đường ĐT745 (Vành đai 5) đi qua, kết nối từ đường Vành đai 4 tại xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên đến đường ĐT750 hướng về Khu công nghiệp Bàu Bàng. 

Bên cạnh đó, dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng được triển khai xây dựng sẽ kết nối các khu vực phát triển công nghiệp của huyện với các khu công nghiệp ở huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên, đồng thời kết nối với huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. 

Cùng với đó, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Quốc lộ 13C và Quốc lộ 56B đi qua địa bàn huyện sẽ là động lực phát triển mới cho huyện Phú Giáo trong thời gian tới.

Trong những năm tiếp theo, huyện Phú Giáo tập trung phát triển hệ thống giao thông trong khu vực trung tâm huyện; đồng thời với việc nâng cấp mở rộng, xây dựng mới các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đầu tư kết nối hoàn chỉnh với hệ thống giao thông vùng; kết hợp với việc hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. 

Theo đó, đối với giao thông đô thị, huyện đầu tư phát triển, từng bước đồng bộ, hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống giao thông đô thị theo quy hoạch hệ thống đô thị của tỉnh và quy hoạch các đô thị trong huyện, đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật theo quy mô, tính chất đô thị. 

Đối với giao thông nông thôn, huyện tiếp tục hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng theo tiêu chí giao thông trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phù hợp với chiến lược phát triển giao thông tỉnh...

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn 2026-2030 sẽ xây dựng các đô thị hiện đại và bền vững, tập trung nguồn lực xây dựng thị trấn Phước Vĩnh đạt đô thị loại IV và nâng cấp các khu dân cư phía Đông tại các xã An Bình, Tam Lập hướng đến đô thị loại IV, có dân số đô thị khoảng 56.000 người. Phát triển đô thị tập trung gắn với trục không gian chủ đạo, thương mại dịch vụ, hình thành thêm các khu, cụm công nghiệp, gồm khu công nghiệp Tam Lập, Vĩnh Lập và Cụm công nghiệp, gắn với các khu dân cư, làm tiền đề để phát triển đô thị hóa.

Phương Lê-Hoàng Phong