Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối

Thứ ba, ngày 12/12/2023

(BDO) Những năm qua, Bình Dương đã tích cực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ, xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Kết nối liên vùng

Về Bình Dương hôm nay thấy rõ sự phát triển vượt bậc của cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, kết nối thông suốt. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đường vành đai, trục xuyên tâm hoàn thành đưa vào sử dụng, đã và đang phát huy hiệu quả đầu tư. Qua chặng đường dài xây dựng, phát triển, mặc dù có những thời điểm, giai đoạn gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự đồng thuận trong nhân dân, Bình Dương đã tháo “điểm nghẽn”, phục vụ tốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 khi hoàn thành không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải mà còn giúp Bình Dương phát triển đô thị, thu hút đầu tư trong thời gian tới

Với quan điểm “hạ tầng giao thông đi trước, mở đường” cho sự đột phá, Bình Dương đã và đang tập trung đầu tư kết cấu hạtầng đồng bộ, xuyên suốt. Quyết tâm này của Bình Dương được thể hiện rõ khi Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 42- CTr/TU ngày 2-8-2021 về tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. UBND tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch xây dựng các dự án, công trình giao thông có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, hiện tỉnh đang tập trung hoàn thiện quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối là một trong 6 chiến lược của quy hoạch tỉnh.

- Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Bình Dương sẽ tập trung nguồn thu qua việc rà soát, đấu giá một số quỹ đất công, phát triển các khu đô thị, khu dân cư dọc các tuyến đường. Qua đó, thu một khoản lớn về tiền sử dụng đất, phục vụ ngược lại cho công tác đầu tư, xây dựng hạ tầng. Bên cạnh đó, huy động nguồn xã hội hóa trong phát triển hạ tầng giao thông.

- Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải: Với những dự án giao thông đã và đang dần hoàn thiện, không chỉ giúp khơi thông điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn thúc đẩy liên kết trong phát triển của vùng Đông Nam bộ.

- Ông Kim Won Sik, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc tại Bình Dương: Hiện nay, các khu công nghiệp của tỉnh đáp ứng tốt yêu cầu của nhà đầu tư, có hạ tầng đồng bộ, giao thông kết nối ra bên ngoài và kết nối vùng thuận lợi, giúp cho hàng hóa của doanh nghiệp vận chuyển thông suốt, nhanh chóng. Bên cạnh đó, hiện Tổng Công ty Becamex IDC đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai dần theo mô hình khu công nghiệp tích hợp đô thị - dịch vụ vào hệ thống các khu công nghiệp do Becamex IDC đầu tư như Mỹ Phước 1, 2, 3, 4, Khu công nghiệp Bàu Bàng và Bàu Bàng mở rộng… Những khu công nghiệp này đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư quốc tế.

Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, từng bước hình thành lớp thứ nhất trong đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Thực hiện quyết liệt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là các thủ tục đầu tư đường Vành đai 3, Vành đai 4 và cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, xây dựng cầu Bạch Đằng 2, tuyến tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường Thủ Biên - Đất Cuốc. Cùng với đó, nâng cấp các tuyến đường ĐT743A, ĐT747B, nút giao Sóng Thần và đường An Bình, TP.Dĩ An... để tăng tính kết nối giao thông liên vùng. Nghiên cứu, phát triển giao thông đường thủy, các cụm cảng, đường sắt và logistics thông minh để giảm áp lực các tuyến đường bộ.

Tập trung nguồn lực phát triển

Để tạo động lực cho sự phát triển liên vùng, năm 2023, tỉnh Bình Dương chú trọng xúc tiến triển khai đầu tư, xây dựng các tuyến đường huyết mạch nối liền các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất với hệ thống các cảng biển để lưu thông hàng hóa. Nhiều dự án đang triển khai, như: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, kéo dài tuyến metro từ ga Suối Tiên, tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép, cảng An Tây, đường ven sông Sài Gòn…

Đặc biệt, tỉnh đang dốc lực, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 3. Đây là tuyến đường trọng điểm quốc gia, khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giải quyết bài toán ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, tăng khả năng kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế các địa phương. Đường Vành đai 3 còn kết nối được vào tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành tạo liên kết cho Bình Dương với cả vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên.

Quốc lộ 13 là trục giao thông xương sống kết nối tỉnh Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên với TP.Hồ Chí Minh, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hai bên Quốc lộ 13 được quy hoạch trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại, mở rộng giao thương hàng hóa, kết nối liên vùng, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Dự án mở rộng Quốc lộ 13 hoàn thành không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa áp lực giao thông mà còn mở ra cánh cửa để Bình Dương phát triển đô thị, thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết hạ tầng giao thông được xây dựng và khai thác hợp lý tạo nguồn lực phát triển lớn cho tỉnh. Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông, chú trọng hạ tầng giao thông đa phương thức kết hợp các loại hình vận chuyển. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục phát triển các phương án logistics và vận chuyển tiên tiến, đa phương thức với chi phí thấp.

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn đưa vào sử dụng tạo kết nối, thông thương thuận lợi cho các chuyến hàng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp

Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh cho biết thêm để tạo đà cho sự bứt phá, thời gian qua tỉnh đã tích cực phối hợp với các tỉnh, thành giáp ranh xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng. Bên cạnh hai trục kinh tế động lực Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn và các tuyến giao thông kết nối liên vùng như Quốc lộ 14, đường Vành đai 3, Vành đai 4, tỉnh đang xúc tiến đầu tư thêm nhiều công trình trọng điểm ở khu vực phía bắc.

Bình Dương tập trung toàn lực cho đầu tư, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện một số tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh và đến năm 2030 phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nội tỉnh và kết nối vùng, với đa dạng các loại hình giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt. Đặc biệt, một trong những ưu tiên của Bình Dương là phát triển hệ thống hạ tầng giao thông với mục tiêu chuyển đổi thành đô thị hiện đại và thông minh. Đặt trọng điểm vào việc xây dựng các dự án hạ tầng có tính chiến lược, bảo đảm sự liên kết mạnh, sớm hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc các trục cao tốc, cùng với phát triển các khu công nghiệp thông minh, thu hút đầu tư công nghệ cao.

PHƯƠNG LÊ