Xây dựng làng thông minh, phát triển nông thôn bền vững
(BDO) Kỳ 1: Tiền đề xây dựng tiêu chuẩn nông thôn mới thông minh
Với những kết quả kinh tế nông nghiệp, nông thôn đạt được trong những năm qua đã tạo nền tảng đầy đủ cho huyện Phú Giáo triển khai mô hình làng thông minh, hướng đến xây dựng tiêu chuẩn cho xã nông thôn mới thông minh, bảo đảm xây dựng nông thôn mới sáng tạo, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững.
Sản xuất nông nghiệp tại xã Phước Sang ứng dụng mạnh kỹ thuật công nghệ cao, góp phần để xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của huyện. Phước Sang cũng là xã sẽ có làng thông minh được UBND huyện chọn xây dựng
Từ những “quả ngọt”
UBND huyện Phú Giáo đang xây dựng Đề án Làng thông minh Phú Giáo, thực hiện trên cơ sở Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó tập trung các nội dung trọng tâm như thể chế thông minh, nguồn lực thông minh, hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh, sản xuất và kinh doanh thông minh. Dự kiến trong tương lai làng thông minh trở thành nơi đáng sống, thân thiện môi trường và trở thành một trong những biểu tượng xanh của tỉnh, tạo tiền đề cho việc phát triển bền vững.
Hiện huyện Phú Giáo đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, 10/10 xã của huyện Phú Giáo được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó 2/10 xã (Tân Hiệp và Vĩnh Hòa) đã được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao. Dự kiến trong giai đoạn 2021-2025, huyện sẽ xây dựng thành công một xã nông thôn mới kiểu mẫu và thêm 9 xã nông thôn mới nâng cao. Riêng năm 2022, huyện phấn đấu 3 xã (An Bình, Tam Lập, Phước Hòa) đạt nông thôn mới nâng cao. Năm 2023 huyện phấn đấu hoàn thành hồ sơ trình tỉnh và Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Song song đó, việc ứng dụng công nghệ cao và các quy trình sản xuất hữu cơ, an toàn trong sản xuất nông nghiệp đã trở thành hướng đi tất yếu của huyện. Ngoài khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao An Thái và chăn nuôi bò sữa ở xã Phước Sang với tổng diện tích hơn 882 ha, hiện trên địa bàn huyện đã hình thành được hơn 100 cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, lợi nhuận đạt từ 30 - 40%.
Nhờ vào xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được đầu tư khá đồng bộ, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, tất cả làm cho nhịp sống nông thôn Phú Giáo trở lên nhộn nhịp, giàu sức sống hơn. Có thể khẳng định, từ những kết quả huyện Phú Gíao đã đạt được trong những năm qua đã tạo nền tảng đầy đủ cho huyện triển khai mô hình làng thông minh.
Trở thành nơi đáng sống
Theo Đề án Làng thông minh Phú Giáo, làng thông minh được xây dựng dựa trên 4 quan điểm. Thứ nhất, xây dựng dựa trên quan điểm phát triển phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và định hướng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nói riêng. Thứ hai, xây dựng và phát triển theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm nông thôn, tăng cường liên kết, bảo đảm sự liên kết ngang và dọc, liên kết nội tại trong cộng đồng và liên kết với các chủ thể tham gia trực tiếp, gián tiếp nhằm huy động các nguồn lực ưu thế một cách hiệu quả. Thứ ba, tích hợp các công nghệ cao trong quá trình chuyển đổi số nông thôn nhưng vẫn dựa trên quan điểm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lối sống cộng đồng, giữ được giá trị cốt lõi, bản sắc. Thứ tư, xây dựng và phát triển theo hướng bền vững với môi trường, hướng đến các giá trị xanh, gồm tăng trưởng xanh, môi trường xanh và văn hóa xanh. Hình thức xây dựng hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan văn hóa hiện hữu với bố trí cảnh quan cơ sở hạ tầng phù hợp với không gian quần cư của cộng đồng địa phương.
Việc xây dựng làng thông minh được thực hiện trên cơ sở Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó tập trung các nội dung trọng tâm như thể chế thông minh; nguồn lực thông minh; hạ tầng thông minh; dịch vụ thông minh; sản xuất và kinh doanh thông minh; xây dựng và triển khai dịch vụ kết nối thông minh; xây dựng và triển khai mô hình điểm xã thông minh (xã nông thôn mới kiểu mẫu).
TS Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Đề án Xây dựng làng thông minh Phú Giáo dựa trên nguyên tắc tuần hoàn, liên kết, trọng tâm, phù hợp bền vững. Đề án được xây dựng dựa trên quan điểm phát triển phù hợp, gia tăng giá trị nội lực, bảo tồn các giá trị truyền thống, phát triển bền vững”.
Về hiệu quả kinh tế, xây dựng làng thông minh giúp huyện Phú Giáo giảm chi phí vận hành, mang đến sự trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, tăng lợi nhuận, phản ứng nhanh nhạy với thị trường và sự thay đổi, tăng năng suất lao động. Xây dựng làng thông minh còn dẫn đến những mô hình kinh doanh mới, những thị trường mới, trong đó sự nhanh nhạy, linh hoạt và sáng tạo mới là yếu tố quyết định thành công.
Về hiệu quả xã hội, xây dựng làng thông minh tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của mọi tầng lớp nhân dân. Du lịch thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh, an ninh trật tự thông minh, môi trường thông minh, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thông minh… với các công cụ hỗ trợ quản trị công thông minh sẽ góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại và an toàn. Về hiệu quả môi trường, đề án hướng tới phát triển nông nghiệp công nghiệp cao và du lịch bền vững, giữ được hệ sinh thái nông nghiệp, cảnh quan chất lượng môi trường qua ý thức của cộng đồng dân cư.
Làng thông minh Phú Giáo phát triển theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch nông nghiệp. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện Phú Giáo và một số sở, ngành liên quan thực hiện. Cơ quan tư vấn xây dựng đề án là Trung tâm Phát triển nông thôn trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh. (còn tiếp)
PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ