Xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần phù hợp với tình hình thực tế

Cập nhật: 27-08-2022 | 06:34:11

Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Tính đúng, tính đủ giá viện phí, bảo vệ người hành nghề y, đổi mới công tác quản lý, phân chia Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… là các nội dung được góp ý tại Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 26/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Tham dự còn có các chuyên gia y tế, chuyên gia pháp lý, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, đại diện các bộ, ngành Trung ương, các Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Sở Y tế, bệnh viện các tỉnh, thành khu vực phía Nam…

Năm vấn đề cần góp ý trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là đạo luật quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm. Mục đích, yêu cầu khi xây dựng dự án luật là triển khai Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này đã có những thay đổi tích cực khi tiếp thu nhiều ý kiến tham gia đóng góp của các chuyên gia, tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý, chú trọng xử lý những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.

Đến thời điểm này, dự thảo còn nhiều ý kiến khác nhau vì vậy cần sự phân tích, đóng góp tích cực của các chuyên gia, nhà quản lý. Trọng tâm sẽ tập trung vào 5 nhóm vấn đề. Cụ thể:

Nhóm 1: Liên quan đến thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh; quy định về địa vị pháp lý, mối quan hệ của Hội đồng Y khoa quốc gia với các cơ quan quản lý; về vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hội chuyên môn trong quá trình đào tạo chuyên môn và hoạt động giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh.

Nhóm 2: Liên quan đến quy định về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh; các chức danh nghề nghiệp cần được cấp giấy hành nghề khám, chữa bệnh; sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh của người nước ngoài tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài…

Nhóm 3: Liên quan đến hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh; quy định phân cấp hệ thống khám, chữa bệnh; cách thức chuyển tuyến kết nối của các tuyến, phân cấp khám, chữa bệnh đối với cơ sở y tế tư nhân, phân hạng bệnh viện.

Nhóm 4: Liên quan đến giá dịch vụ khám, chữa bệnh, nguyên tắc về quản lý giá dịch vụ; quy định về xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Nhóm 5: Liên quan đến chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh; cơ chế giám sát trong khám, chữa bệnh dịch vụ, khám, chữa bệnh phi lợi nhuận, khám, chữa bệnh theo yêu cầu kỹ thuật cao….

Luật sửa đổi cần sát hơn với thực tế

Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XV đề xuất, cần tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế. Việc này sẽ là cơ sở để các bệnh viện tham khảo xây dựng bảng giá cho mình. Bệnh viện tự xây dựng mức giá rồi căn cứ theo mức độ tự chủ để đề xuất về Bộ Y tế. “Tính là phải tính đúng, tính đủ. Còn thu, tùy theo loại hình tự chủ là gì và tùy đầu tư của Nhà nước. Tự chủ một phần, tự chủ toàn phần, tự chủ toàn diện sẽ khác nhau, đặc biệt là thuế,” đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, bác sỹ Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho rằng việc bổ sung thêm chi phí về các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật là rất cần thiết. Hiện, các bệnh viện công lập ở Cần Thơ đang thiếu nợ thuế thu nhập doanh nghiệp. Các bệnh viện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh thu phí bị Cục Thuế yêu cầu phải nộp thuế doanh nghiệp. “Ngành Y tế Cần Thơ đang thiếu nợ thuế từ 2017 tới nay. Do đó, xây dựng Luật cần cơ cấu giá dịch vụ y tế phải bao gồm cả các chi phí về thuế,” bác sỹ Nguyễn Ngọc Việt Nga đề xuất.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội, đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Băn khoăn về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, cho rằng Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã lạc hậu, nhưng nếu sửa đổi mà vẫn theo hướng tập trung quyền lực để Bộ Y tế, Sở Y tế quản hết, đó không phải là xu hướng của thế giới mà sẽ tiếp tục đi theo vết xe đổ cũ.

“Bây giờ, chúng ta không đủ tiền để đầu tư, chúng ta để cho các bệnh viện tự chủ. Nhưng tự chủ không đúng nghĩa, bệnh viện sẽ không phát huy được. Bây giờ, từ trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc đều “chẻ” nhỏ ra để đấu thầu và lựa chọn giá làm sao để thấp nhất tạo thành một mớ lùng bùng, chưa có đường ra. Khi sửa luật, chúng ta phải xác định yêu cầu của thực tế như thế nào và có khẳng định dám sửa không. Nếu sửa mà vẫn như cũ, anh em trong ngành cũng không trông mong gì,” bà Lan băn khoăn.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ người hành nghề y, một số đại biểu cho rằng đội ngũ y, bác sỹ cần có một nghiệp đoàn bảo vệ như nhiều nước trên thế giới. Nghiệp đoàn Y tế là những người có trình độ chuyên sâu, có cả luật sư, chức năng của nghiệp đoàn là khi có sai sót y khoa xảy ra sẽ làm việc với Hội đồng chuyên môn để đi đến kết luận y bác sỹ có sai phạm hay không. Hiện nay ở nước ta, việc bảo vệ đội ngũ y bác sỹ giao cho Bộ Y tế nhưng đơn vị này chưa thực sự bảo vệ được người hành nghề y, điển hình như vụ án của bác sỹ Hoàng Công Lương. Do đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần bổ sung thêm mục thành lập nghiệp đoàn ngành Y tế.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo, bà Đào Hồng Lan, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được xây dựng trong bối cảnh ngành Y tế có nhiều vấn đề khó khăn được bộc lộ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để việc xây dựng Luật được cụ thể, chi tiết và phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) phải được đặt trong tổng thể các quy định pháp luật chung của Nhà nước. Có những nội dung không thể giải quyết được trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này. Đơn cử như liên quan đến công tác đấu thầu, xác định giá… hiện đã có hai luật là Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi), trong đó có nhiều nội dung liên quan đến giá và đấu thầu trong lĩnh vực y tế.

Với tư cách là cơ quan soạn thảo, chủ trì xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ Y tế sẽ cố gắng chắt lọc, tiếp thu tối đa những ý kiến góp ý xây dựng để Luật ra đời đi vào thực tiễn đời sống. Cùng với việc xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp thu, xem xét điều chỉnh một số tồn tại, vướng mắc trong công tác khám, chữa bệnh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=757
Quay lên trên