Xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững

Cập nhật: 20-01-2022 | 08:40:23

Việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) tr ong nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp quan trọng trong phát triển ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Trong giai đoạn mới, ngành nông nghiệp Bình Dương thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng KH&CN, đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo bước đột phá, phát triển bền vững.

 Thời gian qua, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Nông dân Đinh Ngọc Khương thành công với mô hình nuôi gà lạnh ứng dụng công nghệ cao tại huyện Phú Giáo

 Hiệu quả

Trong năm 2021, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) trong sản xuất ngày càng phát triển. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát triển nông nghiệp UDCNC, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hàng hóa có giá trị hiệu quả cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong thời gian qua, nhiều nông hộ trang trại đã chủ động ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đã từng bước hình thành và phát triển. Cụ thể, diện tích UDCNC trong trồng trọt khoảng 5763,5ha với các loại cây trồng. Diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172,2ha. Nông nghiệp hữu cơ có khoảng 600ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ trên các loại cây trồng, trong đó có một số hợp tác xã và doanh nghiệp đã đạt được chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ, như Công ty TNHH Đức Tiến 11ha, Công ty Vinamit Việt Nam 171ha rau quả các loại, Hợp tác xã Dịch vụ Năm Hạng trên 8,8ha cam sành, Hợp tác xã Nông nghiệp ổi Thanh Kiên đang thực hiện chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong 12ha… Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái có diện tích 411,75ha với 3 loại cây trồng chủ yếu là chuối, cây có múi và dưa lưới. Một số loại cây trồng đạt doanh thu cao như dưa lưới 3 tỷ đồng/ha/năm, chuối già hương 400 triệu đồng/ha/năm.

Chăn nuôi UDCNC tiếp tục phát triển với 146 trang trại đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt trên 8,4 triệu con, chiếm 68% tổng đàn. Chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 231 trang trải với gần 615.000 con, chiếm 63% tổng đàn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khu UDCNC Tiến Hùng 78,52; dự án nuôi gà đẻ UDCNC của Công ty Cổ phần Ba Huân với diện tích 17,62; dự án chăn nuôi bò sữa UDCNC của Công ty Cổ phần Anova Agri Bình Dương diện tích 471,86ha.

Đẩy mạnh chuyển giao khoa học

Trong thời gian tới, để thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành nông nghiệp đã xây dựng chương trình khuyến nông giai đoạn 2020- 2025. Mục đích, nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhằm cải tiến chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo chuỗi giá trị. Đưa khoa học công nghệ vào phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Sở sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học. Trong đó phối hợp với trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh, Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh và Sở Khoa học và Công nghệ trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp từ các đề tài khoa học đã thực hiện thành công, có hiệu quả. Nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ có hiệu quả từ các chương trình, dự án của ngành nông nghiệp, từ các khu nông nghiệp UDCNC trên địa bàn tỉnh. Sở đã đăng ký đặt hàng 5 đề tài để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

 Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã thực sự mang lại hiệu quả, tạo ra chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Công tác nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học vi sinh và giống cây trồng vật nuôi đã góp phần phục vụ yêu cầu nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương”.

 PHƯƠNG LÊ - KHOA CÔNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên