Xây dựng nền tảng hướng đến sự phát triển bền vững
Kiến tạo thành phố thông minh (TPTM), Bình Dương chọn ứng dụng mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển bền vững. Đây là một trong những nội dung cốt lõi, là động lực của công cuộc xây dựng TPTM của Bình Dương.
(BDO)
Lãnh đạo tỉnh và Ban tổ chức trao giải nhất cuộc thi Sáng kiến xây dựng thành phố thông minh năm 2018. Ảnh: XUÂN THI
Xây dựng nền tảng cho thành phố thông minh
TPTM Bình Dương là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, năng động, kết nối mà trong đó mọi thành tố đều liên tục đổi mới, liên tục cải tiến, tối ưu hóa. Nếu nhìn ở một góc độ khác thì Bình Dương gần với một tiếp cận gọi là cộng đồng thông minh, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo của cộng đồng mà không phải chỉ tập trung vào vấn đề đô thị hay công nghệ mà chúng ta thường hay gặp.
Hơn 2 năm qua, Bình Dương đã thu hút được nhiều sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp và sinh viên, tạo ra những đột phá đổi mới sáng tạo trong xây dựng TPTM. Nắm bắt nhu cầu của Bình Dương trong xu thế phát triển mới xây dựng TPTM, bên cạnh nhiệm vụ chính là giảng dạy và nghiên cứu, trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) đã chủ động tiên phong trong mô hình “ba nhà” ngay từ giai đoạn hình thành ý tưởng. Theo đó, EIU có trách nhiệm tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp tự thân, từ đó xứng đáng trở thành một yếu tố cốt lõi trong một hệ sinh thái khởi nghiệp lớn hơn, thuộc phạm vi tỉnh Bình Dương và khu vực.
Tiến sĩ Frank-Jürgen Richter, Chủ tịch Horasis, cho rằng Việt Nam là một trường hợp thành công điển hình trong quá trình phát triển. Chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng rất tốt dựa vào nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Horasis tin tưởng sự hợp tác lâu dài với Việt Nam và kêu gọi các thành viên đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. |
Để thực hiện được mục tiêu nói trên, thời gian qua EIU đặt trọng tâm và đã triển khai nhiều chương trình quan trọng, trong đó có thể kể đến như đào tạo giảng viên, đưa môn học “Khởi nghiệp” vào chương trình đào tạo, với mục tiêu cung cấp kiến thức và đào tạo, khích lệ, tạo điều kiện để khơi dậy và xây dựng tinh thần doanh nhân cho sinh viên. EIU cũng đầu tư xây dựng môi trường cho không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như Vườn ươm doanh nghiệp (Incubators), phòng thực nghiệm công nghệ (TechLab), phòng thực nghiệm chế tạo (FabLab), phòng thí nghiệm chiếu sáng (LightingLab), các phòng thử nghiệm thực tế các ý tưởng sáng tạo (Living Lab). Những tiện ích này được mở rộng nhằm phục vụ giảng viên, sinh viên của trường, mọi người có nhu cầu, kết nối với nhau trong lĩnh vực khởi nghiệp và giải quyết các bài toán của TPTM Bình Dương.
Sau thời gian tham vấn, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Tổng Công ty Becamex IDC và các chủ đầu tư đã nghiên cứu, đưa ra thiết kế Dự án Khu trung tâm thương mại - dịch vụ vòng xoay Trung tâm Becamex City. Khu trung tâm này có diện tích đất khoảng 71.000m2 sẽ là không gian phức hợp đầu mối về giao thông, các công trình chức năng và không gian cho các hoạt động cộng đồng. Becamex IDC và UBND tỉnh cũng đang lên kế hoạch cho những dự án về giao thông gắn với logistics và chuỗi cung ứng hàng hóa nhằm thu hút các nhà đầu tư đến làm ăn tại Bình Dương.
Bên cạnh đó, nhằm giúp người dân tiếp cận với lối sống đô thị thông minh, Bình Dương đã triển khai nhiều chính sách thiết thực để cải tạo và phát triển hệ thống xe buýt. Kết quả của các chính sách này là hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh đã hình thành, mạng lưới tuyến đã bao phủ trên diện rộng, khả năng tiếp cận dễ dàng, chất lượng dịch vụ ngày càng được cải thiện và lượng hành khách đi xe buýt liên tục tăng.
Sinh viên trường Đại học Quốc tế Miền Đông thực hiện thí nghiệm tại phòng thí nghiệm chiếu sáng của trường Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Chủ động tạo bước đột phá
Với quyết tâm xây dựng Bình Dương trở thành TPTM, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, thời gian qua Bình Dương luôn quan tâm đổi mới, tăng cường hợp tác, chủ động tạo bước đột phá trên từng lĩnh vực cụ thể. UBND tỉnh và Becamex IDC đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác lớn trong nước và trên thế giới có năng lực cũng như kinh nghiệm trong triển khai xây dựng TPTM, như Tập đoàn Brainport (Hà Lan), Tập đoàn NTT EAST (Nhật Bản), Tập đoàn VNPT... Việc ký kết này góp phần mang đến những thuận lợi cơ bản cho tỉnh trong việc triển khai Đề án TPTM cũng như gia nhập Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA).
Tháng 10-2018, Bình Dương đã chính thức được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) bình chọn là 1 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới năm 2019. Bình Dương cũng là địa phương đầu tiên ở Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ICF, giúp thiết lập thêm các mối quan hệ quốc tế bền chặt với cộng đồng thông minh trên thế giới để trao đổi thông tin, kinh nghiệm và thu hút nhiều nhân tài đến làm việc tại Bình Dương.
Năm 2018 tỉnh Bình Dương có nhiều điểm sáng khi liên tục đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động lớn trong và ngoài nước. Trong số này nổi bật là 2 sự kiện quốc tế lớn: Hội nghị Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á (Horasis). Đây là những sự kiện mang tầm quốc tế với sự tham gia của nhiều thị trưởng, hiệu trưởng các trường đại học danh tiếng trên thế giới, các doanh nghiệp châu Á; là cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu Bình Dương với các đối tác và bạn bè quốc tế. Đặc biệt, Bình Dương được chính thức trở thành thành viên Thường trực của WTA.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án TPTM, Bình Dương đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Theo đó, tỉnh đã cơ bản hoàn thành giai đoạn xây dựng nền tảng, định hướng chiến lược, thực thi các dự án đột phá, qua đó tạo đà thuận lợi cho giai đoạn triển khai các dự án cụ thể, sớm đưa Bình Dương trở thành TPTM trong tương lai gần.
Ông Michael Croft, Trưởng Văn phòng Unesco tại Hà Nội: Bình Dương được xem là kiểu mẫu phát triển TPTM
Bình Dương có thể được xem là kiểu mẫu phát triển TPTM. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Bình Dương trong quá trình phát triển và xây dựng TPTM. Sự khác biệt tiêu biểu mà ít thành phố khác đạt được như Bình Dương đó là việc kết hợp hài hòa các yếu tố kinh tế tư nhân và sự tham gia của kinh tế Nhà nước. Chúng tôi nhận thấy rằng, chỉ có Bình Dương mới đi sâu sát nhất khái niệm của TPTM, không chỉ tập trung các yếu tố khoa học - công nghệ mà còn mang đến những yếu tố cốt lõi về nhân văn và vai trò của con người.
Với vai trò là một tổ chức điều phối các hoạt động văn hóa và giáo dục toàn thế giới, chúng tôi mong muốn hỗ trợ kết nối Bình Dương với các thành phố khác tạo nên một mạng lưới có quy mô để liên kết các địa phương nhằm thực hiện việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về khoa học - kỹ thuật và các yếu tố nhân văn.
PHƯƠNG AN (ghi)
Tiến sĩ - Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thành, giảng viên trường Đại học Văn Lang (TP.Hồ Chí Minh): Bình Dương cần phát triển chính quyền điện tử
Theo tôi, đối với lĩnh vực quy hoạch đô thị, hạ tầng, nhà cửa, Bình Dương cần phát triển chính quyền điện tử để tăng hiệu quả phục vụ người dân trong lãnh vực quản lý đô thị. Bên cạnh đó, tỉnh cần nâng cấp chất lượng quy hoạch, đất đai, xây dựng và quản lý nguồn lực đầu tư; minh bạch hóa các đồ án quy hoạch chung và chi tiết được duyệt trên các trang web chính thức của chính quyền để người dân theo dõi và giám sát.
Cùng với đó, Bình Dương nên chú trọng thông minh hóa việc áp dụng các ứng dụng cung cấp các thông tin ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân về giao thông, ngập lụt, y tế, thực phẩm bẩn và ô nhiễm môi trường; xây dựng hệ thống thoát nước thông minh, hệ thống thông tin cảnh báo sớm các điểm ngập lụt. Cùng với đó, tỉnh cần quan tâm phát triển nhà ở cho người thu nhập trung bình và cho người thu nhập thấp, với các loại hình nhà ở chung cư cao tầng, nhà ở xã hội; dành nhiều quỹ đất cho cây xanh và không gian công cộng
Đồng thời, tỉnh cần thực hiện giao thông thông minh bằng hệ thống đèn tín hiệu thông minh, camera, cảnh báo các điểm nóng kẹt xe… Hạ tầng giao thông của tỉnh cần kết nối tốt với các tỉnh, thành phố ở trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; xây dựng một môi trường sống đô thị an toàn, năng động sáng tạo với sự hỗ trợ của hệ thống giám sát thông minh; xây dựng thành phố đáng sống, các khu dân cư sinh thái tích hợp (compact, nén)…
Cuối cùng, Bình Dương cần chủ động nghiên cứu và quảng bá trục cảnh quan dọc sông Sài Gòn; duy trì vườn cây Lái Thiêu; phát triển đô thị xanh… làm nền cho thu hút phát triển du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, tổ chức các hội nghị, hội thảo tầm cỡ...
TIỂU MY (ghi)
Ông Carl Health, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Fortis Bridge: Xây dựng TPTM sẽ mở ra nhiều cơ hội mới
Tôi nghĩ, mọi người bắt đầu xem Thành phố mới Bình Dương như là thành phố mô hình. Điều này giúp nhân rộng thanh thế của thành phố mới và đó là sự ủy thác không dễ cho những người điều hành thành phố này. Thành phố được quy hoạch hoành tráng, nhiều người sẽ rất ấn tượng khi đến đây.
Việc Bình Dương tổ chức thành công Hội nghị Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) 2018 là cơ hội để những người từ nước ngoài đến và xem những điều tốt đẹp mà Việt Nam đã có và có thể phát triển thêm nữa. Ví dụ như Bình Dương là một trong những tỉnh phát triển kinh tế trọng điểm của Việt Nam, có nhiều tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai. Minh chứng là Bình Dương xây dựng TPTM sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho tỉnh trong hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, qua đó thúc đẩy sự phát triển năng động hơn nữa cho Bình Dương.
P.AN (ghi)
PHƯƠNG LÊ