Xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh từ những công viên sách

Thứ năm, ngày 12/12/2024

(BDO) Thời gian gần đây, bên cạnh việc xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh từ chung tay bảo vệ môi trường, chỉnh trang đường phố, con hẻm, trồng hoa…, các địa phương còn xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh từ những công viên sách, phòng đọc sách ở các khu phố…Các mô hình đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Nhiều ý nghĩa

Xã hội phát triển, nhịp sống ngày càng gấp gáp, văn hóa đọc đang có nguy cơ bị công nghệ giải trí lấn át. Mặt khác, không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận được với sách. Chính vì vậy, mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Phú Hoà, TP.Thủ Dầu Một đã thành lập mô hình công viên sách ở khu phố 7. 

Với không gian mở được bố trí đẹp, thân thiện và số lượng đầu sách có nội dung phong phú, công viên sách tại khu phố 7, phường Phú Hoà đang là điểm đến hấp dẫn để cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn nâng cao văn hoá đọc. 



Cán bộ, nhân dân trên đại bàn phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một tham quan, đọc sách tại công viên sách

Chị Lại Thị Phước Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Hoà cho biết: Công viên sách là một không gian xanh, sạch, đẹp, không chỉ là nơi người dân có thể đến đọc sách mà còn là nơi vui chơi, luyện tập thể dục thể thao. Công viên sách được bố trí những kệ sách hài hòa với nhiều thể loại sách đa dạng từ sách về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sách về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến sách thiếu nhi, sách văn học, sách khoa học phổ thông và những cuốn sách về phát triển kỹ năng, phục vụ người dân có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu...

Bên cạnh đó, công viên sách còn được thiết kế tủ sách online giúp người dân thuận tiện hơn trong việc đọc sách. Người dân chỉ cần quét mã QR là có thể truy cập, đọc sách trên không gian internet một cách dễ dàng. 

Chị Hạnh cho biết thêm: Việc ra mắt công viên sách không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, mà còn góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách, học tập suốt đời, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân địa phương. 

Mô hình công viên sách của Hội LHPN phường Phú Hòa còn nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án nâng cao chất lượng cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” trên địa bàn phường; đồng thời, phát huy vai trò của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong việc chung tay thực hiện Phong trào “Phụ nữ Thủ Dầu Một ứng xử đẹp - sống nhân ái, nghĩa tình”…


Tại công viên sách ở khu phố 7, phường Phú Hòa, người dân chỉ cần quét mã QR là có thể truy cập, đọc sách trên không gian internet một cách dễ dàng

Lan tỏa văn hóa đọc

Thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh suy cho cùng là xây dựng thói quen, lối ứng xử văn minh ở đô thị. Văn minh đô thị không phải tự nhiên mà có, cũng không phải là việc của riêng ai mà nó được vun đắp từ nếp nghĩ và hành động của tất cả các tầng lớp nhân dân, được khơi nguồn từ ý thức người dân…Nhận thức được vấn đề này, đồng thời xuất phát từ đặc điểm của khu phố, Ban Công tác Mặt trận khu phố Tân An, phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An đã có nhiều mô hình, cách làm hay trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh.

Bên cạnh vận động nhân dân trong các tổ tự đóng góp làm đường bê tông, phối hợp xây dựng công viên tập thể dục, trồng hoa khu vực văn phòng khu phố, xây dựng các khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp, Ban Công tác Mặt trận khu phố còn phối hợp với Ban Điều hành, các đoàn thể trong khu phố xây phòng đọc sách miễn phí.

Theo đó, sau khi được cấp ủy giao trọng trách xây dựng tủ sách pháp luật, Ban Công tác Mặt trận khu phố Tân An đã phối hợp cùng Ban Điều hành khu phố khảo sát chọn địa điểm là khu đất trống bên cạnh hội trường khu phố có diện tích 35m2. Từ đó, khu phố đã vận động đơn vị tài trợ đổ đất và xây dựng phòng mở để làm nơi ngồi đọc sách với tổng kinh phí trên 120 triệu đồng.

Từ những kết quả ban đầu, khu phố Tân An tiếp tục vận động kệ bàn, ghế, dọn dẹp kho chứa vật dụng của khu phố làm phòng trưng bày sách. Phòng đọc sách được đặt nhiều kệ sách; mỗi chi hội đoàn thể tự trang trí kệ sách cho phù hợp với đặc trưng của chi hội mình như: kệ sách cựu chiến binh, kệ sách phụ nữ, kệ sách nông dân... Bộ phận tư pháp phường cũng đã cung cấp một số sách pháp luật hiện hành liên quan đến đời sống người dân. 

Ngoài ra, để nguồn sách dồi dào thể loại, khu phố cũng đã liên hệ với thư viện thành phố để được hỗ trợ 200 đầu sách; phối hợp với các chi hội đoàn thể cùng nhau vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân trong khu phố tặng lại sách cũ sau khi đã đọc. Hiện nay, phòng đọc sách đã có trên 400 đầu sách. Đồng thời, khu phố cũng đã thành lập Câu lạc bộ bạn đọc để duy trì mở cửa phòng đọc phục vụ bạn đọc hằng tuần.

Tương tự khu phố Tân An, thời gian qua, khu phố 5, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một cũng đã ra mắt và duy trì hoạt động mô hình công viên sách trong khuôn viên gần văn phòng khu phố. Tại công viên sách này, khu phố đã vận động và trang bị hơn 250 đầu sách, 10 ghế đá, camera an ninh với tổng kinh phí thực hiện trên 50 triệu đồng. Nơi này cũng là địa điểm để phường thực hiện nhiều mô hình, chương trình khác như: “Cà phê sáng - trao đổi với nhân dân”, tổ chức hội thi giao lưu văn nghệ, gian hàng ẩm thực…

Có thể nói, dù tên gọi có khác nhau, thế nhưng, phòng đọc sách hay công viên sách đều là điểm sinh hoạt văn hóa lý tưởng, là nơi để thư giãn, gặp gỡ và giao lưu của những người có cùng niềm đam mê, sở thích đọc sách. Tin tưởng rằng, việc lan toả những mô hình như công viên sách nói trên sẽ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh trên địa bàn tỉnh…

HUỲNH THUỶ- THÔNG THÁI