Xây dựng nông thôn mới (NTM) trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một chương trình lớn của tỉnh. Trong thời gian tới nhiều chương trình sẽ được triển khai nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng NTM Bình Dương văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
Những tiền đề cơ bản
Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nông nghiệp (NN), nông thôn (NT) Bình Dương cũng đã có nhiều thay đổi. Tuy chỉ còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh (năm 2010 chỉ còn 4,4%) nhưng NN vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển chung của Bình Dương. Kinh tế NT tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Các loại hình dịch vụ phục vụ NN và công nghiệp phát triển mạnh, góp phần chuyển dịch lao động NN sang phi NN. Đến cuối năm 2010, lao động NN chỉ còn chiếm tỷ lệ 12% trong tổng lao động của tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân NT ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân trên đầu người của tỉnh là 30,1 triệu đồng/năm, trong đó khu vực NT là 19 triệu đồng/năm. 100% người dân NT có phương tiện đi lại và nghe nhìn. Các thành phần kinh tế NN tiếp tục phát triển ổn định và khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong sản xuất nông sản hàng hóa, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Toàn tỉnh hiện có 419 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực NN với 9.761 thành viên; số trang trại là 1.773 với tổng số lao động thường xuyên là 9.154, tổng diện tích đất sản xuất là 16.960 ha; số hợp tác xã NN là 13 với 627 thành viên.
Xây dựng NTM góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất của nông dân
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội NT được đầu tư phát triển mạnh, đồng bộ theo hướng hiện đại; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội ngày càng tốt hơn; đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện. Đến cuối năm 2010, tỷ lệ dân số NT sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%, 96,7% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% đường đến trung tâm xã được nhựa hóa; có 60 chợ, 10 trung tâm văn hóa cụm xã và 8 nhà văn hóa xã được xây dựng, nâng cấp trên địa bàn NT; 100% xã, ấp có điện và tỷ lệ hộ dân NT sử dụng điện đạt 98,8%.
Hướng đến hiện đại, bền vững
Từ những tiền đề cơ bản trên có thể thấy rằng trong tiến trình xây dựng NTM, Bình Dương có nhiều điều kiện thuận lợi nhằm thực hiện thành công chương trình này. Mục tiêu chương trình xây dựng NTM là xây dựng kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn NN với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển NN với đô thị theo quy hoạch; xã hội NT dân chủ, ổn định, giàu bản sắc dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa...
UBND tỉnh vừa có chủ trương chọn ra 29 xã xây dựng NTM trong giai đoạn 2011-2020. Qua khảo sát hiện trạng tại 29 xã này cho thấy có 12 chỉ tiêu/10 tiêu chí đạt thấp, 9 chỉ tiêu/6 tiêu chí đạt rất thấp bao gồm tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ NT, thu nhập, cơ cấu lao động. Qua các khảo sát thực tế cho thấy tuy thời gian qua NN - NT Bình Dương đạt nhiều kết quả khả quan nhưng nếu so với Bộ Tiêu chí quốc gia và Bộ Tiêu chí tỉnh Bình Dương ban hành thì hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có xã nào đạt được 19 tiêu chí; chỉ có 8 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí (chiếm 13,3%), có 34 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí (chiếm 56,7%) và có 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí (chiếm 30%).
Qua các số liệu so sánh này cho thấy để có thể xây dựng thành công NTM tại Bình Dương trong thời gian tới còn nhiều khó khăn và đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn thể xã hội. Theo như các mục tiêu xây dựng NTM của tỉnh thì khi tiến hành đầu tư xây dựng phải được tiến hành đồng bộ trên nguyên tắc dựa vào nội lực của cộng đồng địa phương, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần trực tiếp. Nguồn đóng góp của nhân dân chiếm một phần rất quan trọng trong việc hình thành nên các vùng NTM. Nguồn đóng góp này cũng rất đa dạng, không chỉ bằng tiền bạc mà còn bằng cả công sức, trí tuệ. Những công việc đòi hỏi phải được phát huy từ chính nguồn lực của mỗi gia đình tại cộng đồng địa phương như việc bố trí khuôn viên nhà cửa, công trình vệ sinh, rãnh thoát nước, cải tạo ruộng vườn cho hợp lý; việc thực hiện các thiết chế văn hóa, tạo cuộc sống văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động cụ thể của xã NTM cũng do chính cộng đồng dân cư tự đề xuất trên cơ sở dân chủ, công khai, minh bạch và quyết định cũng thông qua cộng đồng. Cấp ủy Đảng, chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, điều hành quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức thực hiện để người dân phát huy vai trò chủ thể trong tiến trình xây dựng NTM.
Khi cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân cùng đồng thuận, nỗ lực thực hiện các tiêu chí, mục tiêu trong việc xây dựng NTM; cùng với những tiền đề cơ bản của quá trình xây dựng và phát triển NTM trong thời gian qua thì chúng ta tin chắc rằng Bình Dương sẽ thực hiện thành công.
Mục tiêu cụ thể là đến năm 2012 có 6 xã đạt chuẩn; đến năm 2015 trên 40% số xã (21 - 29 xã) đạt chuẩn, trong đó thu nhập bình quân đạt 24 triệu đồng/người/năm. Năm 2020 có 100% số xã đạt chuẩn, trong đó thu nhập bình quân đạt 36 triệu đồng/người/năm. Theo Sở NN-PTNT Bình Dương, trong năm 2011 sẽ thực hiện một số công việc cụ thể như: thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cấp huyện và Ban quản lý xây dựng NTM cấp xã; triển khai công tác đào tạo, tập huấn cán bộ xây dựng NTM; lập quy hoạch của các huyện, xã xây dựng NTM đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; xây dựng đề án “Xây dựng mô hình NTM cấp xã đến năm 2015, định hướng đến 2020”...
CAO SƠN