Trong những năm qua, nông thôn (NT) Bình Dương đã có những thay đổi đáng kể (thu hẹp diện tích, giảm tỷ trọng...) do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Nông nghiệp (NN), NT đang có chiều hướng tăng dần chất lượng, vai trò của NN là không thể thay thế.
Đời sống người dân khu vực nông thôn được nâng cao
Đến cuối năm 2010, lao động NN chiếm tỷ lệ 12% trong tổng lao động của tỉnh. Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của dân cư NT ngày càng được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người tại khu vực NT là 19 triệu đồng/năm. Các thành phần kinh tế NN tiếp tục phát triển ổn định, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, đã khẳng định được vai trò quan trọng trong sản xuất nông sản hàng hóa, bảo đảm cung cấp nông sản cho đô thị, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Cần đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Toàn tỉnh hiện có 419 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực NN với 9.751 thành viên; số trang trại là 1.773 với tổng diện tích đất sản xuất là 16.960 ha, số lao động thường xuyên là 9.154; số hợp tác xã NN là 13 với 627 thành viên.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội NT được đầu tư phát triển mạnh, đồng bộ theo hướng hiện đại; văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm và ngày càng nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện. Đến cuối năm 2010, tỷ lệ dân số NT sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; 96,7% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% đường đến trung tâm xã được nhựa hóa; có 60 chợ, 10 trung tâm văn hóa cụm xã và 8 nhà văn hóa xã được xây dựng, nâng cấp trên địa bàn NT; 100% xã có trạm truyền thanh; 100% xã, ấp có điện và tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng điện đạt 98,85%...
Xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại
Mục tiêu chung của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn NN với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển NN với phát triển đô thị theo quy hoạch; xã hội NT dân chủ, ổn định, giàu bản sắc dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo kế hoạch, trong năm 2011, Bình Dương sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cấp huyện và Ban quản lý xây dựng NTM cấp xã; triển khai công tác đào tạo, tập huấn cán bộ xây dựng NTM; hoàn thành rà soát, đánh giá thực trạng NTM theo Bộ tiêu chí của tỉnh; lập quy hoạch của các xã xây dựng NTM đến năm 2015, định hướng đến năm 2020...
Tuy đã có những kết quả khả quan trong thời gian qua nhưng hầu hết các xã được chọn để xây dựng NTM có mức xuất phát điểm thấp. Mục tiêu cụ thể đã được đặt ra và năm 2011 có thể xem là năm bản lề của quá trình xây dựng NTM BD. Quá trình xây dựng NTM đòi hỏi sự tham gia, chung sức, chung lòng của tất cả mọi người. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đoàn Văn Tràng cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành rà soát lại 60 xã NT trên địa bàn Bình Dương. Trong đó có 6-10 xã đạt từ 6-9 tiêu chí, như vậy tỷ lệ còn rất thấp so với bộ tiêu chí. Để có thể thực hiện được mục tiêu từ đây đến năm 2015 là xây dựng được 40% xã NTM thì Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Bình Dương quyết tâm thực hiện một số việc như sau: tổ chức tuyên truyền cho tất cả người dân, các ban, ngành, huyện thị ở địa phương nắm rõ được chương trình mục tiêu xây dựng NTM. Trong năm 2011 sẽ hoàn thành thực hiện quy hoạch 29 xã được chọn và song song với đó là xây dựng các dự án mà trong chương trình mục tiêu so với Bộ tiêu chí quốc gia chưa đạt”.
Trong quá trình xây dựng NTM, người dân đóng vai trò hết sức quan trọng trong các hoạt động tại các địa phương cũng như trong các sinh hoạt tại vùng NTM. Quá trình xây dựng NTM đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của cộng đồng cần được phát huy tối đa để xây dựng thành NTM văn minh, hiện đại.
Từ đầu năm 2010 Sở NN&PTNT đã phối hợp với các huyện, thị xã tiến hành khảo sát hiện trạng 60 xã NT để so sánh với 19 tiêu chí xây dựng NTM. Kết quả khảo sát cho thấy có 8 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí, 52 xã còn lại đạt dưới 10 tiêu chí. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ IX Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2011-2015, BD chọn 29 xã để tập trung xây dựng NTM giai đoạn
2011 - 2015. Trong 29 xã được chọn có 1 xã đạt được 15 tiêu chí, chỉ 8 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí, có 34 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí và có 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015, Bình Dương có 5 xã đạt chuẩn xã NTM theo Bộ tiêu chí NTM của tỉnh Bình Dương; năm 2015 có trên 40% số xã (21-29 xã) đạt chuẩn xã NTM, trong đó thu nhập bình quân xã NTM đạt 24 triệu đồng/người/năm; đến năm 2020 có 100% xã đạt chuẩn xã NTM, trong đó thu nhập bình quân xã NTM đạt 36 triệu đồng/người/năm.
ĐÀ BÌNH