Cùng với cả nước, Bình Dương đang thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Công việc sẽ bắt đầu từ 17 xã điểm.
Chưa có xã NTM
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Dương Trịnh Văn Út cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, xa hơn nữa là thực hiện mục tiêu chung từ nay đến năm 2020 xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ ổn định, giàu bản sắc dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ...
Nông thôn mới cần có những mô hình kinh tế chăn nuôi tập trung vừa hiệu quả, vừa bảo đảm môi trường
Bình Dương cũng đã đề ra 3 mục tiêu cụ thể, đó là từ nay đến năm 2013, mỗi huyện, thị có 1 xã đạt chuẩn xã NTM, đến năm 2015 có từ 21 - 29 xã, đạt trên 40% xã đạt chuẩn và đến năm 2020 có 100% xã đạt chuẩn xã NTM; trong đó yêu cầu thu nhập bình quân đầu người phải đạt 36 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên hoàn thành các mục tiêu này không phải dễ. Dù thời gian qua, thực hiện chính sách tam nông, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội phát triển vược bậc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, nhưng so với Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM ban hành tại Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ và Bộ tiêu chí NTM của tỉnh Bình Dương ban hành tại Quyết định số 462/QĐ-UBND ngày 2-2-2010, tại 60 xã được xác định là vùng NTM thì chưa có xã nào đạt đủ 19 tiêu chí của xã NTM. Chỉ có 2 xã Thanh An (Dầu Tiếng) và Thường Tân (Tân Uyên) đạt 16 tiêu chí, còn lại 11 xã chỉ đạt từ 10 - 15 tiêu chí, 38 xã đạt 5 - 8 tiêu chí và có 9 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Các tiêu chí đạt tập trung các lĩnh vực bưu điện, y tế, văn hóa, trật tự xã hội. Hầu hết các xã còn thiếu các tiêu chí về quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, thu nhập, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, môi trường, hệ thống chính trị xã hội vững mạnh...
Tuy nhiên theo ông Trịnh Văn Út, nếu tập trung đầu tư đáp ứng đầy đủ 19 tiêu chí sẽ xảy ra tình trạng vừa lãng phí, vừa khó khăn. Không lẽ xã nào cũng có nghĩa trang, điều đó sẽ gây phản cảm. Hay tiêu chí chợ chẳng hạn, nếu xã nào cũng xây chợ thì ai sẽ vào mua bán vì hiện nay hệ thống bán lẻ cũng như siêu thị phục vụ nhu cầu mua sắm đến tận nông thôn... Chính vì vậy, Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM của tỉnh vừa có văn bản gửi BCĐ xây dựng NTM Trung ương xem xét điều chỉnh 3 tiêu chí về môi trường, chợ và cơ sở văn hóa.
Thí điểm nhưng không chờ...
Bắt đầu thực hiện chủ trương này, trước mắt, Bình Dương sẽ tiến hành thực hiện 17 xã thí điểm xây dựng NTM sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm mới nhân rộng ra toàn tỉnh. Các xã thí điểm gồm 5 xã ở Phú Giáo (An Long, Phước Sang, An Thái, An Linh, Tam Lập); 2 xã ở Bến Cát (Chánh Phú Hòa, Long Nguyên); 6 xã ở Tân Uyên (Tân Mỹ, Bình Mỹ, Thạnh Hội, Hội Nghĩa, Tân Vĩnh Hiệp, Phú Chánh); 4 xã ở Dầu Tiếng (Minh Tân, Minh Thạnh, Định An, Định Thành).
Cũng theo ông Út không thể chờ các xã điểm này hoàn thành mới tập trung triển khai. Ngay lúc này tại các xã xác định là vùng nông thôn cần hoàn thành việc lập, rà soát, điều chỉnh và triển khai các nội dung quy hoạch chi tiết gồm: quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội môi trường theo chuẩn mới. Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa; hoàn thành cơ bản việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; đường giao thông nông thôn, hệ thống cung cấp điện, công trình hoạt động về văn hóa thể thao, chuẩn hóa về y tế giáo dục cấp thoát nước... đồng bộ, văn minh, hiện đại; từng bước cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, phát triển chăn nuôi tập trung, chăn nuôi công nghiệp gắn với công nghiệp chế biến; đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, y tế, giáo dục; tiếp tục xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh bảo đảm an ninh, trật tự xã hội...
HÒA NHÂN
Năm 2011, Bình Dương đã bố trí 642,5 tỷ đồng vốn để đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó đầu tư cho nông lâm nghiệp thủy sản 38,32 tỷ đổng, phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn 604 tỷ đồng gồm đường giao thông 149,7 tỷ đồng, điện 9,9 tỷ đồng thủy lợi 14,3 tỷ đồng, cấp nước nông thôn 34,5 tỷ đồng chợ nông thôn 28,2 tỷ đồng...