Trong những năm qua, tình hình doanh nghiệp (DN) và lực lượng lao động (LĐ) có bước phát triển nhanh về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng, đã đóng góp tích cực vào thành tựu đổi mới và ngày càng thể hiện rõ vai trò của đội ngũ công nhân LĐ đi đầu trong sự nghiệp CNH - HĐH tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, cũng làm nảy sinh tình hình tranh chấp LĐ tập thể và đình công tại một vài DN, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, hầu hết các vụ đình công xảy ra đều không đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp LĐ tập thể và đình công chủ yếu là do người sử dụng LĐ vi phạm pháp luật LĐ, làm thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Trách nhiệm xã hội của DN chưa cao, nhiều DN chưa quan tâm chăm lo đời sống công nhân LĐ và hoạt động công đoàn cơ sở.
“Nóng” vấn đề lao động
Bình Dương có 24 KCN với 10.094 DN đã thành lập và đi vào hoạt động, thu hút gần 700.000 LĐ Việt Nam và 9.820 LĐ là người nước ngoài làm việc. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Phan Thành Sơn cho biết: Trong thời gian qua, các DN trên địa bàn tỉnh đã có ý thức chấp hành tốt pháp luật LĐ. Tuy nhiên, bên cạnh đó sự gia tăng nhanh về số lượng DN và công nhân LĐ cũng đã nảy sinh một số vấn đề xã hội bức xúc, trong đó có tình hình tranh chấp LĐ dẫn đến đình công của tập thể công nhân LĐ ở một số DN, phần nào đã ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, môi trường đầu tư và ảnh hưởng đến lợi ích của NLĐ và người sử dụng LĐ. Tại Bình Dương, tính từ năm 2008 đến tháng 11-2010, toàn tỉnh xảy ra 490 vụ tranh chấp LĐ tập thể và đình công, với khoảng 248.740 người tham gia, trong đó, loại hình DN vốn FDI chiếm 87% trong tổng số các vụ đình công, tranh chấp LĐ tập thể. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp LĐ - đình công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị nhận định: Những bất cập trong chính sách, pháp luật liên quan đến tiền lương, thu nhập. Hạn chế, yếu kém trong công tác phổ biến và thực thi pháp luật: Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật của các cơ quan chức năng tuy có sự phối hợp nhưng chưa thực sự thường xuyên, đôi khi còn thực hiện độc lập từng ngành. Số lượng NLĐ và người sử dụng LĐ tham dự các buổi tuyên truyền không đủ và đúng thành phần theo yêu cầu, chỉ có 10% là chủ sử dụng LĐ tham dự... chưa được NLĐ và người sử dụng LĐ quan tâm dẫn đến chất lượng và hiệu quả chưa cao. Những hạn chế yếu kém của công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: do khác biệt ngôn ngữ, văn hóa dẫn đến mâu thuẫn giữa LĐ nước ngoài với LĐ Việt Nam, một số DN bị thua lỗ, chủ DN bỏ trốn dẫn đến nợ lương và các chế độ chính sách khác của NLĐ. Nhiều DN chưa thực hiện đối thoại định kỳ với NLĐ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc giữa hai bên nên dẫn đến đình công. Một số chủ DN chưa tạo điều kiện về kinh phí và thời gian cho tổ chức công đoàn hoạt động, từ đó các kiến nghị của NLĐ không được giải quyết kịp thời dẫn đến NLĐ ngừng việc và đình công. Một số cuộc đình công do NLĐ bị các phần tử xấu lôi kéo, kích động hoặc đe dọa yêu cầu đình công, gây tâm lý hoang mang cho NLĐ, dẫn đến NLĐ không muốn đình công nhưng không dám vào công ty làm việc.
Công nhân ngành may (ảnh mang tính minh họa)
Vai trò công đoàn
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn LĐ tỉnh Nguyễn Văn Khương: “Vai trò của tổ chức công đoàn tham gia phối hợp các ngành chức năng xây dựng quan hệ LĐ hài hòa ổn định và tiến bộ trong DN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc chỉ đạo các mặt hoạt động của tổ chức công đoàn. Ngay sau khi có Chỉ thị số 22/CT-TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ LĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN được ban hành ngày 5-6-2008. Liên đoàn LĐ tỉnh đã ban hành kế hoạch về nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc xây dựng quan hệ LĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN, đồng thời xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện tốt nội dung công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong công nhân LĐ, phát triển đoàn viên trong giai đoạn (2008-2013) để chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Theo ông Khương, để bảo đảm cho mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các DN, Liên đoàn LĐ tỉnh chỉ đạo cho các cấp công đoàn thực hiện: Chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng giám sát, đôn đốc người sử dụng LĐ thực hiện các kết luận, kiến nghị của liên ngành và cam kết của DN. Kiến nghị với các ngành chức năng kiểm tra, xử phạt hành chính, đồng thời đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng số DN không thực hiện những nội dung đã kiến nghị trong biên bản của liên ngành. Tăng cường công tác thành lập Hội đồng hòa giải LĐ cơ sở trong DN...
Về kinh nghiệm tham gia giải quyết tranh chấp LĐ và đình công tại DN, theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shyang Hung Cheng Đặng Minh Dũng thì: “Trong quá trình thực hiện các chức năng của tổ chức công đoàn, một trong những nội dung mà chúng tôi quan tâm là xây dựng mối quan hệ LĐ, thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho NLĐ. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong LĐ, chăm lo tốt đời sống vật chất tinh thần cho NLĐ góp phần củng cố tốt hơn quan hệ giữa người sử dụng LĐ và NLĐ.
Đối thoại thẳng thắn, cởi mở
Từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh chủ trì cùng với các sở, ngành và Liên đoàn LĐ tỉnh tổ chức được 10 cuộc họp mặt tọa đàm và đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với người sử dụng LĐ, NLĐ và cán bộ công đoàn của các DN, với hơn 400 người sử dụng LĐ, 1.500 LĐ thuộc 1.000 DN tham dự, phát biểu hơn 400 ý kiến. Các thắc mắc xoay quanh vấn đề như: Tiền lương, thu nhập, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, giá cả sinh hoạt, tiền nhà trọ, tiền điện, nước, rác thải gây ô nhiễm môi trường, môi trường làm việc và quan hệ LĐ đã được các ngành chức năng giải đáp cụ thể. Riêng một số kiến nghị về nhà ở xã hội, an ninh trật tự, các công trình nhà trẻ, mẫu giáo, vui chơi giải trí... đã được lãnh đạo tỉnh ghi nhận và yêu cầu các ngành liên quan giải quyết. Thực tế, những vấn đề xoay quanh NLĐ với DN đang ngày càng nhiều bức xúc cần phải giải quyết. Trong đó, các bên đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng giải pháp cơ bản cần phải đẩy mạnh là hoàn chỉnh cơ chế đối thoại cởi mở, thẳng thắn giữa chủ DN và NLĐ. Hầu hết các vấn đề bất đồng giữa chủ DN và NLĐ đều có thể giải quyết tốt, nếu hai bên thực sự đối thoại tìm ra cách giải quyết hài hòa cho cả hai phía. Phải thành lập cho được một cơ chế đối thoại 3 bên gồm đại diện DN - đại diện Nhà nước - đại diện NLĐ.
VĂN SƠN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh HUỲNH VĂN NHỊ: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động
Một số giải pháp ngăn ngừa, hạn chế tranh chấp lao động cần được tích cực thực hiện. Đó là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật LĐ trong DN, đặc biệt là các địa bàn nóng và các DN nhạy cảm. Xây dựng thật cụ thể các tiêu chí về báo cáo tự kiểm tra để hướng dẫn DN thực hiện. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức công đoàn trong các DN. Củng cố, kiện toàn BCĐ giải quyết tranh chấp LĐ tập thể, đình công cấp tỉnh và huyện. Giao Sở Lao động - Thương binh & Xã hội làm việc cụ thể với các sở, ngành có liên quan để tham mưu UBND tỉnh kiện toàn BCĐ cấp tỉnh trong tháng 12-2010. Các thành viên BCĐ cần phối hợp đồng bộ; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ LĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ và chấp hành pháp luật LĐ trong các DN, nhằm khắc phục tình trạng tranh chấp LĐ, đình công trái pháp luật, góp phần ổn định môi trường đầu tư, bảo đảm cho phát triển kinh tế bền vững.