Xây dựng Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị

Cập nhật: 23-08-2023 | 14:59:23

(BDO) Ngày 12-4 vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP.Tân Uyên trực thuộc tỉnh Bình Dương. Đây là thành phố thứ 4 trực thuộc tỉnh. TP.Tân Uyên phấn đấu trước năm 2025 đạt đô thị loại II và phát triển theo hướng đô thị thông minh; trở thành trung tâm dịch vụ đô thị sau năm 2025.


Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức tại Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP.Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương

Huy động tối đa các nguồn lực

Những năm qua, TP.Tân Uyên tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị nhanh chóng. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày càng hoàn chỉnh, theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đồng bộ, liên kết tới các khu vực trong và ngoài tỉnh, bao gồm giao thông thủy, đường bộ, hệ thống bến cảng, nhà ga, kho bãi. Đặc biệt, các dự án đường kết nối vùng như đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua địa bàn Tân Uyên mở ra cơ hội tăng cường kết nối kinh tế, giao thương cho đô thị Tân Uyên.

Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của TP.Tân Uyên đạt khoảng 12,57%/năm. Hiện nay, TP.Tân Uyên có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp với 1.866 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký trên 32.560 tỷ đồng; 637 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký trên 5 tỷ 297 triệu đô la Mỹ. Cơ cấu kinh tế của thành phố: Công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng lần lượt là 64,17% - 34,6% - 1,23%. Những kết quả nói trên chính là nền tảng để đưa Tân Uyên từ thị xã trở thành thành phố; là động lực để TP.Tân Uyên hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II.



Đô thị TP.Tân Uyên nhìn từ trên cao

Từ nay đến năm 2025, TP.Tân Uyên tập trung khai thác lợi thế và tiềm năng mới, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật - xã hội theo hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị - nông nghiệp đô thị; đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, tạo nền tảng để Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị sau năm 2025. Không gian liên kết giữa đô thị Tân Uyên với các đô thị khác của Bình Dương cũng như TP.Hồ Chí Minh và TP.Biên Hòa (Đồng Nai) sẽ được kết nối thành một đại đô thị phía Nam của đất nước; là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và của vùng.

Phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II

Mặc dù tổng điểm các tiêu chí đô thị loại II của TP.Tân Uyên đạt 84,57 điểm/100 điểm, tuy vậy một số tiêu chí còn chưa đạt theo tiêu chuẩn đô thị loại II được quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị mới đạt 5,1%, trong khi yêu cầu đô thị loại II từ 15 - 22%; mật độ đường giao thông đô thị mới đạt 2,5km/km2, trong khi yêu cầu đô thị loại II từ 6 - 8 km/km2; công trình xanh chưa đạt theo yêu cầu đô thị loại II. Cùng với đó, công tác cắm mốc giới ngoài thực địa chưa được thực hiện, làm cho công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng xây dựng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép ảnh hưởng đến tiến độ, quy mô và chất lượng các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.



TP.Tân Uyên được đầu tư nhiều tuyến đường kết nối, phát triển các khu công nghiệp lớn 

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, cho biết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đang tiếp tục xây dựng, phát triển Tân Uyên gắn với các quy hoạch, định hướng phát triển đô thị đã được phê duyệt. Trong đó, thành phố ưu tiên hoàn thành các công trình kết nối vùng đi qua địa bàn, như các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… để tạo ra không gian phát triển mới cho đô thị.


Xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên được chọn xây dựng thí điểm làng thông minh của tỉnh Bình Dương

Ông Đoàn Hồng Tươi cho biết với đặc thù có nhiều người dân nhập cư nên TP.Tân Uyên sẽ chú trọng hơn nữa về hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục… để trở thành nơi ”đất lành chim đậu”, mọi người cùng được hưởng thành quả của sự phát triển. Đồng thời, thành phố cũng tiếp tục nỗ lực thực hiện bảo đảm hoàn thành Chương trình số 03-CTr/TU ngày 22-6-2020 của Thị ủy về xây dựng TX.Tân Uyên (nay là TP.Tân Uyên) đạt đô thị loại II trước năm 2025 và phát triển theo hướng đô thị thông minh.

Thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung rà soát những nhiệm vụ cần thiết để thực hiện đạt các tiêu chí đô thị loại II và tổ chức thực hiện một cách cụ thể, chi tiết; đồng thời báo cáo Thành ủy Tân Uyên, UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc để kịp thời có sự chỉ đạo thực hiện nhằm bảo đảm hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II theo kế hoạch.

PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3577
Quay lên trên