(BDO) Bình Dương đang đẩy nhanh tiến tình xây dựng thành phố thông minh. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng góp phần phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh.
Thúc đẩy, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh
Hiện nay, xây dựng thông minh và sử dụng vật liệu thông minh đã trở thành xu hướng phát triển và là chuẩn mực đánh giá chất lượng công trình tại các thành phố lớn trên thế giới. Triển vọng tăng trưởng ngành xây dựng chủ yếu tập trung tại thị trường các nước đang phát triển.
Tọa đàm “Công nghệ mới cho ngành xây dựng trong thời kỳ 4.0”
Với tốc độ tăng trưởng duy trì ổn định, Việt Nam được xem là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực xây dựng - bất động sản. Bình Dương là địa phương dẫn đầu trong khu vực đã có nhiều đóng góp tạo động lực phát tiển kinh tế - xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Trong đó, điển hình phải kể đến đề án Thành phố thông minh, là bước đi đột phá trong chiến lược phát triển của tỉnh Bình Dương.
Được hình thành và triển khai từ năm 2016, đến nay Thành phố thông minh Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng khi được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là Cộng đồng thông minh tiêu biểu nhất năm 2023 (Top 1 ICF). Thành tích trên đã cho thấy định hướng đúng đắn trong quy hoạch đô thị và xây dựng hạ tầng của Bình Dương, từng bước phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị của tỉnh theo hướng thông minh và bền vững.
Nhằm tiếp tục đáp ứng nhu cầu phát triển mô hình Thành phố thông minh trong tương lai, đồng thời góp phần thể hiện trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, Smart Build Vietnam 2023 lần đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế WTC Expo với mong muốn thiết lập một nền tảng kết nối các đơn vị trong lĩnh vực xây dựng - bất động sản, là dịp để doanh nghiệp và các chuyên gia cùng nhau nghiên cứu, thảo luận về những kiến thức chuyên ngành và cập nhật xu hướng xây dựng trong thời đại mới, chia sẻ thông tin thị trường và là cơ hội để giới thiệu các giải pháp công nghệ xây dựng hàng đầu, cũng như những sản phẩm vật liệu xây dựng tiên tiến, xanh - sạch - thân thiện với môi trường đến các nhà đầu tư tiềm năng.
Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm Xây dựng chuyên ngành thông minh Việt Nam 2023 - Smart Build Vietnam 2023, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nhấn mạnh đây là một sự kiện, cũng là cơ hội rất thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất... có định hướng để thúc đẩy, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Huỳnh Minh Tâm, Giám sát kinh doanh Công ty Gạch ngói Đồng Nai, cho biết Bình Dương là một thị trường mở đầy tiềm năng. Tham dự triển lãm, công ty mong muốn được quảng bá hình ảnh, sản phẩm công ty, giao lưu, hợp tác đầu tư.
Lãnh đạo Sở Xây dựng tham quan các gian hàng tại Triển lãm Xây dựng chuyên ngành thông minh Việt Nam 2023
Ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng
Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành xây dựng đến năm 2030 đã được Bộ Xây dựng ban hành vào tháng 1-2023 hướng tới các mục tiêu đủ năng lực thiết kế thi công các công trình xây dựng hiện đại phức tạp trong các lĩnh vực với mọi quy mô; làm chủ công nghệ và phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thành ngành kinh tế mạnh; đặt trình độ tiên tiến hiện đại đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước; hạn chế, tiến tới dừng các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gây ô nhiễm môi trường; ưu tiên phát triển vật liệu xanh vật liệu mới thân thiện với môi trường; từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy việc xây dựng các công trình xanh; tiết kiệm năng lượng. Chiến lược cũng chú trọng phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh; thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng chống thiên tai và dịch bệnh; có tính kết nối theo mạng lưới cao và gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng thông minh được trưng bày tại Triển lãm Xây dựng chuyên ngành thông minh Việt Nam 2023
Theo đó, chiến lược xác định mục tiêu phát triển ngành vật liệu xây dựng thành một ngành kinh tế mạnh, phấn đấu đến năm 2030 ngành vật liệu xây dựng đạt mức độ cao về công nghiệp hóa; đến năm 2050 đạt trình độ là ngành công nghiệp hiện đại, công nghiệp xanh, sử dụng tối đa công nghệ số, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới.
Tại buổi tọa đàm “Công nghệ mới cho ngành xây dựng trong thời kỳ 4.0” nằm trong chuỗi hoạt động của Triển lãm Xây dựng chuyên ngành thông minh Việt Nam 2023 - Smart Build Vietnam 2023, các diễn giả đã thảo luận về vấn đề sử dụng công nghệ mới như 3D trong xây dựng, BIM, GIS, sử dụng vật liệu xây dựng mới và thân thiện với môi trường…
PGS.TS Nguyễn Danh Thảo, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, cho biết để xây dựng thành phố thông minh trong lĩnh vực xây dựng, cần có bản đồ nền, ứng dụng những thiết bị, công nghệ trong xây dựng để quét, khảo sát, từ đó phục vụ quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý. Thành phố thông minh phải đi kèm tích hợp rất nhiều yếu tố, trong đó có hạ tầng thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, sản xuất thông minh, y tế thông minh…
Để xây dựng tích hợp thông minh, chúng ta phải hướng tới kết nối vạn vật, sử dụng internet thông minh điện toán đám mây, sử dụng dữ liệu Data, trí tuệ nhân tạo (AI)…
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG