Nhằm thu hút bạn đọc đến với thư viện, thực hiện có hiệu quả Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin tại Thư viện Bình Dương giai đoạn 2012-2014 và định hướng đến năm 2020”, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý thư viện, Thư viện tỉnh đã kết nối phần mềm điện tử với thư viện cấp huyện kịp thời đáp ứng nhu cầu đọc sách, tra cứu thông tin của nhân dân.
Triển lãm sách nhân dịp “Ngày hội đọc sách” tại Thư viện tỉnh thu hút đông đảo bạn đọc tham gia
Đọc sách bất cứ nơi đâu
Trong xu hướng phát triển của xã hội năng động, hiện đại, việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý mọi hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội, trong đó có hệ thống thư viện là bước đột phá để nhanh chóng, kịp thời đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc, nâng cao kiến thức cho người dân. Chị Vũ Thị Hải, chủ cửa hàng kinh doanh vải may mặc trên đường Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, dù rất bận rộn với công việc nhưng nhờ chiếc điện thoại thông minh chị đã tranh thủ đọc được những cuốn sách hướng dẫn về kinh doanh thành công, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, nấu ăn…
Cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh kết nối internet nhỏ gọn, truy cập vào địa chỉ website của Thư viện tỉnh Bình Dương để tra cứu nhóm sách cần đọc, chị Hải chia sẻ: “Công việc kinh doanh buôn bán rất bận rộn, tôi không có thời gian đến các điểm công cộng để đọc sách tìm hiểu thông tin mình cần, nhưng nhờ có công cụ kết nối internet, dù ngồi ở nhà hay đi bất cứ nơi đâu tôi đều có thể truy cập vào website để đọc sách online trên điện thoại cá nhân”.
Bắt nhịp với công nghệ 4.0, năm 2008, Bình Dương đã xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm hiệu quả Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin tại Thư viện Bình Dương giai đoạn 2012-2014 và định hướng đến năm 2020”. Từ năm 2010 đến nay, tất cả các thư viện cấp huyện, thị, thành phố đã liên thông dữ liệu sách với Thư viện tỉnh với hàng trăm ngàn bản sách giấy, tài liệu băng đĩa, sách điện tử và tài liệu số thông qua phần mềm PCS ZLIS phiên bản 7.0. Chia sẻ về các tiện ích của phần mềm này, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Bổ sung và Biên mục Thư viện tỉnh, cho biết: “PCS ZLIS 7.0 là bản quyền phần mềm do Công ty PCS cung cấp, có rất nhiều tính năng vượt trội, phục vụ tốt cho công tác quản lý của ngành thư viện trong cả nước. Phần mềm có thể tự động thống kê, phân loại số lượng nhóm sách bạn đọc đã mượn, trả, số lượng sách đang lưu trữ trong kho hoặc có thể tự động tra cứu được những đầu sách mà thư viện đã có, nhằm tránh trường hợp bổ sung lượng sách mới bị trùng với sách cũ”.
Ông Dũng cho biết thêm, cổng tra cứu thông tin Z39.50 trong hệ thống phần mềm cho phép thư viện các huyện, thị, thành phố được kết nối cơ sở dữ liệu với Thư viện tỉnh để có thể chia sẻ thông tin liên kết lẫn nhau trong công tác quản lý chuyên môn nghiệp vụ. Bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa vừa có thể truy cập website thư viện trên địa bàn huyện mình đồng thời tra cứu các đầu sách của Thư viện tỉnh. Đó là một lợi thế lớn, giúp tiết kiệm kinh phí đầu tư thêm bản quyền phần mềm cho hệ thống thư viện cấp huyện. Bên cạnh đó, toàn bộ cơ sở dữ liệu được kết nối với website Thư viện tỉnh giúp bạn đọc có thể truy cập, tra cứu đọc sách online bất cứ nơi đâu hoặc có thể mượn, trả sách, gia hạn mượn sách thông qua hệ thống mạng internet mà không cần mất thời gian đến thư viện. Trên website có thư mục “tra cứu tài liệu thư viện số hóa”, phần mềm chỉ cho phép bạn đọc có quyền đọc tài liệu online nhưng không tải về được hay sao chép văn bản tài liệu.
Mở rộng kết nối
Cùng cả tỉnh xây dựng Bình Dương trở thành thành phố thông minh, ngành thư viện tỉnh không ngừng đổi mới phương thức quản lý, mở rộng kết nối với các điểm đọc sách ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh; nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc không chỉ ở trung tâm của tỉnh mà còn cho cả nhân dân khu vực nông thôn thông qua phần mềm điện tử. Ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: “Hiện nay, thư viện điện tử hay còn gọi là thư viện số đang là xu thế phát triển hiện đại trong khu vực và thế giới. Mô hình thư viện điện tử tại Thư viện tỉnh qua hơn 10 năm xây dựng và triển khai thực hiện đã phát huy hiệu quả tích cực, đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu văn hóa đọc của nhân dân. Thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng thư viện ngày càng hiện đại. Đặc biệt, đơn vị sẽ tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và thông qua UBND tỉnh xây dựng đề án “Phát triển Hệ thống thư viện công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”.
Cũng theo ông Huệ, Thư viện tỉnh sẽ kết nối với thư viện các trường đại học, trường dạy nghề hoặc liên kết với thư viện ngoài tỉnh thông qua hệ thống phần mềm điện tử giúp bạn đọc tra cứu thêm được nhiều đầu sách để nghiên cứu, học tập. Sinh viên có thể mượn, trả sách online của bất kỳ hệ thống thư viện nào trong và ngoài tỉnh mà không cần phải đến thư viện. Để xây dựng mô hình thư viện theo hướng thông minh như dự kiến, trước hết cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng, màn hình cảm biến, internet công cộng nhằm giúp bạn đọc tự phục vụ mình thông qua phần mềm điện tử.
Điều đặc biệt nữa là thư viện thông minh sẽ có dàn máy tính bảng hiện đại, được cài đặt sẵn các phần mềm sách điện tử, tài liệu điện tử như: Nhóm sách khoa học kỹ thuật, công nghệ ô tô, nhóm sách giáo khoa, truyện tranh, truyện cổ tích… Bạn đọc có thể tự tìm sách mình cần thông qua màn hình cảm ứng công cộng. Mặt khác, thư viện thông minh cũng sẽ phối hợp với công ty công nghệ cung cấp dịch vụ vận chuyển, giao nhận sách tận nhà cho bạn đọc.
THU HƯỜNG