Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành bộ tiêu chí nhãn du lịch (DL) bền vững Bông sen xanh áp dụng đối với các cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) tại Việt Nam. Nội dung cơ bản là cấp nhãn hiệu cho các CSLTDL đã có những nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, góp phần bảo vệ các di sản, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và phát triển DL bền vững. Sự kiện này đưa chúng ta liên hệ đến tiến trình xây dựng thương hiệu du lịch (THDL) bền vững ở địa phương. Vì theo định hướng tương lai, ngành công nghiệp không khói này sẽ tạo nên nguồn lợi kinh tế rất lớn và hỗ trợ giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Giá trị kinh tế cao
Thực tế đang ngày càng chứng minh du lịch là một trong những hoạt động kinh tế quan trọng, không chỉ đem lại nguồn thu nhập lớn cho nền kinh tế, tạo nhiều việc làm, phát triển các ngành dịch vụ, cơ sở hạ tầng mà còn là phương tiện giao lưu văn hóa, tạo ra những giá trị vô hình nhưng bền chặt. Bản chất của việc xây dựng THDL là việc chuyển tải có chủ định một bản sắc riêng thành một hình ảnh trong tâm trí khách du lịch. Điều này giúp du khách nhận ra những đặc điểm nổi bật của sản phẩm du lịch điểm đến. Những con số khẳng định giá trị kinh tế mà ngành này mang lại tại Bình Dương là: năm 1997 chỉ có 179.541 lượt du khách, đến năm 2011 có khoảng 3,8 triệu lượt khách, tăng hơn 21 lần. Năm 1997, doanh thu đạt khoảng 57 tỷ đồng thì năm 2011 đạt 491,744 tỷ đồng.
KDL chùa núi Cậu sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách nếu có sự đa dạng loại hình dịch vụ...
Bình Dương có sự ưu đãi của điều kiện tự nhiên như khí hậu quanh năm hiền hòa, ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, môi trường đời sống rất phù hợp cho nhu cầu du lịch. Có cảnh quan đẹp như núi Châu Thới, núi Cậu. Lại có hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và hệ thống hồ nước lớn là hồ Dầu Tiếng, hồ Phước Hòa... thêm phần ưu đãi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái miệt vườn, thể thao cao cấp... Song song đó, Bình Dương có các làng nghề truyền thống mang lại nét văn hóa đặc trưng như nghề gốm, sơn mài, có những di tích lịch sử văn hóa và lịch sử cách mạng nổi tiếng như địa đạo Tam giác sắt, Nhà tù Phú Lợi, Chiến khu Đ... Gọi đây là thị trường DL lớn hẳn có lý do vì Bình Dương còn có lợi thế về vị trí lân cận các trung tâm kinh tế và đô thị trong vùng như TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều đó tạo thuận lợi để phát triển thành một trung tâm dịch vụ ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo ông Huỳnh Văn Nhị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: “Năm 2012 tỉnh đang chú trọng phát triển ngành dịch vụ, xem đây là kinh tế mũi nhọn sau phát triển công nghiệp”. Tuy nhiên, xét trên nhiều điều kiện để phát triển DL thì việc xây dựng THDL điểm đến cho Bình Dương vẫn còn nhiều khó khăn.
Loay hoay “sản phẩm DL đặc thù”
Nói riêng về khía cạnh thiết lập nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh, Bình Dương cũng gặp khó khăn với nhãn DL tự nguyện này. Có tới 398 khách sạn, nhà nghỉ với 8.414 phòng (công suất sử dụng phòng trung bình khoảng 55%) nhưng Bình Dương chỉ có duy nhất khu du lịch (KDL) resort Phương Nam (Vĩnh Phú, Thuận An) có thể đạt nhãn hiệu này.
Bình Dương có điều kiện để phát triển du lịch sinh thái nhằm thu hút du khách
Xét rộng ra, để xây dựng thương hiệu DL tỉnh thì hiện nay hệ thống các cơ sở kinh doanh DL của Bình Dương chưa đủ sức đáp ứng như các đơn vị kinh doanh lữ hành có quy mô hoạt động vừa và nhỏ, doanh thu thấp. Với loại hình DL sinh thái kết hợp dịch vụ ẩm thực, bơi lội thì phát triển chủ yếu theo mô hình các điểm DL nhỏ, chủ yếu khai thác DL giải trí cuối tuần... Sản phẩm DL sinh thái miệt vườn, từng được xem là đặc thù của tỉnh, có nguy cơ tự đánh mất thương hiệu do cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng sản phẩm, hàng hóa thấp, còn nói thách, thiếu văn minh trong thương mại... Đối với các sản phẩm DL vui chơi giải trí thì tập trung vào các khu công viên theo mô hình công viên chuyên đề. Trong đó KDL Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến được đánh giá là một khu công viên chuyên đề lớn nhất Việt Nam. KDL này hàng năm thu hút một lượng lớn du khách tới Bình Dương. Trong 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Bình Dương đạt khoảng 2.052.200 lượt (khách quốc tế: 29.088 lượt, khách nội địa: 2.023.112 lượt). Trong đó, chỉ tính riêng khách du lịch KDL Đại Nam đã có 1.243.279 lượt, chiếm 60% tổng lượt khách và chiếm 41,3% tổng doanh thu DL toàn tỉnh. Tuy nhiên, KDL này vẫn là điểm đến xa xỉ với đối tượng chiếm số đông, có nhu cầu giải trí lớn là công nhân lao động.
Trong công tác triển khai thực hiện quy hoạch phát triển DL thì Phòng Nghiệp vụ DL (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh) đã làm việc với khoa Thương mại - DL - Marketing trường Đại học Kinh tế TP.HCM về việc mời xây dựng đề án “Phát triển các sản phẩm DL đặc thù Bình Dương” và Hiệp hội DL TP.HCM về phối hợp xây dựng đề án “Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến DL Bình Dương đến năm 2015”. Tuy nhiên, theo báo cáo thì “tiến độ triển khai xây dựng 2 đề án này còn chậm do nhiều nguyên nhân như chưa tìm được đơn vị tư vấn phù hợp, chưa thống nhất được đề cương và kinh phí thực hiện...”.
Xây dựng THDL cho một địa phương là việc làm không phải chỉ đơn giản trong ngày một, ngày hai. Trong quá trình DL, du khách sẽ tiêu dùng các sản phẩm DL đa dạng ở nơi đó. Không chỉ thỏa mãn những nhu cầu sinh học, du khách còn mong muốn được thỏa mãn các nhu cầu văn hóa ngày càng cao. Do vậy, các sản phẩm DL đòi hỏi phải đạt được nhiều tiêu chí hết sức cơ bản. Hoạt động DL luôn đem đến cho du khách những sản phẩm chứa đựng các giá trị nhân văn đặc sắc mang sắc thái bản địa, đó chính là yếu tố mang lại tính hiệu quả cao nhất trong việc xây dựng THDL Bình Dương.
Quy hoạch phát triển đã có, tiềm năng du lịch địa phương cũng đã được xác định. Vấn đề còn lại chính là nỗ lực của ngành quản lý, theo đó là sự chung sức, đồng lòng của các doanh nghiệp du lịch thì chắc chắn thương hiệu Du lịch Bình Dương sẽ được khẳng định.
Cần xã hội hóa đầu tư DL
Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngành DL tỉnh đến năm 2020 khoảng 11.700 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 5.400 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 là 6.300 tỷ đồng. Tổng nhu cầu vốn cho các dự án ưu tiên đến năm 2020 là 8.300 tỷ đồng. Trong khi đó, để xây dựng nên một thương hiệu Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến thì kinh phí ước khoảng 3.000 tỷ đồng. Ông Võ Văn Nở, Trưởng phòng Nghiệp vụ DL đã đưa ra quan điểm đồng tình với việc xã hội hóa các nhà đầu tư trong hoạt động DL để gắn trách nhiệm của nhiều người vào công việc chung này.
L.THANH