Liên tục nhiều năm qua, TP.Thủ Dầu Một đã tập trung triển khai nhiệm vụ đầu tư xây dựng và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đô thị Thủ Dầu Một giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, là trung tâm liên kết vùng, tạo động lực cho các đô thị vệ tinh phát triển, đóng góp rất quan trọng vào tiến trình xây dựng thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo của tỉnh nhà.
Hạ tầng TP.Thủ Dầu Một được đầu tư, phát triển xứng tầm trung chính trị, văn hóa, kinh tế của Bình Dương. Trong ảnh: Đại lộ Bình Dương đoạn qua TP.Thủ Dầu Một
Đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị
Giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách tỉnh cho 61 dự án của TP.Thủ Dầu Một với tổng vốn đầu tư 3.048 tỷ đồng, ngân sách cấp thành phố 106 công trình với tổng vốn đầu tư 2.318 tỷ đồng. Đến nay thành phố đã có 29 tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó một số dự án giao thông quan trọng như đường Trần Ngọc Lên, Lê Chí Dân, đường vào phường Tân An, ĐX01 - Phú Mỹ, giao lộ ngã tư cây Me, giao lộ Sở Sao, đường Trần Văn Ơn, Nguyễn Văn Lộng, Lê Văn Tách… Một số công trình trọng điểm trên địa bàn đã và đang hoàn thành để đưa vào sử dụng như Nhà tang lễ thành phố, Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường, đây chính là những tiền đề quan trọng để tạo động lực trong việc xây dựng và phát triển đô thị của thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai thực hiện đường Bạch Đằng (nối dài), hệ thống thoát nước Bưng Biệp - Suối Cát, Suối Giữa. Đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng hầm chui tại nút giao ngã tư Chợ Đình với quy mô 2 làn xe và hầm chui tại nút giao ngã năm Phước Kiến với quy mô 4 làn xe… Song song đó, hệ thống hạ tầng xã hội của thành phố được chú trọng đầu tư, xây dựng mới 18 trường công lập, 1 hội trường và 1 nhà tập đa năng, cải tạo sửa chữa 43 trường. Công tác xã hội hóa giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, đã góp phần nâng cao chất lượng ở các bậc học.
Đối chiếu với 59 chỉ tiêu được quy định để phân loại đô thị loại I, Thủ Dầu Một có 37 chỉ tiêu vượt mức tối đa so với yêu cầu (chiếm 63%) với số điểm đạt được là 91,2/100 điểm, trong đó có nhiều chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Tổng chi ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2016-2020 của thành phố là 5.272 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư do thành phố quản lý là 2.316 tỷ đồng. |
Cùng với đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội, việc phát triển các khu đô thị mới cũng được quan tâm thực hiện. Thành phố đã tiến hành các bước lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu chức năng 1/2.000, quy hoạch chi tiết 1/500 để kêu gọi đầu tư các khu đô thị, các trung tâm thương mại, dịch vụ. Một số khu vực rất giàu tiềm năng phát triển như giao lộ đại lộ Bình Dương - đường Phạm Ngọc Thạch; khu Thành ủy - UBND thành phố cũ. Các khu vực như 300 ha ở phường Tân An, 13,5 ha phường Chánh Nghĩa đã có các nhà đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận cho nghiên cứu đề xuất dự án.
Thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi các nhà đầu tư phát triển nhà ở, nhiều khu dân cư thương mại, chung cư cao tầng đã và đang được triển khai với quy mô và chất lượng hơn so với giai đoạn trước, góp phần nâng tỷ lệ diện tích sàn ở bình quân từ 20,4m2/người (năm 2016) lên 29,89m2/người (tiêu chí đô thị loại I từ 26,5 - 29m2/người). Ngoài ra, các dự án nhà ở cao cấp, khu đô thị mới trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương được đầu tư đã tạo diện mạo mới, phát triển tích cực cho thành phố. Cuối năm 2017, TP.Thủ Dầu Một đã được công nhận là đô thị loại I, trở thành 1 trong 18 đô thị loại I của cả nước.
Bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Giai đoạn vừa qua, TP.Thủ Dầu Một luôn quan tâm chỉ đạo, tập trung nguồn lực vào các công trình trọng điểm về phát triển hệ thống giao thông, tạo sự lan tỏa kết nối để phát triển đô thị khu vực phía tây và tây bắc của thành phố, cũng như kết nối khu vực đô thị hiện hữu với khu vực đô thị mới (thành phố mới Bình Dương). TP.Thủ Dầu Một được công nhận là đô thị loại I phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển của thành phố - đô thị trung tâm của tỉnh Bình Dương, đồng thời đã tạo điều kiện và cơ hội cho Thủ Dầu Một phát triển nhanh và toàn diện hơn”.
Vươn tới thành phố thông minh
Thủ Dầu Một là 1 trong 5 đô thị nằm trong Vùng thông minh Bình Dương. Giai đoạn 2016- 2020, thành phố đã xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng dựng công nghệ thông tin và xây dựng thành phố thông minh nhằm triển khai bước đầu Đề án thành phố thông minh Bình Dương.
Trong giai đoạn 2021- 2025, quan điểm phát triển của TP.Thủ Dầu Một vẫn tập trung theo hướng văn minh - hiện đại, trong đó chú trọng đầu tư phát triển hệ thống công trình hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm theo quy hoạch. Từng bước phát triển “Đô thị xanh - đô thị thông minh” theo hướng nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo cảnh quan đô thị khang trang sạch đẹp, lấy người dân và doanh nghiệp là chủ thể trong quá trình phát triển. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho các dự án, công trình mang tính đột phá, tạo điểm nhấn về đô thị, tăng tính kết nối và sự hài hòa trong phát triển giữa đô thị hiện hữu và đô thị mới đang xây dựng.
TP.Thủ Dầu Một đề ra mục tiêu đến cuối năm 2025, đầu năm 2026, phải có sự thay đổi mạnh mẽ về diện mạo đô thị, xứng tầm là thành phố loại I trực thuộc tỉnh Bình Dương, không còn tuyến đường - khu phố chưa đạt chuẩn đô thị. Một số công trình đã khởi công hoặc có dự án đầu tư được đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành đưa vào khai thác. Việc quản lý, giám sát, điều hành đô thị mang tính tập trung, đồng bộ và toàn diện. Nâng cao mức sống và nhu cầu vui chơi giải trí, hưởng thụ của người dân trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thu Cúc cho biết thêm: “TP.Thủ Dầu Một đã xây dựng chương trình hành động, mục tiêu nhiệm vụ cụ thể của những thành tố cơ bản, góp phần nền tảng xây dựng thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo cho giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và tiếp theo. Thời gian tới, thành phố tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, triển khai các phần mềm ứng dụng trong các lĩnh vực hành chính công, quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực y tế, an ninh trật tự và an toàn giao thông đồng bộ với định hướng phát triển thành phố thông minh Bình Dương và thực tế địa phương”.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: “TP.Thủ Dầu Một cần tập trung đầu tư các công trình trọng điểm mang tính đột phá, tạo điểm nhấn, thay đổi diện mạo đô thị. Đầu tư hạ tầng đồng bộ mang tính liên kết vùng trên cơ sở cải tạo đô thị hiện hữu, phát triển và khai thác hiệu quả các nguồn đất công thành nơi vui chơi, giải trí của người dân. Đồng thời đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, phần mềm ứng dụng trong các lĩnh vực đồng bộ với định hướng phát triển Thành phố thông minh Bình Dương”. Ông Nguyễn Văn Đông, Bí thư Thành ủy TP.Thủ Dầu Một: “Trong giai đoạn 2016- 2020, TP.Thủ Dầu Một tập trung vào 2 nhiệm vụ cơ bản là đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và chỉnh trang đô thị với những kết quả tích cực. Trong giai đoạn tiếp theo, dự thảo nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 17 được TP.Thủ Dầu Một xây dựng dự kiến có 3 nhóm nhiệm vụ cơ bản về phát triển đô thị, xây dựng đô thị thông minh và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”. |
PHƯƠNG LÊ - HÀ KHÁNH