(BDO) Trường Đại học Thủ Dầu Một vừa tổ chức hội thảo với chủ đề “Điều chỉnh chiến lược phát triển trường Đại học Thủ Dầu Một đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội thảo đã thu hút nhiều tham luận, ý kiến đóng góp giá trị của các chuyên gia, nhà khoa học vào việc điều chỉnh định hướng chiến lược phát triển trường, tạo sự đồng thuận trong việc triển khai các hoạt động khoa học giáo dục.
Tham dự và đóng góp ý kiến cho hội thảo, về phía chuyên gia, nhà quản lý có Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương; Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương; Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Văn Hưởng, Giám đốc CTCP Bệnh viện Đa khoa Nam Anh; Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần U&I; ông Lai Xuân Thành, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Dương.
Về phía trường Đại học Thủ Dầu Một có Tiến sĩ Đoàn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hội đồng trường cùng các thành viên Hội đồng trường; Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp, Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc trường.
Nhiều tham luận, ý kiến đóng góp giá trị vào việc điều chỉnh định hướng chiến lược phát triển trường Đại học Thủ Dầu Một
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Xuân nhấn mạnh giá trị quan trọng của hội thảo trong tự định vị, đánh giá nội lực sau 5 năm thực hiện chiến lược, từ đó có những trao đổi, thảo luận về điều chỉnh và thực hiện chiến lược trong giai đoạn tới.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Xuân đề nghị các đại biểu tham gia tận tâm, trách nhiệm, nhiệt huyết trong việc trả lời, đánh giá khách quan về tình trạng phát triển của nhà trường trước xu thế giáo dục thế giới, trong nước; làm rõ hơn nội dung của chiến lược tổng thể, chiến lược cụ thể trong từng lĩnh vực hoạt động. Qua đó, đóng góp ý kiến xác đáng góp phần xây dựng, điều chỉnh định hướng chiến lược phát triển của nhà trường, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản trị, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ nhà trường trong tình hình mới.
Định hướng sửa đổi chiến lược, mô hình hoạt động đáp ứng yêu cầu tự chủ
Tại hội thảo, Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp đã báo cáo đánh giá tình hình, kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển và định hướng sửa đổi bổ sung Chiến lược phát triển trường Đại học Thủ Dầu Một.
Theo đó, nhà trường đang thực hiện mục tiêu xây dựng trường Đại học Thủ Dầu Một đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành đại học thông minh, đại học hạnh phúc là mục tiêu chiến lược mà nhà trường hướng đến. Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp thông tin về kết quả, thực trạng hoạt động của nhà trường trên hành trình 15 năm thực hiện sứ mệnh đào tạo bậc đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Kế thừa những dấu ấn khoa học - giáo dục, Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp nêu rõ các điều kiện, tiêu chí, lộ trình và cách thức thực hiện để nhà trường trở thành đại học thông minh - hạnh phúc.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương đóng góp ý kiến tại hội thảo
Khẳng định việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược phát triển là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển bền vững của nhà trường, các tham luận đã phân tích, đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của nhà trường, của các đơn vị. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp phát triển mang tính chiến lược trong điều kiện tự chủ xoay quanh các chủ đề, như: Mô hình trường đại học trong đại học; nhu cầu tự chủ trong tổ chức và hoạt động của Viện Kỹ thuật công nghệ - Chiến lược phát triển lĩnh vực kinh tế - tài chính đáp ứng yêu cầu tự chủ; định hướng phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và hợp tác quốc tế; quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật theo hướng thông minh, hiện đại đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và tự chủ; đánh giá tính khả thi và triển vọng đào tạo lĩnh vực sức khỏe tại trường Đại học Thủ Dầu Một,…
Cùng với ý kiến tham luận, các đại biểu, nhà quản lý đã đóng góp ý kiến về các chỉ số của các nhóm chiến lược, mô hình hoạt động. Theo đó, các chỉ số liên quan đến KHCN và đổi mới sáng tạo cần được điều chỉnh để thể hiện rõ định hướng phát triển của trường.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Long cho biết chỉ số KHCN và đổi mới sáng tạo của nhà trường cần gắn liền với chính sách KHCN của tỉnh, vùng đổi mới sáng tạo Đông Nam bộ; sử dụng tiềm lực KHCN đóng góp trực tiếp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng “3 nhà”: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp…
Định hướng chiến lược trong việc đào tạo sinh viên ngành sư phạm dạy song ngữ; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên các cấp trong tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để đáp ứng sự phát triển đội ngũ… là những đề xuất của Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Hằng.
Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động các đơn vị theo chiến lược cụ thể
Các đại biểu tham dự hội thảo đã nhận diện, phân tích và đánh giá toàn diện các mặt hoạt động của trường Đại học Thủ Dầu Một; đồng thời gợi mở và đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng các đơn vị có năng lực tự chủ về hoạt động và thúc đẩy uy tín giáo dục của nhà trường.
Cùng với đó, các đại biểu gợi mở và đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng các đơn vị có năng lực tự chủ về hoạt động, thúc đẩy uy tín giáo dục của nhà trường, cũng như tạo nguồn thu từ các hoạt động để duy trì sự phát triển bền vững, như: Giải pháp phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo khối không chuyên; đề xuất phát triển mô hình dịch vụ trang trại giáo dục và cơ sở thực hành thực tập cho học sinh, sinh viên tại cơ sở Bến Cát; giải pháp bảo đảm chất lượng hệ thống theo các giai đoạn dài hạn, trung hạn và hàng năm; các giải pháp bảo đảm về chiến lược, quản trị nhân sự, quản trị tài chính và cơ sở vật chất; giải pháp thúc đẩy vai trò hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động…
Phát biểu kết luận hội thảo, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Xuân đã cảm ơn các đại biểu tham dự và có những ý kiến đóng góp tâm huyết dành cho nhà trường. Ông cho biết Ban soạn thảo chiến lược tiếp thu những ý kiến quý báu này để bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện chiến lược phát triển trường trong giai đoạn tới.
NGA NGUYỄN - HỒNG THÁI