Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực: Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Cập nhật: 04-04-2013 | 00:00:00

Cùng với các cuộc vận động “Hai không”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) phát động đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở Bình Dương.

Nhiều hiệu quả tích cực

Sau hai ngày làm việc với Sở GD-ĐT tỉnh và đi kiểm tra tại các trường THPT, THCS, tiểu học và mầm non tại Bình Dương, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã đánh giá rất cao về tình hình thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của tỉnh.  

Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT sinh hoạt chung với học sinh trường THPT chuyên Hùng Vương

Ông Trần Đình Châu, Trưởng bộ phận chuyên trách phong trào của Bộ GD-ĐT nhận định: Rõ ràng, cùng với các cuộc vận động “Hai không”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua này đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Thế nhưng, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí của chính quyền và ngành giáo dục, các trường cần “linh động” tạo môi trường sư phạm tốt và bản thân mỗi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, tự học tập, rèn luyện, trang bị kiến thức, vốn sống để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục học sinh một cách toàn diện.

Có thể nói, sau 5 năm thực hiện, phong trào này đã tạo diện mạo ở các trường trong tỉnh đã thay đổi rõ nét. Về cơ sở vật chất, nhiều trường lớp được xây mới và tu sửa khang trang, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Điển hình như trường Mầm non Hoa Cúc 1, TX.Thuận An là một trong những trường mầm non xanh, sạch, đẹp nhất. Trong khuôn viên trường có nhiều cây xanh và các cụm hoa rực rỡ. Theo cô Võ Thị Hoàng An, Phó Hiệu trưởng nhà trường: “Ngoài giờ học trên lớp, các cháu còn có giờ hoạt động ngoài trời nên việc trang trí, tô điểm cho khuôn viên trường rất quan trọng, giúp các bé vừa chơi, vừa học để phát triển toàn diện”. Từ mô hình này đã nhân rộng đến 462 trường phổ thông và mầm non thực hiện.

Giáo dục học sinh một cách toàn diện

Với sáng kiến Áp dụng phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” và chương trình rèn luyện “Kỹ năng sống” vào công tác chủ nhiệm, giáo viên Nguyễn Thanh Châu, trường THCS Lai Hưng, huyện Bến Cát cho biết: Các em học sinh phải được quan tâm chỉ dẫn động viên để trở thành những học sinh ngoan ngoãn, lễ phép và hơn thế nữa, các em phải biết cách sống năng động, tự tin vững vàng trước những cám dỗ của các thói hư tật xấu. Vai trò của giáo viên chủ nhiệm góp phần rất quan trọng để giúp học sinh hình thành các đức tính, phẩm chất ấy”. Còn giáo viên Nguyễn Thị Ngọc, trường THCS Võ Trường Toản, TX.Dĩ An thì cho rằng: Xây dựng được một “Lớp học thân thiện, học sinh tích cực” không chỉ tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, mà còn giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống tốt hơn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số trường học ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất còn yếu kém; một số trường lại tập trung gần các trục lộ giao thông chính thường gây ùn tắc giao thông, dễ gây tai nạn; một số trường học chưa chú trọng nhiều đến giáo dục đạo đức học sinh, hoàn thiện nhân cách cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa…

Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Chiều hướng phát triển của ngành GD-ĐT Bình Dương đang có những chuyển biến theo hướng tích cực. Chất lượng không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, không riêng gì ngành GD-ĐT Bình Dương mà cả nước nói chung, đang gặp những vấn đề nan giải. Tình trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận học sinh, bạo lực học đường, một số học sinh lười biếng, ham chơi, có lối học thụ động, chưa quen với hình thức hoạt động nhóm, chưa biết cách áp dụng các phương pháp học tập tích cực…

Để tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào này, trong thời gian tới, bên cạnh sự đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí của chính quyền và ngành giáo dục, các trường cần “linh động” tạo môi trường sư phạm tốt và bản thân mỗi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, tự học tập, rèn luyện, trang bị kiến thức, vốn sống để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục học sinh một cách toàn diện

N.THANH - A.SÁNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X