Xây dựng văn hóa doanh nhân Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ năm, ngày 13/10/2022
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Kỷ niệm sự kiện Bác Hồ gửi thư cho giới doanh nhân, ngày 20-9-2004 Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, theo đó hàng năm lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.

Doanh nhân là tầng lớp ra đời, phát triển cùng với thị trường và đã phát triển từ lâu trong lịch sử. Xã hội ngày càng phát triển, dân trí càng cao, hội nhập quốc tế sâu rộng thì yếu tố văn hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), văn hóa doanh nhân (VHDN) đã được hình thành và phát triển ngày càng rõ nét.

 Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Bình Dương ngày càng lớn mạnh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Kim Sang (TX.Tân Uyên, Bình Dương). Ảnh minh họa.  Ảnh: Tiểu My

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa doanh nhân

Từ năm 1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã định nghĩa một cách khoa học về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như vì mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học - nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Về sau, trong nhiều tác phẩm, Bác đã chỉ rõ văn hóa không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Bác rất quan tâm tới vai trò và văn hóa của giới doanh nhân. Ngày 13-10-1945, trong thư gửi cho giới công thương Việt Nam Người viết: “Hiện nay, công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”.

Như vậy, theo Bác, văn hóa bao hàm cả các yếu tố vật chất và tinh thần; văn hóa có vai trò to lớn trong mọi hoạt động của xã hội, nhất là hoạt động kinh tế. Khi con người hoạt động kinh tế thì cũng đồng thời sáng tạo ra văn hóa. Vậy nên, trước hết doanh nhân phải có văn hóa.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về VHDN, Đảng ta luôn chú trọng vấn đề này trong những nhiệm kỳ gần đây. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đã nêu: “Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế... Xây dựng văn hóa doanh nghiệp (DN), VHDN với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc”. Nghị quyết Đại hội XII làm rõ thêm: “Xây dựng văn hóa DN, VHDN với ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã nhấn mạnh sự cần thiết của nhiệm vụ “xây dựng văn hóa DN, doanh nhân và kinh doanh”. Theo đó, cần phải tiếp tục đưa văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động kinh tế, SXKD; hoạt động SXKD của DN, doanh nhân không được đối nghịch với các giá trị chân - thiện - mỹ của văn hóa dân tộc.

Văn hóa doanh nhân Việt Nam hiện nay

Qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đa số họ luôn tham gia tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một lực lượng quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tính đến hết năm 2020, nước ta có khoảng 810.000 DN đang hoạt động, trên thị trường chứng khoán có 13 DN tư nhân có vốn hóa hơn 1 tỷ đô la Mỹ. Tốc độ tăng trưởng các DN quy mô vừa và lớn trong 5 năm (2015-2020) đạt khoảng 4 - 5%, các DN này đang tạo nhiều việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách. Hiện nay, doanh nhân Việt Nam đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, đầu tư mạnh vào các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao; đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào khởi nghiệp. Đặc biệt, trong phòng, chống đại dịch Covid-19, họ đã đóng góp hàng ngàn tỷ đồng, cùng với Đảng, Nhà nước chống dịch thành công.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Takako (Bình Dương). Ảnh minh họa. Ảnh: Tiểu My

Song hiện nay, cũng còn nhiều doanh nhân Việt chưa làm ăn chân chính, thậm chí còn cố tình buôn gian bán lận, cơ hội, trục lợi bất chính trên nỗi đau của đồng bào mình. Điển hình nhất là các vụ án nổi cộm: Các vụ nâng khống, lũng đoạn giá đất, trái phiếu để trục lợi hàng ngàn tỷ đồng, gây nhiễu loạn, phá giá thị trường của các “đại gia” Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng… vụ gian lận về kít test, vật tư xét nghiệm Covid của Phan Quốc Việt, với doanh số lên tới gần 4.000 tỷ đồng và nhiều vụ kinh doanh gian lận khác.

Những đặc trưng cơ bản của văn hóa doanh nhân mà chúng ta cần xây dựng

Thứ nhất, có khát vọng làm giàu gắn với đạo đức trong kinh doanh. Khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân bao gồm những yếu tố thể chất, nhân cách riêng có, phù hợp với hoạt động SXKD, như: Không cam chịu đói nghèo, khao khát làm giàu, đam mê kinh doanh, có sức bền, có đầu óc tính toán, dám phiêu lưu, mạo hiểm, chấp nhận rủi ro. Nếu không khao khát làm giàu mãnh liệt, họ sẽ không thể dấn thân, đương đầu với mọi thử thách, có ý chí vươn lên khẳng định vị thế của thương hiệu, hàng hóa Việt Nam.

Song, cốt lõi của VHDN chính là đạo đức. Vì nếu không có nền tảng đạo đức tốt, khát vọng làm giàu dễ dàng biến thành những dục vọng thấp hèn nhằm chiếm đoạt bằng mọi giá những thứ mình muốn. Ngoài đạo đức của công dân, doanh nhân cần phải có đạo đức kinh doanh. Làm giàu cho mình phải gắn kết với người lao động, đất nước và xã hội. Cạnh tranh lành mạnh, tránh dùng thủ đoạn, không làm hại đến sức khỏe, lợi ích của đối thủ, của người tiêu dùng. Kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện buôn lậu, trốn thuế, làm hàng giả, thực phẩm bẩn…

Thứ hai, có cốt cách doanh nhân và tác phong kinh doanh hiện đại. Cốt cách doanh nhân là tổng hợp những năng lực, phẩm chất riêng của cá nhân, được thể hiện trong nhận thức, hành vi ứng xử, lối sống, luôn có cá tính, có khí phách, quyết đoán trong điều hành SXKD. Được bộc lộ không chỉ trong lãnh đạo, quản lý DN, thái độ với nhân viên, đối tác, khách hàng, mà cả trong cuộc sống thường ngày, trong gia đình và xã hội.

Kinh doanh là một nghề đòi hỏi về nghệ thuật rất cao. Nó giúp doanh nhân tạo dựng được hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp, tạo ra niềm tin, uy tín, ảnh hưởng trong công việc và xã hội. Tác phong kinh doanh hiện đại: Nhanh, nhạy trong nắm bắt cơ hội và thị trường; quyết đoán khi ra mệnh lệnh; lịch lãm, linh hoạt, khéo léo trong giao tiếp; có ý chí kiên cường, tinh thần bền bỉ, sự tập trung cao độ và có sức chịu đựng tốt trước các áp lực kinh doanh. Dám đương đầu với những khó khăn, rủi ro, thậm chí là thất bại, biết cách làm lại từ đầu để hướng tới những thành công mới. 

Thứ ba, có kiến thức và năng lực kinh doanh. Thể hiện ở những hiểu biết sâu, rộng về ngành nghề kinh doanh, biết hoạch định chiến lược, kiến thức về tổ chức, điều hành DN của mình; các kiến thức về thị trường, về hạch toán kinh tế, về tâm lý người lao động và khách hàng; kiến thức về truyền thông, giao tiếp với các đối tác.

Phải không ngừng học hỏi, cọ xát trong thực tiễn, phấn đấu tự hoàn thiện kiến thức cho mình. Biết hoạch định chiến lược phát triển, các giá trị cốt lõi và các kế hoạch cụ thể để thực thi chiến lược; có kỹ năng quản trị và điều hành SXKD. Bảo đảm đứng vững trong cơ chế kinh tế thị trường, tăng cường vị thế và cạnh tranh với các DN nước ngoài. Nắm vững các kiến thức về luật pháp trong nước và quốc tế, không ngừng đổi mới, chủ động chuyển đổi số trong nội bộ DN.

Thứ tư, có tinh thần dân tộc và ý thức phục vụ cộng đồng. Doanh nhân nào cũng mang dòng máu của dân tộc mình, dù ở đâu họ cũng không thể quên và luôn hướng về nguồn cội. Trong khi tiếp thu các giá trị văn minh, tiến bộ của nhân loại, rất cần phải biết đề cao và kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình thì mới không đánh mất bản sắc. Khi thành đạt, luôn đề cao và coi việc phụng sự dân tộc, Tổ quốc như một nghĩa vụ hàng đầu; tìm cách để đề cao và lan tỏa rộng rãi các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam ra khắp thế giới.

Càng hội nhập quốc tế, yêu cầu về trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc, giữ gìn hình ảnh DN càng bức thiết hơn. Ý thức phục vụ cộng đồng thể hiện: Chấp hành nghiêm việc đóng thuế đúng và đủ cho Nhà nước; có trách nhiệm với xã hội, tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo, phát triển cộng đồng; bảo vệ, tôn tạo môi trường sinh thái… Đặc biệt, phải tuân thủ luật pháp quốc tế, coi trọng chữ tín trong kinh doanh, góp phần gìn giữ sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng nói chung. 

Chúng ta đang phấn đấu để trở thành một nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định. Muốn vậy, điều cốt yếu trong phát triển đội ngũ doanh nhân chính là xây dựng được và vận hành tốt những nội dung cốt lõi của VHDN Việt Nam nói trên. Từ đó sẽ góp phần tăng cường sức mạnh, giúp doanh nhân Việt Nam hội nhập thành công, vươn xa trên thương trường quốc tế.

BÙI TRUNG HƯNG