Xây dựng văn hóa giao thông để giảm thiểu TNGT một cách bền vững

Cập nhật: 15-06-2010 | 00:00:00

Mặc dù Chính phủ và các địa phương đã thực hiện một số biện pháp cấp bách để kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT), nhưng trong năm qua, cả nước đã xảy ra gần 12.500 vụ TNGT, làm chết hơn 11.500 người, bị thương gần 8.500 người. Tuy số vụ TNGT có giảm, nhưng số người chết vẫn còn cao. Nguyên nhân TNGT có đến trên 85% do lỗi của người tham gia giao thông như: điều khiển xe chạy tốc độ quá nhanh, chạy lấn tuyến, vượt trái trước đầu xe ô tô, vượt đèn đỏ... Tựu trung lại đều do người tham gia giao thông thiếu văn hóa giao thông (VHGT) nên gây bao hậu quả nghiêm trọng, làm khổ cho chính mình, cho người thân và cho nhiều người khác. Do đó vấn đề xây dựng VHGT, nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông cần được quan tâm thực hiện từ trong mỗi gia đình, đến trường học và các tổ chức đoàn thể xã hội nhằm tiến đến giảm thiểu TNGT một cách bền vững.

VHGT, trước tiên, đó là phải hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông; Hai là, phải có tính cộng đồng khi tham gia giao thông. Khi lưu thông trên đường phải biết không chỉ vì lợi của bản thân mình mà còn phải bảo đảm an toàn cho những người khác. Gặp trường hợp người bị nạn cần giúp đỡ, chia sẻ kịp thời; Ba là, cư xử có văn hóa khi lưu thông trên đường như tham gia giao thông từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quẹt.

Ngày nay TNGT đang là vấn nạn xã hội mang tính toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai thực hiện xây dựng VHGT để góp phần giảm thiểu TNGT ở mức thấp nhất. Tại Mỹ, Hiệp hội Giao thông Mỹ (AAA) là một tổ chức phi lợi nhuận, đóng vai trò hỗ trợ việc nghiên cứu và triển khai các hoạt động để nâng cao nhận thức về an toàn giao thông và VHGT. Tháng 10-2005, AAA đã phát động “Văn hóa an toàn giao thông” nhằm giáo dục để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông trong cộng đồng. Tại Thái Lan, các tổ chức phi chính phủ cũng tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động xây dựng VHGT, phát động các chiến dịch tuyên truyền đại chúng, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông về hành vi “say - không - lái xe”.

Ở nước ta, phần lớn người tham gia giao thông chưa tự giác tuân thủ luật lệ giao thông, thực tế cho thấy, dù giờ tan tầm, đường rất đông, nhưng nếu có một CSGT huýt còi, chỉ đường thì... răm rắp, đâu ra đấy, mọi người cứ lần lượt nối đuôi nhau một cách trật tự. Nhưng nếu thiếu “bóng áo vàng” thì cảnh chen lấn, giành đường sai luật, vượt trước mũi xe... đủ các kiểu và rồi gây ách tắc giao thông.

Ngành giao thông muốn khắc phục cũng đành chịu vì diện tích đường chỉ có thế. Ngành công an ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông, nhưng cũng chỉ từng đợt vì “quân số có hạn”. Chính phủ vừa mới ban hành Nghị định 34/2010/CP nhằm tăng nặng mức xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ, nhưng tổ chức thực thi cũng chưa đồng bộ và đều khắp. Chung quy lại, cuối cùng chỉ có ý thức VHGT của người tham gia giao thông được đề cao mới là yếu tố bền vững trong kiềm chế TNGT.

Khi VHGT của mỗi người được nâng lên, những hành vi sai trái, quậy phá trên đường sẽ trở thành lố bịch, bị cộng đồng lên án. Từ đó, VHGT của cả cộng đồng sẽ được nâng lên, TNGT và ùn tắc giao thông sẽ giảm.

X.Q
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên