Xây dựng xã nông thôn mới: Có cần thiết phải có chợ?!

Cập nhật: 10-04-2012 | 00:00:00

Trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí xây dựng chợ tại xã NTM hiện đang làm cho nhiều địa phương lúng túng. Vấn đề đặt ra hiện nay cho nhiều xã được chọn xây dựng NTM là có cần thiết phải có một cái chợ hay không, bởi chuyện xây chợ phải hội đủ nhiều yếu tố chứ không phải xây rồi để đó, làm lãng phí tiền của mà hiệu quả đem lại thì không cao!

Chưa phù hợp

Tiêu chí số 7 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM quy định rõ chợ của xã NTM phải đạt các tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Chợ nông thôn là công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày, là nơi diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ ở nông thôn. Có hai loại chợ là chợ thôn và chợ trung tâm xã. Chợ NTM phải kinh doanh theo ngành hàng, gồm nhà chợ chính, có diện tích kinh doanh ngoài trời, đường đi, cây xanh, bãi đỗ xe, nơi thu gom xử lý rác... Theo Thông tư số 31/2009/TT-BXD ngày 10-9-2009 của Bộ Xây dựng quy định rất rõ về quy hoạch chợ như vị trí xây dựng chợ phải phù hợp cho việc lưu thông hàng hóa, đường bộ, đường thủy, gần khu dân cư, trung tâm xã chính. Phải kết hợp các hoạt động chợ với các dịch vụ thương mại, văn hóa khác có liên quan và tối thiểu một xã NTM phải có 1 chợ, diện tích đất xây dựng chợ phải từ 3.000m2 trở lên, diện tích xây dựng nhà chợ chính tối đa hơn 40%, diện tích mua bán ngoài trời tối thiểu 25%, diện tích đường giao thông nội bộ dưới 25% và diện tích sân, cây xanh ít nhất 10%...

 Chợ An Sơn mới chỉ có diện tích chưa bằng một nửa tiêu chuẩn nhưng vẫn chưa thể hoạt động hết công suất Thời gian qua, vấn đề tập trung xây dựng chợ nông thôn tại Bình Dương đã được chú trọng. Tuy nhiên, vấn đề hoạt động của chợ nông thôn tại các vùng nông thôn vẫn còn quá nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến việc hoạt động của các chợ này chưa hiệu quả. Nhiều chợ nông thôn có cơ sở hạ tầng yếu và tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường nghiệm trọng. Bên cạnh đó, cách thức sắp xếp các loại mặt hàng sản phẩm buôn bán chưa hợp lý, gây ra nhiều nguy cơ về ngộ độc thực phẩm. Việc quản lý giá, tính trung thực trong buôn bán tại các chợ này vẫn đang bị bỏ ngỏ. Những yếu tố trên đã hạn chế rất nhiều khả năng hoạt động của các chợ nông thôn. Trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tiêu chí về chợ NTM được quy định với những chi tiết cụ thể như trên thì việc hình thành, quản lý, điều hành chợ NTM càng khó khăn hơn do chưa phù hợp với tình hình thực tế của nhiều địa phương.

Xã An Sơn (TX.Thuận An) được chọn là một trong 5 xã thực hiện xây dựng thành công xã NTM vào năm 2013. Thực hiện kế hoạch này, thời gian qua nhiều hạng mục công trình tại An Sơn đã được đầu tư, nâng cấp và xây dựng, trong đó có việc xây dựng mới chợ An Sơn. Chợ An Sơn được xây dựng khá khang trang với diện tích 1.372m2 (tiêu chí chợ NTM là 3.000m2) và ở ngay địa điểm thích hợp cho việc buôn bán, trao đổi nhưng hiện nay vẫn chưa thể hoạt động hết công suất do nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân trong xã chưa nhiều. Như vậy, nếu xây dựng chợ NTM theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng thì hoạt động của chợ An Sơn sẽ còn “lèo tèo” hơn và sẽ gây ra sự lãng phí lớn nguồn kinh phí có thể tập trung cho các hạng mục khác.

Có thật sự cần thiết?

Việc quy định mỗi xã NTM phải có 1 cái chợ đang gây ra nhiều khó khăn cho quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM tại nhiều địa phương. Thời gian qua nhiều địa phương đã hình thành nên chợ nông thôn, nhưng hoạt động vẫn chỉ ở mức cầm chừng, chưa tạo ra động lực cho sự phát triển của địa phương. Chợ An Linh (xã An Linh, huyện Phú Giáo) được đầu tư xây dựng rộng rãi, thoáng và ở ngay khu vực thuận lợi nhưng bao lâu nay hoạt động của chợ này vẫn chưa có gì khởi sắc. Giải thích về vấn đề này một số tiểu thương cho biết lâu nay người dân vẫn có thói quen đi mua sắm tại các cửa hàng tạp hóa do sự tiện lợi của nó nên gây ra nhiều áp lực cho việc buôn bán của tiểu thương trong chợ.

Có thể thấy, tại nhiều địa phương việc hình thành chợ NTM là thực sự không cần thiết do các mối liên kết buôn bán tại các nơi này chưa hình thành và địa bàn của các địa phương này cũng giáp ranh với một số chợ trung tâm. Điển hình cho trường hợp này là xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên. Các hoạt động thương mại dịch vụ tại Bạch Đằng vẫn chưa phát triển, nhưng các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn xã. Trong khi đó từ trung tâm xã đến chợ thị trấn Uyên Hưng chỉ cách một cây cầu nên người dân cần mua sắm là đến thẳng chợ trung tâm huyện. Nói về vai trò của chợ NTM với nhu cầu của xã NTM, ông Vũ Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, nói: “Hiện trên địa bàn xã các mặt hàng buôn bán của các tiểu thương cung cấp cho nhân dân cũng rất đa dạng, phong phú; trong khi đó chợ trung tâm huyện cũng gần, nên theo tôi không nhất thiết mỗi xã NTM phải có chợ mà nên xây dựng chợ theo cụm xã để tránh lãng phí”.

Việc phát triển chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chính là bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng chợ NTM trong thời gian tới. Ngoài việc tạo ra phần “xác” khang trang, sạch đẹp thì phần “hồn” của chợ cũng cần phải được tính toán để đạt hiệu quả cao, nhằm tránh lãng phí. Với các địa phương nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM thì việc xây dựng chợ cần được tính toán phù hợp với nhu cầu của người dân và tình hình thực tế tại địa phương, trong đó có thể tính toán đến phương án xây chợ phù hợp với nhu cầu thực tế hiện tại rồi tiếp tục mở rộng sau này.

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=349
Quay lên trên