Kỳ 2: Quản gì phơi nắng, phơi sương…!
Chúng tôi ngược lên xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên để gặp ông Trần Ngọc Hải, người đã từng giữ chức vụ bí thư, phó bí thư chi bộ các phân khu tại nhà tù Phú Quốc. Năm nay dù đã 75 tuổi, râu tóc đã bạc phơ nhưng giọng nói của ông vẫn sang sảng, nụ cười luôn thường trực trên môi. “Khoe” với chúng tôi về bức ảnh chụp lưu niệm cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần ông cùng đoàn đại biểu chiến sĩ bị địch bắt tù đày ra gặp lãnh đạo Trung ương, ông nói: “Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến những người như chúng tôi. Đó là niềm vui, sự động viên lớn lao của những người như chúng tôi khi về già…”.
Ông Trần Ngọc Hải (trái) kể lại những tháng ngày đấu tranh trong tù với phóng viên Báo Bình Dương
Tiên phong trong đấu tranh
Quê xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, năm 18 tuổi, ông Trần Ngọc Hải đã tham gia cách mạng, phụ trách cung cấp lương thực, làm giao liên cho các cơ sở cách mạng tại đây và sau đó được kết nạp vào Đảng. Năm 1969, ông được cử giữ chức ủy viên Hội đồng cung cấp tiền phương Quân khu 5. Cũng trong năm này, trong chuyến công tác đến huyện Châu Thành, ông bị địch phục kích bắt giữ. Sau khi bị di chuyển qua các khu nhà giam tại Bình Dương, Biên Hòa, đến tháng 10-1969, ông bị địch đày ra nhà tù Phú Quốc. Tại Phân khu A8 nơi bị giam giữ, qua một thời gian quan sát ông biết chắc tại đây có cơ sở Đảng và đã bí mật tiến hành kết nối. Ông nhớ lại: “Là những người cùng hàng ngũ trong Đảng, cùng lý tưởng nên chúng tôi nhanh chóng kết nối được với nhau. Lúc đó đồng chí Út Hùng, người quê Tây Ninh, làm bí thư chi bộ phân khu, tôi thì được phân công làm phó bí thư. Đây là điều vinh dự nhưng cũng rất nặng nề vì tôi xác định sinh hoạt và xây dựng Đảng trong tù sẽ hết sức khó khăn. Để giữ bí mật, chúng tôi phải chia thành các tổ Đảng để sinh hoạt dưới hình thức nhóm 3 người để bảo đảm thông tin bí mật…”.
Ông Hải kể: “Cùng với những diễn biến có lợi cho cách mạng trên các mặt trận chiến đấu, trong các nhà tù khắp miền Nam, địch tăng cường tra tấn, đàn áp, tra khảo tù nhân rất dã man. Để anh em giữ vững khí tiết, Chi ủy Phân khu A8 quyết định tăng cường sinh hoạt chính trị cũng như tổ chức các cuộc đấu tranh dưới hình thức khôn khéo, phù hợp để bảo vệ quyền lợi của anh em bạn tù. Những đợt được đưa ra phơi nắng, có dịp được tiếp xúc với nhau là cơ hội để anh em sinh hoạt chính trị. Các nghị quyết được triển khai một cách nhanh gọn, dễ hiểu. Vì vậy, các anh em đều thực hiện theo đúng các chủ trương của chi bộ. Anh em bạn tù tiến hành đấu tranh bằng cách tuyệt thực để đòi quyền lợi. Có những đợt đấu tranh kéo dài đến 16 ngày. Để có bước chuẩn bị kỹ càng, chi ủy trong nhà tù đã chỉ đạo bí mật, cất giấu lương thực, nước uống, muối, sữa hộp để cung cấp cho những anh em, từ đó có cơ sở đấu tranh lâu dài với kẻ địch”.
Nói chuyện với chúng tôi, ông Hải còn nhớ rất rõ một lần địch dùng chiêu bài thanh lọc tù nhân. Chúng rêu rao là Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã bắt tay với Việt Nam Cộng hòa. Vì vậy, ai theo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, theo cách mạng thì đứng riêng sang một bên; còn lại ai theo chính quyền mới thì tách ra phần riêng và sẽ có ưu đãi riêng! Không chần chừ, ông Hải là người đầu tiên cương quyết tách ra đứng về phía cách mạng. Sau đó, tất cả anh em bạn tù đều đi theo ông. Thấy vậy, địch bắt những người tù ngồi phơi nắng, phơi sương 3 ngày liền không cho ăn uống. Do được sinh hoạt từ trước, không ai nói với ai nhưng tất cả anh em đều tự nhủ với nhau cần kiên gan đấu tranh đến cùng. Đến ngày thứ 3, thấy không lay chuyển được tinh thần của những người tù kiên trung, tên chỉ huy bọn quân cảnh đã giơ hai tay lên trời và thốt lên: “Chúng tôi bái phục lý tưởng của các ông…”. Qua những đợt đấu tranh như vậy, địch có phần e dè với người tù. Vì thế, việc sinh hoạt Đảng đã trở nên công khai hơn và từ đó hiệu quả lãnh đạo của Đảng cũng được phát huy hơn…
Trong hoàn cảnh lao tù, nhiệm vụ phát triển Đảng cũng được chi ủy trong nhà tù đề ra, coi đây là một nhiệm vụ hết sức gian nan nhưng cần phải thực hiện. Việc theo dõi quần chúng để chọn ra người ưu tú kết nạp Đảng phải được tiến hành hết sức kỹ càng. Nếu chọn sai đối tượng rất có thể sẽ trả giá rất đắt vì môi trường trong tù có rất nhiều người có tư tưởng bị dao động trước những thủ đoạn của kẻ địch. Theo ông Hải, chính vì khó khăn như vậy mà trong suốt thời gian trong tù, từ năm 1969 đến 1973, ông chỉ trực tiếp kết nạp được 1 đồng chí. “Nhưng giây phút kết nạp đảng viên mới từ đó đến nay tôi vẫn nhớ như in. Người được tôi kết nạp là ông Ngô Văn Xứng”. Đến nay, ông Hải không thể liên lạc được với người đồng chí này. Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng trên, trong hoàn cảnh tai mắt của địch khắp nơi, không còn con đường nào khác, bí mật giao ước từ trước, ông và đồng chí Xứng cùng giả vờ đi vệ sinh! Đây là thời điểm địch ít khi để ý. Lợi dụng hoàn cảnh này, ông đã tổ chức kết nạp Đảng cho đồng chí Xứng. “Tuy “lễ kết nạp” đơn sơ, diễn ra nhanh chóng nhưng cả hai đều rất xúc động, đảng viên mới được kết nạp cũng tiến hành chào cờ và tuyên thệ…!”, ông Hải nhớ lại.
Kiên gan vượt qua gian khổ
Ông Hải cho biết, trong hoàn cảnh lao tù, để bảo đảm cho việc sinh hoạt Đảng được diễn ra an toàn, công tác bảo đảm bí mật phải được đưa lên hàng đầu. Tuy bọn cai ngục có “ngửi” thấy mùi có tổ chức Đảng nhưng chúng không dám bắt bớ vì không có bằng chứng cụ thể. Tuy vậy, chúng vẫn tăng cường đàn áp, tra tấn anh em bạn tù dã man. Một số người tù bị bắt bớ, tra tấn chết đi sống lại nhưng do được tổ chức sinh hoạt chính trị nên anh em không bao giờ khai ra người đứng đầu cấp ủy. Bản thân ông Hải cũng là người ra vào khu biệt giam như cơm bữa. Đây là khu đày đọa người tù rất khắc nghiệt! Chúng tiến hành khủng bố dã man người tù cả tinh thần và thể xác. Đã có nhiều anh em bạn tù không thể vượt qua được những cực hình tại khu biệt giam này, hoặc bị địch thủ tiêu. “Đến nay, khi nhớ lại những tháng ngày bị đọa đày tại khu biệt giam, tôi nghĩ chỉ có niềm tin tuyệt đối vào cách mạng mới giúp tôi vượt qua những màn tra tấn dã man của kẻ địch”, ông Hải nói. Sau thời gian được “thử thách” tại khu biệt giam, không sờn chí, khi trở về khu nhốt chung hoặc chuyển qua các phân khu khác, ông lại tiếp tục tổ chức anh em đấu tranh.
Những tháng ngày bị đày đọa nơi tù ngục đã rèn luyện cho ông tinh thần đấu tranh bất khuất, qua đó càng thêm tin tưởng vào thắng lợi tuyệt đối của cách mạng. Là người dẫn dắt các cuộc đấu tranh của anh em, người lãnh đạo cấp ủy Đảng như ông phải lựa chọn những phương pháp đấu tranh phù hợp, chính xác, tính toán thời gian kéo dài hợp lý vì nếu không sẽ phải đổi bằng máu và tính mạng của những người bạn tù. “Để có được những phương hướng đấu tranh hiệu quả, phù hợp trong hoàn cảnh tù ngục, vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng trong nhà tù là yếu tố tiên quyết. Từ việc hình thành cơ sở Đảng trong nhà tù, việc rèn luyện, đào tạo người chiến sĩ trong tù ngục cũng sẽ phát huy hiệu quả để từ đó nhận thức chính trị của anh em được nâng lên, tinh thần đấu tranh với kẻ địch được nâng cao để vượt qua được những gian khổ, đi đến thắng lợi cuối cùng”, ông Hải nói.
Kỳ 3: “Thép đã tôi thế đấy...!”
CAO SƠN