Xây nhà ở cho công nhân : Sẽ không khó nếu có cơ chế

Cập nhật: 24-12-2009 | 00:00:00

Nhà ở công nhân do Công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương xây dựng

Cùng với việc xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, người thu nhập thấp, Bình Dương đã giao các sở, ngành liên quan lập các dự án xây dựng nhà ở công nhân (NOCN) tại các khu, cụm công nghiệp. Đây là động thái tích cực nhằm thực hiện chủ trương của Nhà nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu bức xúc của công nhân (CN) lao động về một nơi ở đàng hoàng, đủ các điều kiện cần thiết. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với các ngành chức năng và các doanh nghiệp (DN), vấn đề xây dựng NOCN sẽ khó thực hiện nếu không có một cơ chế rạch ròi của Nhà nước và cái tâm của DN.

Cần trên 5.000 tỷ đồng xây NOCN

Theo Sở Xây dựng, trong 1,37 triệu m2 nhà trọ hiện có trên địa bàn tỉnh thì khoảng 70% dành cho người lao động trong các KCN tập trung thuê. Qua khảo sát có khoảng 60% đạt yêu cầu với tổng diện tích sàn nhà ở dành cho CN lao động trên 570.000m2, đáp ứng chỗ ở cho gần 144.000 người với chỉ tiêu 4m2 sàn/người. Bên cạnh đó, các DN đã xây dựng ký túc xá, NOCN với tổng quy mô gần 300.000m3 sàn nhà ở, giải quyết chỗ ở cho khoảng 60.000 lao động, đạt chỉ tiêu diện tích 5m2 sàn/người.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng NOCN hiện có của các DN đã xây dựng và số nhà cho thuê của các thành phần kinh tế bảo đảm chất lượng đã giải quyết chỗ ở cho 203.850 CN. Theo tính toán của Sở Xây dựng, đến cuối năm 2015, số lượng CN còn thiếu nhà ở và số CN tăng thêm hàng năm vào khoảng 422.100 người. Đến năm 2015, số lượng CN cần nhà ở sẽ là 218.250 người. Theo quy định đến hết năm 2015, các tỉnh phải có kế hoạch xây dựng NOCN đáp ứng 50% nhu cầu. Như vậy, đến lúc đó tổng diện tích sàn phải xây dựng thêm là 1.091.250m2 (218.250 CN x 10m2/CN x 50%). Để xây được 1.091.250m2 sàn sẽ cần khoản kinh phí lên đến trên 5.000 tỷ đồng (1.091.250m2 x 5.000.000 đồng/m2). Khoản kinh phí này là khá lớn vì thế nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước thì sẽ khó thực hiện được kế hoạch đề ra.

Nếu có đất, tiền và... cơ chế

Xây dựng NOCN là một chính sách có ý nghĩa xã hội lớn. Chủ trương đã có từ lâu nhưng việc triển khai xây dựng NOCN vẫn còn gặp nhiều khó khăn do việc hoạch định chính sách, huy động quỹ đất, vốn đầu tư... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Hoàng Hà, Trưởng ban chỉ đạo chính sách nhà ở tỉnh cho biết, vấn đề xây dựng NOCN và nhà ở xã hội nói chung được UBND tỉnh rất quan tâm, từ đó tỉnh đã tạo các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các DN để xây dựng NOCN. Trên thực tế đã có nhiều DN trong tỉnh “đi trước một bước” về xây dựng NOCN. Tuy nhiên, hiện nhu cầu về nhà ở của CN tại các khu, cụm công nghiệp vẫn còn khá lớn nên rất cần có sự phối hợp của các DN.

Ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển công nghiệp Đồng An, cho rằng vấn đề quan trọng là đất và tiền chứ không phải là ai xây. “Những năm qua, chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài nhiều, GDP hàng năm của tỉnh không ngừng tăng và CN lao động đã đóng góp rất lớn vào những thành công đó, vậy tại sao chúng ta không trích phần trăm từ GDP hàng năm để xây dựng NOCN? Đó cũng có thể gọi là trả ơn cho họ vậy”, ông Bùi Mạnh Lân gợi mở. Ông Lân cũng đề xuất rằng phải có quy định buộc chủ đầu tư các KCN dành quỹ đất sạch để xây dựng NOCN, đó cũng là một cách để giữ chân CN, giữ chân nguồn lực. Còn ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, thì cả Trung ương và tỉnh cần tạo cơ chế ưu đãi nhất về vốn và đất, đồng thời khi các DN tham gia xây dựng NOCN thì cần giảm tối đa các khoản thuế vì nếu tính thuế thì tiền thuê nhà đương nhiên cao nên CN lao động khó mà tiếp cận được.

Liên quan đến chủ trương xây dựng NOCN trên địa bàn tỉnh, nhiều người cho rằng lâu nay chúng ta chỉ tập trung vào các DN mà chưa có chính sách nào dành cho các hộ gia đình xây nhà cho thuê, đây là một bộ phận quan trọng góp phần rất lớn về việc giải quyết chỗ ở cho CN lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, cho rằng Nhà nước nên có chính sách đối với những hộ xây dựng nhà trọ riêng lẻ tất nhiên khi xây dựng phải đáp ứng các tiêu chí xây dựng của ngành chức năng. Đó cũng là quan điểm của ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Công Thương. Ông Sáu cho rằng, hiện nay đa số sinh viên, CN đến Bình Dương làm việc và học tập đều ở trong các nhà trọ do hộ gia đình xây dựng, vì thế cần có chính sách hỗ trợ về vốn và các điều kiện thuận lợi khác để các hộ này tiếp tục đầu tư. “Đó cũng là một cách để giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước khi thực thi chủ trương xây dựng NOCN...”, ông Sáu nói.

Theo Sở Xây dựng, trong danh sách 20 dự án đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở sinh viên, NOCN và nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh có 6 dự án xây dựng NOCN với tổng diện tích 82.000m2 và tổng diện tích sàn xây dựng 149.598m2 với 14.011 căn hộ. Tổng vốn đầu tư khoảng 790 tỷ đồng. Hiện chỉ có dự án NOCN do Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 1 trong 4 chung cư phục vụ cho trên 1.000 CN với tổng diện tích 12.000m2.

TRÍ DŨNG
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên