1. Những chiếc tàu ngầm thuộc dự án 941 Akula bắt đầu được thực hiện tại tổ hợp đóng tàu "Rubin" ở thành phố Leningrad (Saint Petersburg ngày nay) từ năm 1976 đến năm 1989 dưới thời Liên Xô. Chúng có tốc độ 25 hải lý/giờ và có thể lặn sâu dưới mặt nước 500m. Tàu có chiều dài 172,8m, rộng 23,3m và có lượng rẽ nước là 48 nghìn tấn. Tàu ngầm Akula có thể hoạt động liên tục 180 ngày đêm. Thủy thủ đoàn của tàu gồm 160 người, trong đó có 52 sĩ quan.
Vũ khí của Akula có 6 bệ phóng (loại 533 ly) dành cho các loại ngư lôi 53-65K, SAET-60M, SET-65, USET-80 hay thủy lôi "Volopad". Tàu có 20 bệ phóng dành cho tên lửa đạn đạo R-39 và R-39U. Tính chung, Liên Xô khi đó sản xuất 6 chiếc tàu ngầm thuộc dự án 941. Đến nay chỉ còn 3 trong số đó đang biên chế trong hải quân Nga. Đáng chú ý nhất là chiếc "Dmitri Dolskoy", được nâng cấp từ phiên bản 941UM, dùng để thử nghiệm tên lửa đạn đạo "Bulava", còn 2 chiếc là "Arkhangelsk" và "Severstal" hiện được xếp vào lực lượng dự bị.
Tàu ngầm Akula thuộc dự án 941 - Ảnh: Warfare.ruBa chiếc còn lại: Akula-TK202, TK-12 "Simbirsk" và TK-13 bị cho phép xẻ ra để tận dụng nguyên liệu vào giữa những năm 2000. Vào tháng 5.2010, Tổng tư lệnh hải quân Nga - ông Vladimir Vysotsky, thông báo hai chiếc tàu thuộc dự án 941 sẽ phục vụ tới năm 2019. Ông Vysotsky khi đó nói rằng, hai chiếc tàu này nhiều khả năng sẽ được nâng cấp. Tuy nhiên giờ đây tình thế lại có vẻ khác: Cho một chiếc tàu "về hưu" dễ hơn là nâng cấp nó.
Bộ Quốc phòng Nga quyết định không sử dụng tàu Akula trong tương lai gần có nhiều nguyên do. Trước hết là vào mùa xuân năm 2010 Mỹ và Nga đã ký hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới (START-3), theo đó mỗi bên sẽ giảm số đầu đạn hạt nhân xuống con số 1.550. Mỗi một tàu ngầm dự án 941 có khả năng mang 200 đầu đạn hạt nhân, vì thế Nga cho rằng nếu không sử dụng 3 tàu Akula sẽ cắt giảm được 600 đầu đạn. Ngoài ra, trong hải quân Nga hiện đã có các tàu ngầm chiến lược 667BDRM có khả năng đảm nhận nhiệm vụ thay cho Akula. Việc dẹp bỏ tàu ngầm Akula vì START-3 nghe có vẻ hợp lý, nhưng trên thực tế Dmitri Dolskoy từ lâu đã không mang đầu đạn hạt nhân mà chỉ dùng để phóng tên lửa đạn đạo Bulava. Hai chiếc "Arkhangelsk", "Severstal" từ năm 2004 đến nay hầu như chỉ nằm ở cầu cảng, hoàn toàn không được trang bị vũ khí. Thực tế, trong những năm gần đây, các tàu ngầm chiến lược 667BDRM "Delphin" mới chính là lực lượng giữ cân bằng hạt nhân của Nga. Các tàu này được trang bị tên lửa đạn đạo R-29MU2 "Sineva". Hiện trong hải quân Nga có 6 chiếc tàu 667BDRM "Delphin", mỗi chiếc trong số đó có khả năng mang 128 đầu đạn hạt nhân.
Tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ - Ảnh: WikipediaMột nguyên nhân khác khiến Bộ Quốc phòng Nga từ bỏ Akula là tàu ngầm mới "Borei" thuộc dự án 955 trong thời gian từ khoảng cuối năm 2011 đến đầu năm 2012 sẽ được biên chế vào quân đội nước này. Việc tiếp nhận Borei sẽ được thực hiện sau khi quá trình thử nghiệm tên lửa Bulava được cho là thành công. Tới nay Nga đã phóng thử 16 lần loại tên lửa này, trong đó có 7 lần thất bại, nhưng 4 lần thử gần đây nhất đều thành công mỹ mãn. Vì thế giới chức quân sự Nga hy vọng các lần tiếp theo sẽ cho kết quả tốt đẹp.2. Hiện tổ hợp đóng tàu "Sevmas" của Nga đã đóng xong một chiếc tàu ngầm thuộc dự án 955 mang tên "Yuri Dolskoy" và đang chạy thử nghiệm. Trước đó vào tháng 12.2010, một chiếc khác thuộc dự án này là "Aleksandr Nevsky" đã được hạ thủy. Các hai chiếc tàu này có chiều dài 160m, rộng 13,5m, lượng rẽ nước là 24 nghìn tấn, tốc độ 29 hải lý/giờ, lặn sâu 480m. Các tàu này có thể hoạt động liên tục 90 ngày đêm với thủy thủ đoàn là 107 người, trong đó có 55 sĩ quan.
Các tàu ngầm Borei có 6 bệ phóng (loại 533 ly) dành cho ngư lôi hay tên lửa đạn đạo. Với chiếc Yuri Dolskoy, nó có 16 bệ phóng dành cho tên lửa Bulava, có thể phóng 10 đầu đạn hạt nhân. Còn Aleksandr Nevsky có 20 bệ phóng tên lửa. Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng, chiếc tàu ngầm Borei tiếp theo mang tên "Svyatitel Nicolai" sẽ có nhiều hơn các bệ phóng tên lửa.
Việc chuyển sang sử dụng tàu ngầm Borei giúp Nga có nhiều điều lợi: Kích thước của Borei nhỏ hơn Akula nên khó phát hiện hơn. Thủy thủ đoàn ít hơn và sử dụng các công nghệ hiện đại giúp chi phí vận hành giảm đáng kể. Tựu trung, hai chiếc thuộc dự án 955 và 6 chiếc tàu 667BDRM "Delphin" có thể mang tới 1.128 đầu đạn hạt nhân. Như vậy 422 đầu đạn hạt nhân còn lại sẽ do lực lượng không quân tầm xa và binh chủng tên lửa chiến lược đảm trách.
Việc Bộ Quốc phòng Nga không tiếp tục sử dụng tàu ngầm Akula để mang đầu đạn hạt nhân cũng dễ hiểu, nhưng tại sao lại cho phép xẻ thịt nó để lấy sắt phế liệu là một quyết định gây tranh cãi. Chẳng hạn, vào năm 2002, Mỹ quyết định không sử dụng loại tàu ngầm chiến lược "Ohio", nhưng đến tháng 9 năm này lại ký với hãng Electric Boat hợp đồng trị giá 442,9 triệu USD để cải tiến 4 chiếc Ohio thay vì mang tên lửa xuyên lục địa Trident thành tàu mang tên lửa đạn đạo Tomahawk… Trong giai đoạn 2002 - 2006, Mỹ còn bổ sung 3,2 tỉ USD để mỗi tàu Ohio có thể mang 154 tên lửa Tomahawk… Như vậy, Mỹ có thể kéo dài thời hạn phục vụ của 14/18 chiếc Ohio đến năm 2040.
Về lý thuyết, Nga có thể học theo cách của Mỹ. Thay vì tận dụng các tàu Akula làm phế liệu thì có thể cải tiến chúng cho phù hợp với các nhiệm vụ tác chiến khác, hay phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, hoặc vận tải hàng hóa quân sự… Một số chuyên gia quân sự hy vọng từ nay đến năm 2014, Bộ Quốc phòng Nga có thể sẽ có những thay đổi trong quyết sách nhằm tận dụng một cách tốt nhất các tàu ngầm Akula.
Sau hết, nếu như Bộ Quốc phòng Nga không thay đổi quyết định của mình thì tối thiểu cần phải giữ lại một chiếc Akula để trưng bày trong bảo tàng. Ít ra nó là sản phẩm của một cường quốc (Liên Xô) nay đã không còn tồn tại, hay đơn giản hơn nó cho thấy không chỉ về mặt quân sự mà còn là về kiến trúc những ý tưởng của các kỹ sư đã khai sinh ra nó. Tuy nhiên để giữ Akula làm hiện vật bảo tàng cũng rất khó khăn. Cần phải có kinh phí để tháo dỡ lò phản ứng hạt nhân, các trang thiết bị, vũ khí… Đơn giản nhất là xẻ thịt nó làm phế liệu, vừa được tiền lại ít tốn công sức.
Theo TNO