Bảo tàng tỉnh hiện đang trưng bày một hiện vật rất thân quen với cuộc sống của cư dân lao động Bình Dương xưa mà ngày nay đã vắng bóng trên đường phố và cả đường làng ở vùng nông thôn, đó là chiếc xe thổ mộ (xe ngựa). Xe thổ mộ là hiện vật của ông Trần Văn Hai, ngụ tại ấp Hưng Thọ, P.Hưng Định, TX.Thuận An. Ông là người có đủ bộ sưu tập cũng như hiểu biết về xe ngựa với kinh nghiệm bốn đời cha truyền con nối.
Chiếc xe thổ mộ được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương
Tên gọi “thổ mộ” bắt nguồn từ đâu?
Ông Hai kể: “Chiếc xe ngựa của cha ông để lại tính đến nay cũng được gần một trăm năm. Xe thổ mộ dài 3m, rộng 1,50m, được trang bị hai phần, cho ngựa có bào trá (da) quàng lên đầu ngựa, có hàm thiếc xỏ vào mồm ngựa, nòng cổ có lá lót để xỏ vào cổ ngựa, hai sợi dây lôi để chịu cổ ngựa và xe. Yên bắt kế có hai gọng ở hai bên và một hậu thu để khi dừng lại. Bên dưới là tai gọng và sợi dây bụng có một vòng lục lạc làm từ đồng pha bạc, dây cương bằng da và roi da. Phần xe, thùng xe có mui. Để bảo vệ cho mui có bốn cây kèo, sơn mui màu hồng. Trước xe có hai tay đèn bằng đồng, đèn đốt bằng dầu phụng, có kiếng che kín dùng đi ban đêm. Xe có hai bánh với 12 căm làm bằng gỗ, bánh bằng cao su. Phía sau xe là bàn đạp để lên xuống. Thùng xe trước có chuông đồng, sau xe có hai móc, bốn góc thùng có 4 thanh xoắn sắt.
Có nhiều lý giải về nguồn gốc tên gọi này. Trong từ điển tiếng Việt miền Nam, học giả Vương Hồng Sển giải thích, xe thổ mộ là xe do một con ngựa kéo dùng để chở hàng hóa cho khách bộ hành vùng ngoại ô Sài Gòn, Chợ Lớn, Lái Thiêu. Địa chí thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, xe ngựa của Nam bộ là phỏng theo mô hình kiểu xe song mã của Âu châu. Còn theo nhà văn Sơn Nam và Nguyễn Nguyên thì “thổ mộ” bắt nguồn từ hai chữ “thảo mã” nghĩa là loại xe dùng ngựa để chở cỏ của người Trung Quốc. Cũng có ý kiến cho rằng, trước đây việc chở quan tài đi chôn xa phải dùng xe ngựa để đưa đến chỗ đất (thổ) mồ mả (mộ), nên quen gọi xe ngựa là xe “thổ mộ”.
Một số đông ý kiến khác lại cho rằng, vì mui chiếc xe có hình khum khum mu rùa, giống như nấm mộ. Một số cụ già ở Bình Dương lại khẳng định “thổ mộ” là tên gọi xe Thủ Dầu Một do nói nhanh, nói gọn của người Nam bộ. Tất cả những lý giải về tên gọi của loại xe “thổ mộ” còn cần phải được tìm hiểu thêm nhưng rõ ràng đất Thủ Dầu Một có nhiều mối quan hệ trong việc hình thành, sáng tạo cũng như sử dụng rộng rãi và lâu dài loại xe “thổ mộ”.
Xe “thổ mộ” xuất hiện khi nào?
Từ cuối thế kỷ XIX, đất Thủ Dầu Một là nơi nghề thủ công phát triển mạnh, kinh tế giao thông hàng hóa rộng khắp nhờ nguồn nhân lực thợ lành nghề dồi dào, nhiều nguyên vật liệu, lại ở vào vị trí giao thương thuận lợi cả về đường thủy và đường bộ, từ đây nhu cầu về đi lại và vận chuyển hàng hóa rất lớn. Trên bộ, phương tiện giao thông gần như duy nhất là xe ngựa, vì vậy mà nghề chế tác xe thổ mộ và nghề chuyên chở bằng loại xe này nhanh chóng phát triển.
Xe thổ mộ Bình Dương lên phim Ảnh: Q.CHIẾN
Theo những tác giả người Pháp thì chiếc xe song mã sang trọng được đưa vào đất Bình Dương và vùng Nam bộ để phục vụ cho một số quý tộc và quan lại Pháp vào những năm 90 của thế kỷ XX. Thấy loại xe này đẹp, tiện dụng, những người thợ khéo tay trên đất Bình Dương liền mô phỏng để chế tác ra chiếc xe thổ mộ và dần hoàn thiện cũng như cải tiến để đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển.
Theo nhiều tài liệu khác thì vào khoảng đầu thế kỷ XX, phương tiện đi lại của người dân vùng Sài Gòn - Chợ Lớn và miền Đông Nam bộ rất hạn chế, giao thông của cả vùng đấy này có khoảng năm ba chiếc xe ô tô (lúc bấy giờ gọi là xe điện) chạy theo các tuyến đường Sài Gòn - Chợ Lớn, Sài Gòn - Hóc Môn, Sài Gòn - Thủ Dầu Một. Những chiếc xe còn rất thô sơ nhưng chỉ những người quyền quý và có tiền mới sử dụng để đi lại. Đa số dân lao động thường đi bộ, những người khá hơn chút thì được đi xe thổ mộ, nhất là khi có hàng hóa cần chuyên chở luôn phải dùng đến loại xe này. Vì thế xe thổ mộ có cơ hội để phát triển nhanh. Các cơ sở đóng xe ngựa và nuôi ngựa đã sớm hình thành và cũng hình thành cả đội ngũ chuyên làm nghề đánh xe ngựa. Đa số những nhà nghiên cứu đều cho rằng, Đông Nam bộ thời đó chỉ có vài nơi sản xuất được xe thổ mộ, trong đó Bình Dương có Thủ Dầu Một và Lái Thiêu. Bình Dương còn có nhiều cơ sở đóng thùng xe đẹp nức tiếng như Bình Hiệp, Tân An, Phú Cường. Nơi làm bánh xe đẹp, bền chắc có vùng Thuận Giao, An Thạnh vì tại đây có nhiều thợ rèn lành nghề. Điều đó chứng tỏ xe thổ mộ thời xa xưa đã rất phát triển ở Bình Dương và người ta vẫn gọi xe thổ mộ ở đây là xe Thủ Dầu Một để phân biệt với xe nơi khác.
Xe thổ mộ với ưu thế là rẻ, gọn nhẹ, di chuyển dễ dàng trên nhiều địa hình phức tạp và phù hợp với số đông người lao động nên loại hình xe thổ mộ rất phổ biến thời đó. Từ khi ra đời đến lúc vắng bóng, xe thổ mộ đã tồn tại trên đất Bình Dương trên 100 năm. Trước năm 1945, Bình Dương có rất nhiều bến xe thổ mộ, riêng chợ Thủ có đến ba bến xe thổ mộ với gần 50 chiếc. Xe thổ mộ không chỉ là phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa của người lao động Bình Dương xưa mà trong những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, xe thổ mộ còn là phương tiện di chuyển khá an toàn, phục vụ đắc lực cho cán bộ chiến sĩ cách mạng, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến.
Xe thổ mộ khi mới ra đời rất đơn giản, không có mui, thùng xe rộng và dài, trục xe làm bằng gỗ… Sau đó, những người thợ thủ công đã cải tiến trục xe, căm xe từ chất liệu gỗ sang làm bằng sắt để tạo sự chắc chắn và di chuyển dễ dàng hơn, cải tiến thành có mui để che mưa nắng gắn đèn chai lồng và lục lạc để báo hiệu…
Hiện nay, với nhu cầu đi lại ngày càng nhiều của cuộc sống, những phương tiện giao thông ngày một phát triển, nghề xe thổ mộ đã mất đi chức năng và không còn hoạt động nhưng Bình Dương vẫn là nơi hiếm hoi trên đất Đông Nam bộ còn một số nghệ nhân có khả năng phục chế được nhiều kiểu xe ngựa để phục vụ cho nhu cầu của một số cơ sở, trung tâm điện ảnh, bảo tàng, nhà hàng, du lịch ở phía Nam và còn để người ta nhớ về Bình Dương xưa với những chiếc xe thổ mộ leng keng trên mọi nẻo đường.
BÌNH CÔNG