Xin chữ đầu năm: Nét đẹp truyền thống

Cập nhật: 06-02-2012 | 00:00:00

Xin chữ và cho chữ là một nét đẹp trong phong tục tập quán người Việt. Nét đẹp này càng được thể hiện rõ nét trong mỗi độ xuân về, tết đến. Ông đồ đang cho chữ

Mong may mắn đầu năm

Những câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Vũ Đình Liên viết về ông đồ ngày xưa: “Mỗi năm hoa đào nở. Lại thấy ông đồ già. Bày mực tàu giấy đỏ. Bên phố đông người qua” đã in đậm trong trí nhớ của nhiều người. Trong những ngày diễn ra lễ hội rằm tháng giêng năm Nhâm Thìn, trong khuôn viên của chùa Ông (TX.TDM) cũng xuất hiện những ông đồ. Bên cạnh việc viết chữ để bán, những ông đồ này còn mong muốn đem đến cái đẹp về chân thiện mỹ trong từng câu chữ. Đồng thời cũng mong muốn mang đến những điều may mắn, tốt lành cho du khách thập phương đến viếng chùa. Có mặt từ những ngày  đầu của lễ hội, nhà thư pháp Trương Thái Tân đến từ quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết, đây là lần đầu tiên ông đến với Bình Dương. Được sự cho phép của chính quyền địa phương ông đã có điều kiện thực hiện công việc của mình một cách thuận lợi. Đã có rất nhiều người đến mua chữ của ông với mong muốn gặp được nhiều may mắn trong năm mới. So với các gian hàng buôn bán đồ lễ viếng chùa khác như: nhang đèn, hoa quả... thì góc viết thư pháp của ông luôn đông đúc du khách đến đây mua chữ. Ngoài việc bán các chữ, ông còn bán các bức tranh thư pháp với các nội dung chủ yếu nói về đề tài: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, hiếu, nhẫn, phúc... Những chữ này được rất nhiều du khách mua. Ông Tân vui vẻ cho chúng tôi biết, ông đồ ngày nay ngoài việc bán chữ để có thêm thu nhập thì cũng sẵn sàng cho chữ miễn phí với những người có nhu cầu. Việc cho chữ miễn phí này tuy là có phần hạn chế nhưng nó vẫn thể hiện được cái đẹp trong truyền thống cho chữ của người Việt Nam. Ngoài việc bán các bức tranh mà ông đã viết sẵn, ông còn viết theo nhu cầu của khách. Mỗi tấm thư pháp khi hoàn thành được bán với giá từ 100.000 - 120.000 đồng. Mỗi bức tranh thư pháp ông bán với giá từ 350.000 - 400.000 đồng. Người mua cũng ít khi trả giá khi đến lựa chọn mua các bức tranh mà mình vừa ý. Vì theo họ, việc xin chữ là mang đậm tính nhân văn nên việc làm này cũng cần phải được thực hiện một cách trân trọng. Chị Nga - du khách ở TP.HCM cho biết, năm nào đi lễ chùa tôi cũng đều mua chữ về treo trong nhà. Tôi thường mua những bức tranh thư pháp có nội dung về tình cha nghĩa mẹ, lòng hiếu thảo. Tôi mong muốn việc treo chữ trong nhà sẽ góp phần giáo dục cho con cháu nhớ ơn đấng sinh thành, cũng như giáo dục bản thân thực hiện tốt việc hiếu nghĩa với cha mẹ.

Nét đẹp truyền thống

Việc cho chữ vào những dịp lễ hội không phải là điều mới mẻ đối với nhiều người, tuy nhiên sự xuất hiện của các ông đồ tại khuôn viên các chùa với các chữ, bức tranh thư pháp đã mang lại một nét đẹp, sự tươi vui trong những ngày đầu xuân này. Việc viết thư pháp cũng luôn luôn đòi hỏi người viết phải có tính sáng tạo và cải tiến về nội dung, công cụ hành nghề. Nếu như trước đây chỉ có hai màu mực là đen và đỏ thì hiện nay các ông đồ còn sử dụng thêm các màu khác như: vàng, xanh, kim tuyến... Khi viết xong, ông đồ còn sử dụng cả máy sấy tóc để làm cho chữ mau khô. Việc làm này nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích ngày càng đa dạng của người mua. Nhà thư pháp Trương Thái Tân cho biết thêm, đây là việc làm cần thiết đối với những người viết thư pháp kinh doanh như chúng tôi, nhưng những nét đẹp của thư pháp truyền thống chúng tôi luôn trân trọng và giữ gìn.

Người cho chữ cũng cần phải trải qua một thời gian rèn luyện mới có thể bước ra hành nghề, vì vậy cả người cho chữ và người xin chữ cũng rất trân trọng nét đẹp văn hóa thư pháp Việt. Với những người mua, ngoài việc mua được các câu, chữ, các bức tranh thư pháp ưng ý, họ còn được các ông đồ giải thích thêm ý nghĩa, nội dung của từng câu chữ một cách hết sức tỉ mỉ và nhiệt tình. Anh Trần Thanh Tuấn, du khách TP.HCM cho biết, năm nào tôi cũng tham gia hơn một chục lễ hội trong cả nước, trong đó lễ hội chùa Bà ở Bình Dương thì tôi không thể bỏ qua được. Tôi cũng rất hay mua chữ và cũng trân trọng và giữ gìn nó một cách cẩn thận với mong muốn có nhiều điều tốt lành và may mắn hơn trong cuộc sống.

Xin chữ và cho chữ thời nay đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Cũng có nhiều người học thư pháp như là một nghề để kiếm sống. Tuy nhiên cũng có nhiều người đến với nghề này với mong muốn rằng đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người vì thư pháp là một nét đẹp truyền thống và việc cho chữ cũng ẩn chứa trong đó việc hướng tâm hồn con người đến với những nét đẹp chân thật, tình yêu trong sáng giữa con người và con người cũng như với quê hương đất nước Việt Nam.

Nam Sơn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=328
Quay lên trên