Một người vợ gửi đơn ra UBND xã xin cưới thêm vợ cho chồng. UBND xã té ngửa nhưng giải thích cỡ nào bà cũng không nghe, bà một mực yêu cầu xã phải can thiệp, giúp đỡ chuyện… trái pháp luật.
Bà LTĐ, ngụ ấp PT, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), năm nay đã ngoài 50 tuổi. Bà lấy chồng đã mấy chục năm, vợ chồng sống với nhau cũng “cơm lành canh ngọt”, có với nhau ba người con. Gia đình tuy không phải vào hàng giàu có nhưng cuộc sống đầy đủ, không thua ai ở địa phương.
Sẵn sàng chia sẻ
Đùng một cái, bà Đ. gửi đơn xin UBND xã cho bà được cưới vợ cho ông P., chồng bà. Lý do vì ông P. yêu bà X. từ thuở xa xưa và đến nay vẫn còn yêu bà X. Không nỡ nhìn chồng đau đớn, thất tình khi mất người yêu, bà chấp nhận chia sẻ tình cảm, chấp nhận để bà X. được lấy chồng bà làm vợ… lẽ.
Nội dung đơn có đoạn nêu: “Tôi sẵn sàng chấp nhận nỗi đau nhất trên đời của người phụ nữ phải chia sẻ hạnh phúc với người khác. Nhưng mới đây, cô X. lại định kết hôn với một người đàn ông khác và dự kiến làm đám cưới trong một ngày gần đây”. Sau đó thì bà yêu cầu: “Kính thưa quý cấp chính quyền cứu xét cho tôi, tôi chỉ yêu cầu cô X. phải lấy chồng tôi và hai người chung sống suốt đời mãi mãi hạnh phúc bên nhau. Tôi chấp nhận không có ý kiến gì cả nhưng cô X. không được lấy ai khác… Nay tôi muốn giúp hai người được sống bên nhau…”.
Không cho người yêu cũ đi… lấy chồng
Nguyên ông P. và cô X. có thời gian quen biết yêu đương từ lâu lắm, từ khi hai người còn trai gái. Chuyện tình không đi tới đâu, sau đó ông P. lấy bà Đ. Cô X. tham gia công tác ở ấp, tính tình lanh lẹ, hoạt bát nên cũng được nhiều anh để ý nhưng không nhắm được mối nào. Đến cuối năm 2011, cô gặp anh H. (nhỏ hơn cô tới 12 tuổi), hai người hợp tính nên phát sinh tình cảm. Quen nhau một thời gian, anh H. về nhà xin cha mẹ qua dạm hỏi cô X. Gia đình hai bên đồng ý, chọn ngày lành tháng tốt để X. lên xe hoa thì bất ngờ ông P. quậy.
Ông tìm tới nhà X., mới đầu là than trách cô sao phụ bỏ tình xưa. Cô X. kể: “Ổng cứ qua bên nhà tui, hờn trách, nói sao trước yêu ổng, rồi bao năm nay không có chồng. Giờ cũng đã lớn tuổi lại tự nhiên đòi lấy chồng. Đã yêu tui thì còn lấy chồng chi nữa, đã không có chồng, nhịn được tới giờ thì nhịn luôn đi…”.
Thấy không có tác dụng, ông P. bắt đầu gọi điện thoại quấy rối và đòi ngăn cản đám cưới. Cô X. rất khổ tâm, vừa sợ mang tiếng với xóm làng, vừa sợ bên chồng tương lai dị nghị. Ức chế quá, trong một lần cãi nhau với ông P., cô X. có nói thách: “Nếu anh nói ngon vậy thì về thôi vợ đi rồi tôi lấy anh”.
Từ câu nói này, thấy không thể thôi vợ được mà cũng không muốn người yêu đi lấy chồng, ông P. về chịu thiệt với vợ để được cưới thêm cô X. Hai vợ chồng thỏa thuận với nhau xong thì bà Đ. mới mang đơn lên UBND xã với nội dung như trên.
UBND xã trả đơn vì… yêu cầu trái pháp luật
Xác định yêu cầu của bà Đ. là trái pháp luật, từ ấp đến xã đã tiến hành hòa giải để bà Đ. cũng như ông P. nhận ra sai lầm của mình, hiểu rõ những quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Ban đầu bà Đ. cũng một mực cho rằng chuyện này là đúng vì hai người yêu nhau, giờ được bà tác hợp thì quá tốt chứ có gì mà trái pháp luật. Còn cô X. lấy người đàn ông khác, để chồng bà đau khổ là không đúng. Cô X. thì xác định rằng cô và ông P. đã không còn qua lại với nhau từ lâu lắm, cô cũng không thể lấy người đã có gia đình. Cô quyết xây dựng gia đình với anh H. nhưng cứ bị ông P., bà Đ. ngăn cản.
UBND xã kết hợp với đoàn thể một mặt vận động, một mặt ra thông báo nếu ông P., bà Đ. còn yêu cầu trái pháp luật như thế, ngăn cản đám cưới hợp pháp của cô X. thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Đến lúc này bà Đ. mới vỡ lẽ ra mọi chuyện. Và cô X. cũng vừa bước lên xe hoa trong nụ cười hạnh phúc.
Theo Pháp luật TPHCM