“Xin hãy đặt niềm tin vào đội ngũ y, bác sĩ”

Cập nhật: 19-08-2021 | 09:29:20

(BDO) Đó là lời nhắn nhủ rất chân thành của PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Y khoa Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương với người dân trên địa bàn tỉnh. PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh: “Những ngày qua hệ thống điều trị đã làm cho người dân lo lắng nhưng mọi người hãy bình tĩnh, đừng quá lo lắng…, xin hãy đặt niềm tin vào đội ngũ y, bác sĩ. Hãy cố gắng giúp đỡ chúng tôi, đừng để những thông tin không tốt, không phải là phổ biến, ảnh hưởng đến hệ thống điều trị. Chúng tôi đang làm hết sức không phải là 100% nữa mà là 200% khả năng của từng nhân viên y tế”.


Biểu đồ số ca xuất viện trong 7 ngày qua

Từng nhân viên y tế đang nỗ lực 200% sức mình

Những ngày qua số ca khỏi bệnh của Bình Dương liên tục tăng lên, số ca tử vong đang giảm dần. Người dân trên địa bàn tỉnh hãy đặt niềm tin và dành tất cả sự ủng hộ cho đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm xông pha, chiến đấu nơi tuyến đầu để giành lại sức khỏe cho nhân dân.

Nhiều tháng qua đội ngũ nhân viên y tế trên địa bàn đã âm thầm làm việc quên thời gian, có những nhân viên đã nhiễm bệnh, hy sinh trên mặt trận chống dịch khi tuổi còn rất trẻ. Nhiều sinh viên tình nguyện ở các vùng miền đất nước xếp vội “bút nghiên” xung phong vào Bình Dương chi viện, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Đọc thư chia buồn của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nguyễn Hồng Chương gửi gia đình nữ hộ sinh (NHS) Dương Nguyễn Thùy Trinh mà đẫm nước mắt: “Điều khủng khiếp nhất của đại dịch không chỉ là chia cách tình thân, cắt đứt mọi giao tiếp trong xã hội mà còn đẩy những người bị nhiễm và người bị chết vào hoàn cảnh đơn độc đến tận cùng. NHS Dương Nguyễn Thùy Trinh và những bệnh nhân không may đã phải chấm dứt sự sống của mình trong sự tàn nhẫn của cái chết do đại dịch Covid-19. Chúng tôi rất đau xót nhưng cũng tự hào vì sự huy sinh của một người đồng nghiệp góp phần mang lại cuộc sống cho rất nhiều người ở lại”.  


Đội ngũ y, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại cơ sở điều trị Phú Chánh, TX.Tân Uyên thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Phân tích về tâm lý lo lắng của người dân, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết thêm: “Chúng tôi đã thống kê các cuộc gọi cấp cứu đến Trung tâm cấp cứu 115 cho thấy có những ca thực sự cần được cấp cứu nhưng ngược lại có rất nhiều trường hợp không tới mức phải gọi cấp cứu mà do người dân quá lo lắng, hoảng sợ. Rất mong người dân hãy bình tĩnh, lắng nghe tư vấn, đọc theo hướng dẫn của ngành Y tế, của chính quyền để cùng nhau chia sẻ khó khăn trong cuộc chiến chống lại đại dịch này”.  

Số ca khỏi bệnh tăng, tử vong giảm

Theo báo cáo của ngành y tế trong 7 ngày qua, từ ngày 12-8 đến ngày 18-8 số ca xuất viện của tỉnh liên tục tăng lên theo cấp số nhân. Chỉ trong vòng 7 ngày nhưng tổng số ca xuất viện, khỏi bệnh là 6.734 ca, gần bằng phân nửa tổng số ca xuất viện trong đợt dịch lần thứ 4 là 15.042 ca. Nhìn vào biểu đồ số ca khỏi bệnh trên địa bàn trong vòng 1 tuần qua có thể thấy số ca khỏi bệnh đang tăng, tuy mức tăng không đều. Cụ thể, ngày 12-8 có 451 bệnh nhân khỏi bệnh, ngày 14-8 là 1.019 ca, ngày 17-8 lên tới 1.866 và ngày 18-8 là 1.231 ca. 


Bệnh nhân xuất viện tại Bệnh viện quốc tế Becamex 

Cùng với số lượng bệnh nhân khỏi bệnh tăng thì số ca tử vong trong 7 ngày qua cũng có xu hướng giảm dần. Theo PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu thì số bệnh nhân tử vong so với cùng kỳ tuần trước đã giảm đi rất đáng kể, mặc dù số ca nhiễm tăng. Điều này chứng tỏ hệ thống điều trị 3 tầng đã bắt đầu phát huy hiệu quả. “Chúng tôi đã làm hết sức mình, tìm mọi cách để tất cả bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, từ phương án triển khai trong cộng đồng đến việc củng cố 3 tầng điều trị, mở rộng thêm tầng 3 cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Quốc tế Becamex. Hệ thống điều trị những ngày qua liên tục đón nhận tin vui. Tin từ Trung ương viện trợ cho tỉnh những phương tiện tốt nhất để hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng rồi sự quan tâm hỗ trợ không để thiếu thuốc điều trị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã làm cho hệ thống điều trị vững tin rất nhiều. Tôi đi nhiều tỉnh hỗ trợ chống dịch, ở Bình Dương tôi rất ấn tượng tinh thần nhiệt huyết không ngại vất vả thiệt thòi, lao vào chống dịch của các lực lượng tuyến đầu. Rồi cả những quyết tâm, sự đồng lòng chống dịch của cả hệ thống chính trị với mong muốn dập dịch nhanh nhất để đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường”. PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu nói. 

Đề cập đến công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: So với trước đây, công tác thu dung điều trị của tỉnh hiện đã được sắp xếp lại ở cả 3 tầng điều trị nhằm hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong. Do đặc điểm của Bình Dương đông công nhân lao động, ở nhà trọ là chính nên tỉnh đã xây dựng nhiều bệnh viện dã chiến cho người lao động không có điều kiện cách ly tại nhà trọ thì được thu dung điều trị tại đây. Mục tiêu của tỉnh và các doanh nghiệp luôn cố gắng phấn đấu mở ra nhiều bệnh viện dã chiến để chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Điều đó đã được khẳng định ở số ca xuất viện mỗi ngày tăng lên và đang dần tiệm cận với số ca mắc trong ngày. Hiện tỉnh đã có 15.042 bệnh nhân xuất viện trong tổng số hơn 52.000 ca mắc trong đợt dịch lần thứ 4. 

Kim Hà

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên