“Xóa” hành lang bảo vệ cầu Thạnh Hội?

Thứ tư, ngày 14/07/2010

Từ khi có cầu Thạnh Hội, lối đi mới ngắn nhất cũng được mở trong hành lang bảo vệ cầu, phục vụ cho gần 20 hộ dân ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Hội, Tân Uyên lưu thông. Sự việc sẽ không có gì ầm ĩ nếu gia đình ông Trần Văn Cậy, một hộ dân có đất tiếp giáp hành lang bảo vệ cầu không cho người đổ đất gây cản trở giao thông khiến “con đường nho nhỏ” của bà con như bị “xóa sổ”!?

Việc ông Cây đổ đất trên hành lang bảo vệ cầu làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân

Trong đơn khiếu nại gửi Báo Bình Dương, bà con ấp Thạnh Hòa phản ánh: “Ngày 26-6-2010, vợ chồng ông Cậy kêu xe đổ đất lấp hành lang của cầu, còn nói “cấm không cho chúng tôi đi”. Trong lúc xe đổ đất thì dân ra cản, vợ chồng ông Cậy nói với tài xế “xe cứ đổ, cán chết người nào tôi đền người đó”! Nhà nước đã đền bù cho ông Cậy để giao đất xây cầu phục vụ đi lại, nay bà con có con đường đi thuận tiện nằm trong hành lang cầu lại bị ông Cậy cấm không cho đi là sao?...”.

Công trình cầu Thạnh Hội được khởi công từ ngày 2-9-2005 và hoàn thành vào ngày 26-12-2009 đi qua địa bàn ấp Thạnh Hòa và gần 20 hộ dân trong khu vực. Thạnh Hội là xã nông nghiệp nằm gọn trong cù lao bốn bề là sông nước. Từ khi cầu Thạnh Hội được xây dựng, người dân thuận tiện đi lại, giao thương với các địa bàn lân cận. Không phải ngẫu nhiên mà cầu Thạnh Hội lại “đi ngang” đất ông Cậy bởi do đất của ông quá rộng. Riêng phần đất bên hữu cầu (từ UBND xã Thạnh Hội đi ra - PV) với diện tích 2.416m2; trong đó có 150m2 thổ cư - được bà L. là con ông Cậy đứng tên giấy CNQSDĐ năm 2009. Giữa năm 2010, vì có ý định mở quán kinh doanh nên gia đình ông Cậy cho người đổ đất lên đoạn dài hành lang bảo vệ cầu, phần đất tiếp giáp với đường cầu cao 3m nhằm mục đích mở đường vào đất. Việc này gặp sự phản ứng dữ dội từ phía các hộ dân lân cận bởi họ cho rằng ông Cậy đang “lấn chiếm” lối đi chung. Ông Nguyễn Văn Tại, Trưởng ấp Thạnh Hòa cho biết: “Trước đã có một con đường GTNT đi ra cầu Thạnh Hội nhưng vì đường xa, nhiều khúc cua nên người dân vẫn quen đi tắt bằng con đường này cho gần. Khi cầu xây dựng xong, con đường này nằm trong hành lang bảo vệ cầu và được thu ngắn lại chạy thẳng lên phía đường cầu, thuận lợi hơn cho người dân lưu thông”. Được biết, hành lang bảo vệ cầu mỗi bên là 5m đã được ngành chức năng cắm mốc hẳn hoi. Tuy nhiên, cột mốc tiếp giáp đất của bà L. lại bị hất ngã chỏng chơ do xe đổ đất càn lên. Theo hầu hết bà con thì họ không biết “kế hoạch” xây quán gì của gia đình ông Cậy, chỉ biết con đường quen thuộc này đã bị lấp đất. Ông Nguyễn Thành Lâm, người dân ấp Thạnh Hòa bức xúc: “Nếu ông Cậy giải thích thì không đến nỗi, đằng này lại dùng lời không hay xử sự với bà con khiến tình làng nghĩa xóm bị ảnh hưởng...”. Thêm đó, người dân còn phản ánh bà Cậy “tự ý” trồng “hàng rào chuối” nằm trong hành lang bảo vệ cầu phía bên tả khiến bậc thang lên xuống hai bên cầu trở nên vô nghĩa...

Mới đây, do bị cản trở việc đổ đất nên bà L. đã đâm đơn khiếu nại lên UBND xã Thạnh Hội. Ngày 1-7-2010, Hội đồng hòa giải xã đã mời phía ông Cậy và ông Nguyễn Thành Lâm đến hòa giải. Biên bản hòa giải thành cho thấy: do hai bên không hiểu nhau nên đã phát sinh mâu thuẫn. Sắp tới, khi đã đổ xong đất nâng cao nền, ông Cậy sẽ trả lại hành lang bảo vệ cầu để người dân tiếp tục sử dụng. Ông Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội cho biết: “UBND xã đề nghị khi bà L., con gái ông Cậy lúc đổ đất cần đặt cống thoát nước; sau khi đổ đất xong bà L. sẽ phải trả lại con đường như cũ cho bà con trong ấp lưu thông”.Dù đổ đất với mục đích nâng nền, tạo lối đi vào đất nhưng khu vực này vẫn là đất hành lang bảo vệ cầu và hơn hết đây là lối đi chung của rất nhiều hộ dân. Nếu gia đình ông Cậy muốn đổ đất cần được sự cho phép của chính quyền địa phương cũng như sự thống nhất của các hộ dân trong ấp, thay vì làm cách “tiền trảm hậu tấu” như trên. Trong thời gian tới, địa phương cần giám sát chặt chẽ cũng như tạo điều kiện để các bên có sự đối thoại trực tiếp, hóa giải những mâu thuẫn không đáng có, giữ gìn tình nghĩa cộng đồng.

TÂM TRANG